Việt Nam ghi dấu ấn với tỷ lệ lao động trẻ em thấp hơn 4% toàn cầu
(Dân trí) - Theo lãnh đạo Cục trẻ em, tỷ lệ lao động trẻ em (LĐTE) tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với trung bình khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thấp hơn 4,2% so với mức toàn cầu.
Phấn đấu giảm dần lao động trẻ em
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, Việt Nam có khoảng 1,7 triệu trẻ em tham gia hoạt động kinh tế, chiếm 9,1% tổng số trẻ trong độ tuổi 5-17 của cả nước. Trong số này, có đến 1,1 triệu trẻ em được xác định là lao động trẻ em, chiếm 58,8% trẻ em tham gia hoạt động kinh tế.
"Công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu. Chúng ta hoàn toàn tuân thủ những khái niệm về lao động trẻ em theo các Công ước của Tổ chức lao động thế giới (ILO) và theo thông lệ quốc tế.
Tỷ lệ lao động trẻ em giảm dần theo từng năm. Tỷ lệ lao động trẻ em (LĐTE) tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực Châu Á và Thái Bình Dương và thấp hơn 4,2% so với toàn cầu. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em tham gia hoạt động kinh tế được đến trường cũng đã tăng đáng kể, từ 43,6% lên 63% trong 10 năm qua", ông Nam cho biết.
Kết quả điều tra do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, trong số lao động trẻ em, có khoảng 519.805 trẻ em được xác định là trẻ đang làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm - những công việc có những nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe, sự an toàn và đạo đức của trẻ (chiếm 29,6% trẻ hoạt động kinh tế và 50,4% tổng số lao động trẻ em).
Mặc dù tỷ lệ trẻ em tham gia hoạt động kinh tế được đến trường đã tăng đáng kể, từ 43,6% lên 63% trong 10 năm qua, song vẫn còn 19.500 em (chiếm 1,1%) chưa từng được đi học. So với tỷ lệ đi học bình quân toàn quốc là 94,4%, chỉ có 50% lao động trẻ em được đi học.
"Tỷ lệ này thấp hơn 38,6% đối với nhóm trẻ em làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đây là những con số đáng lưu tâm đối với các nhà hoạch định chính sách và cũng là thách thức không nhỏ trong việc bảo đảm quyền trẻ em nói chung, quyền của lao động trẻ em nói riêng", ông Nam nói.
Theo lãnh đạo Cục Trẻ em, vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua để có thể phát huy thành tựu giảm dần lao động trẻ em một cách hiệu quả. Mục tiêu đề ra là tiến tới xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng lao động trẻ em ở Việt Nam trong thời gian tới.
Con số cụ thể, cả nước phấn đấu giảm tỉ lệ lao động trẻ em trong độ tuổi 5-17 xuống dưới 4,9% vào năm 2025 và 4,5% vào năm 2030.
Để giảm thiểu lao động trẻ em, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật hoàn thiện khung pháp lý. Luật Trẻ em 2016 và Bộ luật Lao động 2019 đều có những quy định nghiêm ngặt về lao động trẻ em.
Chính phủ Việt Nam cũng đã ký kết và phê chuẩn nhiều công ước quốc tế về quyền trẻ em và chống lao động trẻ em, như Công ước 138 và 182 của ILO.
Bên cạnh đó, các chương trình quốc gia như Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đang được triển khai để giảm thiểu tình trạng này, bao gồm các biện pháp hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề và cải thiện điều kiện sống cho gia đình nghèo.
Lãnh đạo Cục Trẻ em cho biết, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, đặc biệt là chính sách hỗ trợ giáo dục, dạy nghề, an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, ngành chủ trương tăng cường thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành; lồng ghép giải quyết tình trạng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật trong hệ thống bảo vệ trẻ em với các vấn đề giảm nghèo - an sinh xã hội.
An sinh xã hội góp phần giảm thiểu lao động trẻ em
Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam là một trong các quốc gia tiên phong của Liên minh liên minh toàn cầu nhằm chống lại lao động trẻ em và lao động cưỡng bức (liên minh 8.7).
Hiện nay quốc tế đều đang hướng đến Việt Nam để lấy cảm hứng trong nỗ lực toàn cầu về phòng ngừa và nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em.
Để củng cố hệ thống an sinh xã hội nhằm ngăn ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em, ILO khuyến nghị, Việt Nam cần thu hẹp khoảng trống trong diện bao phủ an sinh xã hội cho trẻ em.
Điều này có nghĩa là ưu tiên quyền lợi của trẻ em, cũng như mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội tới 2 tỷ lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức. Qua đó, hỗ trợ họ chuyển dịch từ khu vực kinh tế phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức.
Việc giảm thiểu lao động trẻ em sẽ dễ dàng hơn nếu các quốc gia có hệ thống an sinh xã hội cung cấp đầy đủ các quyền lợi cả đời, từ trợ cấp trẻ em và gia đình, trợ cấp thai sản và thất nghiệp đến lương hưu cho người già cũng như chế độ bảo vệ sức khỏe.
Để có thể giảm thiểu lao động trẻ em, các chương trình an sinh xã hội cần được thiết kế toàn diện và nhạy cảm với lao động trẻ em. Điều này đòi hỏi phải có các trợ cấp phù hợp cho trẻ em và gia đình, đặc biệt là những hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất, giúp họ tiếp cận dễ dàng và hiệu quả.
Việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký, triển khai các cơ chế chi trả linh hoạt, cùng với đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục cơ bản chất lượng và các dịch vụ xã hội quan trọng khác, sẽ tạo nền tảng vững chắc để bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ trở thành lao động sớm.