DMagazine

"Nghệ nhân" 4 đời sửa máy ảnh ở Hà Nội trải lòng về nghề xoay vặn

(Dân trí) - Trong khi rất nhiều thợ sửa máy ảnh ngày nay đã bỏ nghề chỉ vì muốn kiếm được nhiều tiền hơn, thì người “nghệ nhân” với tên gọi thân thuộc: Long Tân Binh, vẫn miệt mài bên chiếc bàn nhỏ và làm công việc đã gắn bó với suốt 4 thế hệ gia đình anh.

Nghệ nhân sửa máy ảnh 4 đời ở Hà Nội: Khi “tháo lắp” không chỉ dừng lại ở niềm đam mê

Từ lâu, cái tên Long "Tân Binh" đã không còn quá xa lạ với người yêu nhiếp ảnh trên đất Hà Thành, đặc biệt là các tay chụp máy ảnh cơ (hay máy ảnh film). Đây được biết đến như địa điểm sửa chữa quen thuộc với truyền thống 4 đời trong nghề, thay thế linh kiện, cũng như trao đổi các kiến thức về chụp ảnh.

Chủ cửa hàng - anh Nguyễn Ngọc Long (hay Long "Tân Binh"), là một người đàn ông trông khá dữ tướng với những đường xăm trổ và mái tóc húi cua kiểu "đầu đinh". Thế nhưng khi tiếp xúc mới biết Long thực ra là một người dễ gần, thậm chí khá bay bổng với chất giọng trầm ấm, và có một niềm đam mê cháy bỏng với nghề.

"Gia đình mình tất cả đều không qua một trường lớp sửa chữa máy ảnh nào. Tất cả chỉ là kinh nghiệm đúc kết sau nhiều năm và trở thành một nghề gia truyền", Long chia sẻ. "Đặc điểm của nghề sửa máy ảnh này đó là không phải cứ truyền mà làm được luôn, mà quan trọng phải có được hiểu biết về máy ảnh, phải có sự tự tin, cần mẫn, và tình yêu với nghề thì mới làm được".

Tình yêu máy ảnh từ trong dòng máu

Nghề sửa máy ảnh gia truyền của Long Tân Binh bắt nguồn từ đời cụ của anh. Dẫu vào thời bấy giờ, cụ của anh có xuất thân là một thợ mộc. Tuy nhiên sau nhiều năm đi theo những người thợ sửa máy ảnh, cụ dần nảy sinh niềm đam mê, và trau dồi kiến thức về loại thiết bị này. Cứ mỗi lần máy bị hỏng hóc, hay có mẹo gì thì cụ và những người bạn đều ngồi xuống cùng làm và truyền lại cho nhau những bí quyết của mình.

Nghệ nhân 4 đời sửa máy ảnh ở Hà Nội trải lòng về nghề xoay vặn - 1

Một thời gian sau đó, con trai của cụ lúc sinh thời - tức ông của Long, bắt đầu mày mò để học lại nghề sửa máy ảnh gia truyền qua các tài liệu để lại, mà hoàn toàn không theo học tại một trường lớp nào. "Thời ấy, mọi dụng cụ để lại còn rất thô sơ, nhưng ông vẫn vừa làm và vừa học. Sau này vào những năm 60, ông bắt đầu truyền lại cho hai người con là bố mình và chú của mình", Long kể lại.

Thế rồi, nghề gia truyền tiếp tục được truyền lại cho Long, và phát huy tới ngày nay.

"Từ thời ông của mình và bố của mình thì mọi người chỉ biết đến như một cửa hàng sửa máy ảnh có tiếng tại Hà Nội và không có tên", Long chia sẻ. "Mãi sau đó, khi mình học hết Đại học, bắt đầu ra trường và khởi nghiệp cùng một số người bạn. Bọn mình cùng tạo ra một trang web là Xóm Nhiếp Ảnh. Và tại đây mình đặt cái tên Long Tân Binh có nghĩa là Long “Lính Mới”. Từ những năm 2000 trở lại, cái tên Long Tân Binh bắt đầu trở thành thương hiệu của riêng mình".

Nhớ lại những ngày đầu khi mới lập nghiệp, Long kể có lần được bố gửi vào một tiệm sửa máy ảnh trong Thanh Hóa. Tại đây, Long kê một tấm bàn và bắt đầu sửa máy ảnh.

Nghệ nhân 4 đời sửa máy ảnh ở Hà Nội trải lòng về nghề xoay vặn - 2
Nghệ nhân 4 đời sửa máy ảnh ở Hà Nội trải lòng về nghề xoay vặn - 3

Trùng hợp thay khi vào những năm đầu của thập niên 2000 cũng là giai đoạn xảy ra biến động lớn trong làng nhiếp ảnh, khi những máy ảnh số xuất hiện và dần thay thế máy ảnh film cổ. Những người thợ sửa máy ảnh thời bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn vì cấu trúc và linh kiện của hai loại máy rất khác nhau, và Long cũng không phải ngoại lệ.

Những kiến thức mà Long học được bấy giờ - khi vẫn chỉ còn là một cậu thanh niên "tân binh" đúng nghĩa thực sự khiến cậu "toát mồ hôi" khi đối diện với một chiếc máy ảnh số phức tạp, và cũng có giá trị cao hơn nhiều so với một máy ảnh film thông thường.

Thế nhưng bằng niềm đam mê và tình yêu khám phá những điều mới, Long đã tự tháo, tự sửa và tự lắp ráp thành công chiếc máy ảnh số đầu tiên được cầm trên tay sau đó ít tuần. "Sau lần ấy, mình cảm thấy tự tin hơn rất nhiều, có thể "dám" để mở tung những chiếc máy ảnh mà chưa từng gặp bao giờ, để rồi tìm tòi cấu trúc, và hoàn thiện nó", Long chia sẻ.

Theo dòng chảy thời gian

Thời bấy giờ, những trường hợp "dám làm" và gặt hái được thành công như Long Tân Binh là vô cùng hiếm, vì đa số thợ sửa máy ảnh đã gặp rất nhiều khó khăn với cấu trúc và linh kiện biệt lập của hai dòng máy cơ và máy ảnh số.

Nghệ nhân 4 đời sửa máy ảnh ở Hà Nội trải lòng về nghề xoay vặn - 4

Sau đó, máy ảnh cổ lại rơi vào giai đoạn khan hiếm linh kiện, khiến các thợ sửa hầu như không thể làm gì nhiều.

Ấy là chưa kể tới việc các tay chơi máy ảnh film thường rất rành về máy móc nên họ thậm chí có thể tự lắp ráp hoặc sửa chữa các lỗi cơ bản mà không cần đến thợ. Tất cả những điều này khiến cho rất nhiều người bỏ nghề không chỉ vì thiếu đi niềm đam mê, mà đôi khi là vì không thể kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống.

Có những lúc để sửa máy ảnh cổ, các thợ sửa phải phải tháo rời hai chiếc máy ảnh cùng một đời, rồi mới ghép lại được một chiếc sử dụng được. Vì mỗi chiếc máy ảnh khi còn bộ phận này thì lại thiếu mất bộ phận kia.

Cũng có trường hợp các thợ sửa chuyên nghiệp như Long Tân Binh đã tự chế tạo ra các bộ phận cần thiết bằng cách ghép từ các linh kiện bỏ thừa. Cũng bởi điều này mà theo Long, nghề sửa máy ảnh ngày nay không chỉ yêu cầu sự chăm chỉ, gắn bó với nghề, mà còn cần một chút sáng tạo, thông minh và nắm vững kiến thức về máy ảnh.

Sự phổ biến của những chiếc máy ảnh số cũng có tác động mạnh mẽ tới nhiếp ảnh gia. Rất nhiều người thích ứng được xu thế này, và tìm mua cho mình những chiếc máy hiện đại, nhiều tính năng, nhiều chế độ chụp, thậm chí có thể chia sẻ ảnh trực tiếp lên mạng xã hội khi cần. Thế nhưng, cũng có những con người "hoài cổ", vẫn giữ cho mình thói quen chụp máy ảnh cơ bản với mọi thao tác đều được thực hiện bằng tay, từ chọn khẩu độ, tốc độ, lấy nét,...

Nghệ nhân 4 đời sửa máy ảnh ở Hà Nội trải lòng về nghề xoay vặn - 5

Theo quan điểm của Nguyễn Ngọc Long, máy ảnh số ngày nay đơn giản là có nhiều tính năng và hỗ trợ quá nhiều khiến cho cả kiến thức và niềm đam mê của người chụp bị thiếu hụt đi so với thời xưa. "Trong thời kỳ càng khó khăn thì mọi người càng tìm hiểu nhiều. Với mỗi bức ảnh được chụp, mỗi người cũng sẽ có trách nhiệm và ý thức nhiều hơn", Long nói.

Quả thực, trải nghiệm "thuần khiết" nhất của nhiếp ảnh đó là sự phạm phải những sai lầm và rồi học từ chính những điều đó. Mọi thứ có thể trở nên phiền phức và thậm chí khiến bản thân bỏ lỡ một vài khoảnh khắc trong các chuyến đi chơi picnic cùng gia đình, hay bạn bè,... Thế nhưng rốt cuộc điều này sẽ giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm, để rồi chụp đẹp hơn trong những lần sau.

Nghệ nhân 4 đời sửa máy ảnh ở Hà Nội trải lòng về nghề xoay vặn - 6
Nghệ nhân 4 đời sửa máy ảnh ở Hà Nội trải lòng về nghề xoay vặn - 7
Nghệ nhân 4 đời sửa máy ảnh ở Hà Nội trải lòng về nghề xoay vặn - 8

Anh Long có hai cậu con trai, và ngay từ bé, cả hai đã thể hiện niềm đam mê với máy ảnh. Long cho biết cậu con trai lớn của anh thậm chí đã có thể mở và ráp lại một số máy ảnh cơ bản. Tuy nhiên khi nói đến liệu có truyền lại nghề sửa máy ảnh cho con trai hay không, người thợ đã có hơn 20 năm trong nghề chợt khựng lại đôi chút.

"Ngày xưa mình bắt buộc phải vào nghề từ nhỏ nhưng bây giờ để cho cháu tự lựa chọn nghề cho mình. Còn tất nhiên, nếu như cháu tiếp nối nghề truyền thống gia đình, trở thành thế hệ thứ 5 sửa chữa máy ảnh thì cũng rất đáng mừng", Long nói.

"Với một ai đó, sửa máy ảnh có thể là công việc, nhưng với tôi, đây là niềm đam mê duy nhất.

Với một ai đó, sửa máy ảnh là kiếm tiền, nhưng với tôi, đây là việc duy trì truyền thống đã tồn tại suốt 4 thế hệ."

Nghệ nhân 4 đời sửa máy ảnh ở Hà Nội trải lòng về nghề xoay vặn - 9

Là một “chuyên gia” trong nghề, song, bản thân Long cũng hiểu rằng máy ảnh bây giờ không giống như những năm về trước. "Máy ảnh trước đây là một gia tài, hoặc là cần kiếm cơm của nhiều thợ ảnh. Thế nhưng ngày nay, trong bối cảnh mọi thứ đều được giải quyết bằng tiền, nếu máy hỏng, người ta hoàn toàn có thể để đấy, hoặc mua một chiếc máy ảnh mới", Long chia sẻ. Cũng bởi vậy mà theo Long, nghề sửa máy ảnh rồi sẽ mai một, và những thợ sửa như anh cũng ngày một ít việc hơn.

Thực tế cũng cho thấy rất nhiều thợ sửa máy ảnh ngày nay đã bỏ nghề chỉ vì muốn kiếm được nhiều tiền hơn, hay làm một cái gì đó "hoành tráng hơn". Ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, cũng rất khó để tìm kiếm một cửa hàng sửa chữa máy ảnh, khi mà đa số đều là các cửa hàng rao bán, sửa chữa điện thoại.

Với Long, sửa máy ảnh giờ đây chủ yếu là đôi khi sửa "vui vui" một vài chiếc cho bạn bè, và kiếm thêm chút "đồng ra đồng vào". Anh cũng mong muốn rằng một ngày nào đó sẽ mở một tiệm máy ảnh cổ giữa lòng Hà Nội, để tiếp tục làm sống lại những giá trị tinh thần, những kí ức đẹp đẽ mà những chiếc máy ảnh đã lưu giữ cùng với chủ nhân của chúng.

Nhấp một ngụm trà, người thợ sửa máy ảnh duy nhất còn lại của một gia đình với 4 thế hệ lặng lẽ hướng về chiếc kệ cũ kĩ bên trong gian phòng nhỏ, nơi đặt rất nhiều xác máy ảnh "vô tri vô giác", đủ mọi kích cỡ. Nhưng khi tôi nhìn vào hình ảnh phản chiếu lại trong mắt anh, nơi đó vẫn ánh lên ngọn lửa của sự đam mê không bao giờ tắt của một nghệ nhân đích thực.

Nguyễn Nguyễn