DMagazine

Góc hoài niệm băng cassette và những bản nhạc analog du dương

(Dân trí) - Vào một buổi chiều đẹp trời, những âm thanh chậm rãi phát ra từ chiếc đài cassette cổ kính sẽ như “cỗ máy thời gian”, đưa bạn quay ngược về một thời dẫu chưa xa, nhưng đủ để nhớ.

Góc hoài niệm băng cassette và những bản nhạc analog du dương - 1

Những năm đầu thập niên 1980 người yêu âm nhạc chứng kiến sự “đổ bộ” của đĩa CD; đây cũng là lúc âm thanh kỹ thuật số lên ngôi thay thế cho những bản nhạc analog phát ra từ chiếc đài cassette, hay xa hơn nữa là đầu đọc băng cối, đĩa than.

Thời nay, khi mà đa số người ta chỉ còn thưởng thức âm nhạc ngay trên nền tảng Internet, hoặc bằng các thiết bị di động, một bộ phận những người hoài cổ vẫn đang ngày đêm tìm kiếm và giữ lại loại thiết bị được xem là lỗi thời. Trong mắt một ai đó, chúng có thể chỉ là “mớ rác công nghệ”, nhưng đối với họ, đây lại là những "báu vật", là niềm tự hào mỗi khi sở hữu.

Đó có thể là chiếc đài cassette (boombox) quen thuộc mà chúng ta từng đặt đầu giường, hoặc đôi khi chỉ là chiếc băng cassette nhỏ bé, nhưng lưu giữ ký ức của cả tuổi thơ, thời thanh xuân đáng nhớ trong biết bao thế hệ gia đình người Việt.

Mỗi cuốn băng giá trị có thể đổi được từ 1 đến 2 chiếc đài

Góc hoài niệm băng cassette và những bản nhạc analog du dương - 2

Thú chơi cassette cổ, cũng như sưu tập băng cassette, đang dần thịnh hành trở lại, sau một thời gian tưởng như các loại thiết bị này đã “tuyệt chủng”. Giờ đây, các hội nhóm trên Facebook mọc lên ngày một nhiều, người ta cũng bàn tán nhiều hơn, thậm chí sẵn sàng bỏ tiền để mua một chiếc cassette cổ về chỉ để... ngắm. Thế mới thấy, người Việt Nam cũng thật hoài cổ.

Tuấn Linh, một 9X, bắt đầu sưu tầm cassette cổ và băng cassette trong khoảng 5-7 năm, tới nay đã sở hữu một bộ sưu tập khoảng 300 - 400 băng cassette có giá trị với nội dung đa dạng, từ pre-1975, nhạc Vàng, tình khúc, nhạc ngoại... hoặc những bản nhạc ko lời hòa tấu cổ điển của các nhạc sỹ trên thế giới, cho tới những bộ sưu tập cực hiếm từ những năm thập niên 60 của thế kỷ trước.

Bên cạnh đó, Tuấn Linh cũng sở hữu bộ sưu tập cassette cổ trị giá gần 300 triệu đồng đã được Dân trí giới thiệu trong bài viết kỳ trước.

 Từ vài năm trước, 9X này đã bắt đầu sưu tầm và bán hàng nghìn băng cassette có tuổi đời từ những năm thập niên 70, 80, 90 cho người mê nhạc cổ. Đến nay, Tuấn Linh chỉ giữ lại một vài cuốn yêu thích để thỉnh thoảng nghe chơi, hoặc tặng cho anh em, bạn bè làm kỷ niệm.

Có một điều thú vị mà những ai đến với thú chơi này đều hiểu, đó là mặc dù đài hiếm nhưng băng thậm chí còn hiếm hơn. Đôi khi, một cuốn băng giá trị có thể đổi được 1-2 chiếc đài. Khảo giá thị trường, một cuốn có âm thanh hay, thể loại dễ nghe như nhạc Vàng từ những năm thập niên 80 - 90, có kèm bìa băng, có giá từ 300.000 đến 500.000 đồng.

Một số băng cassette nằm trong bộ sưu tập của tay chơi 9X:

Góc hoài niệm băng cassette và những bản nhạc analog du dương - 3
Góc hoài niệm băng cassette và những bản nhạc analog du dương - 4
Góc hoài niệm băng cassette và những bản nhạc analog du dương - 5
Góc hoài niệm băng cassette và những bản nhạc analog du dương - 6
Góc hoài niệm băng cassette và những bản nhạc analog du dương - 7
Góc hoài niệm băng cassette và những bản nhạc analog du dương - 8
Góc hoài niệm băng cassette và những bản nhạc analog du dương - 9
Góc hoài niệm băng cassette và những bản nhạc analog du dương - 10
Góc hoài niệm băng cassette và những bản nhạc analog du dương - 11
Góc hoài niệm băng cassette và những bản nhạc analog du dương - 12
Góc hoài niệm băng cassette và những bản nhạc analog du dương - 13
Góc hoài niệm băng cassette và những bản nhạc analog du dương - 14
Góc hoài niệm băng cassette và những bản nhạc analog du dương - 15
Góc hoài niệm băng cassette và những bản nhạc analog du dương - 16

Tay chơi 9X tự nhận ít ai ở Việt Nam có bộ sưu tập giá trị và dày công sưu tầm như của mình. Điều này chưa ai kiểm chứng, nhưng nếu nhìn vào những món đồ trong "góc hoài niệm" của anh, ít ai có thể phủ nhận giá trị của chúng.

Nói là vậy, nhưng để mua được những cuốn băng cassette chất lượng là điều không hề dễ dàng do số lượng càng khan hiếm của chúng. Thực tế cho thấy, việc ngày càng có nhiều người sưu tầm cassette cổ giúp duy trì thú vui này, nhưng lại làm giảm đáng kể những cuốn băng cassette giá trị còn "lưu lạc" trên thị trường. Đó là chưa kể tới một lượng không nhỏ bị hỏng, bị mốc theo thời gian.

Nhấp một ngụm trà, trên tay vẫn đang cầm một cuốn băng cassette Album tình khúc Chế Linh - 1975, tay chơi 9X chia sẻ về những tháng ngày vất vả khi anh lùng kiếm cho được hàng nghìn chiếc băng cassette từ thế kỷ trước.

“Thời ấy, mình phải mất 3-4 năm mới kiếm được khoảng mấy trăm cuốn. Băng cassette ngoài miền Bắc lại ít, nên mình phải thường xuyên liên lạc với những người anh em thân thiết ở các tỉnh và đặc biệt là Sài Gòn để giúp trong quá trình đi tìm”, Tuấn Linh chia sẻ.

“Trong giai đoạn băng cassette thịnh hành, miền Nam phát triển hơn miền Bắc, nên tiếp xúc nhiều hơn với các loại đài và băng từ các nguồn đa dạng. Trong khi đó, tại miền Bắc hạn chế hơn, không phong phú đa dạng và phổ biến rộng như miền Nam, chủ yếu do khí hậu”.

Góc hoài niệm băng cassette và những bản nhạc analog du dương - 17

Để kiếm được những cuốn băng cassette chất lượng tốt, 9X đã bỏ nhiều công sức để thu thập hết nguồn băng tại Sài Gòn, tìm đến các đầu mối, đôi khi chỉ là những nhân vật mà chúng ta rất dễ bỏ qua nếu gặp trên phố, như người dọn vệ sinh, thu lượm giấy vụn, đồng nát, bán vé số.

Những người này trong quá trình làm công việc của họ, có thể sẽ vô tình sở hữu được những chiếc băng được Tuấn Linh gọi là “một gia tài”, khi mà chính họ lại không nhận biết được giá trị của chúng.

Góc hoài niệm băng cassette và những bản nhạc analog du dương - 18

“Ngồi nghe băng như ngồi câu cá. Cực kỳ hên xui. Cứ thế mở từng cuốn một, từng cuốn một”.

Sau khi thu về hàng nghìn cuốn băng từ rất nhiều nguồn khác nhau, việc phân loại chúng để tìm được những cuốn thật sự tốt cũng là một thử thách không nhỏ. Đã không ít lần 9X này bỏ cả chục triệu đồng để mua băng, rồi phải tìm cách thanh lý với giá rẻ vì chẳng có cuốn nào giá trị.

Ngoài ra, rất nhiều cuốn sau khi thu về bị đứt, mốc, nứt vỡ, hỏng đệm lưỡi gà,... Tay chơi 9X thậm chí đã phải chế một bộ dụng cụ chuyên để lau băng, rồi mất nhiều thời gian để xếp băng, ghi bìa,... có khi làm thâu đêm suốt sáng vì niềm đam mê.

9X cũng ko ngại chia sẻ mỗi lần ngồi thử băng là một sự mong đợi và háo hức, để rồi lại hụt hẫng khi bìa băng, tên băng không khớp với nội dung trong cuốn băng, hoặc chất lượng băng đã bị lão hóa nhiều, không còn nghe được
 

Cũng nhờ sau một thời gian sưu tầm, nên Tuấn Linh biết cách nhận biết các loại băng Nhật “xịn” với băng do Việt Nam sản xuất. Những loại do Việt Nam làm thường có chất lượng kém, dễ mốc. Điều này kết hợp với khí hậu nồm ẩm vào mùa xuân của miền Bắc đã trở thành "kẻ thù số 1" với những tay sưu tập đồ âm thanh. “Có những cuốn tuần này vẫn nghe bình thường, nhưng tuần sau đã thấy (mốc) trắng xóa”, 9X nói đùa.

“Kiếm băng đã khó, kiếm nội dung mình thích còn khó nữa.

Nhưng cái gì khó khăn cũng có sự thú vị riêng của nó”.

Mỗi lần rơi vào cảnh như thế, tay chơi cassette lại bỏ công đem đi lau, rồi đem đi phơi khô, với hy vọng sẽ giữ được chất lượng tốt nhất có thể.

Sở dĩ phải bỏ nhiều công sức cho một chiếc băng cassette như thế là bởi những người đã đến với thú chơi này thì đều muốn tìm kiếm chất âm analog mộc mạc, nơi giọng hát của ca sĩ bao trùm lên cả nhạc đệm. Đây là kiểu chơi của sự hoài cổ, mà theo một số audiophile đánh giá là hoàn toàn khác biệt với âm thanh kỹ thuật số (digital) ngày nay.

Chính vì vậy, khi đã tìm được những cuốn băng ưng ý, chủ sở hữu sẽ dùng mọi cách để bảo quản băng được tốt và lâu nhất có thể. Điển hình như cho vào phòng điều hòa, phòng có máy hút ẩm khi trời nồm. Với một số cuốn băng quý thì có thể đặt trong tủ hút ẩm. Hoặc như phương pháp bảo quản dễ nhất, cơ bản nhất đó là chọn nơi thoáng đãng, sau đó đóng băng vào trong thùng xốp rồi đậy kín lại để tránh bụi, tránh ẩm.

Còn những người mới tham gia vào các diễn đàn “mê cassette” thì nói rằng họ luôn nhớ cảm giác dùng bút chì cho vào bánh răng quay để gỡ rối băng cassette. Nếu chẳng may băng bị đứt thì người ta hay dùng nhựa cây vú sữa, hồng xiêm, nhựa mít để nối. Đó là những trải nghiệm chẳng bao giờ quên.

Góc hoài niệm băng cassette và những bản nhạc analog du dương - 19
Góc hoài niệm băng cassette và những bản nhạc analog du dương - 20
Góc hoài niệm băng cassette và những bản nhạc analog du dương - 21
Góc hoài niệm băng cassette và những bản nhạc analog du dương - 22

Hình ảnh một số tấm thiệp chúc Tết, lịch bỏ túi, thư viết tay, bài thơ,... được người xưa kẹp vào bên trong cuốn băng cassette yêu thích.

Bộ sưu tập của Linh đã giảm đáng kể so với trước đây, do những lần chuyển nhà, bị thất lạc, nhưng hiện vẫn còn khoảng 100 chiếc đài cassette với hàng trăm cuốn cassette cổ nhạc Vàng, nhạc Quốc tế từ những năm của thập niên 70-80.

“Băng cassette của mình sở hữu đến nay hầu hết là những băng Nhật Maxell đen, loại UD-1, UD-2, thật ra chỉ là phân khúc tầm trung thôi, nhưng đến nay thì có lẽ là những dòng tốt nhất còn lại, và cũng được nhiều anh em chơi đài sở hữu”, 9X trải lòng. “Mới đầu dân chơi đài chưa để ý đến băng, hoặc chỉ chơi số lượng nhỏ, thì cũng là lúc mình mua được nhiều băng. Đó là vì trình độ chơi đài - tức hiểu sâu về loại thiết bị này, chưa cao. Thực tế cho thấy, những người lớn tuổi có thời gian tiếp xúc với đài nhiều hơn lớp trẻ nhưng vì không am hiểu Internet và không giao lưu với các bạn chơi vùng miền nên bị hạn chế và không thể kiếm được băng nghe, dù một số vẫn giữ được đài cassette. Trong khi đó, những tay chơi mới nổi thì cần thời gian để cảm nhận và thấy được giá trị của chúng”.

Nếu bạn còn giữ một cuốn băng cassette còn nguyên vẹn trong nhà kho hay nơi hộc tủ, hãy cảm thấy may mắn vì điều này. Biết đâu vào một ngày cuối tuần đẹp trời, những âm thanh phát ra từ chiếc đài cassette sẽ hóa thân thành “cỗ máy thời gian” - đưa chúng ta quay ngược về với một thời dẫu chưa xa, nhưng đủ để nhớ.

Nguyễn Nguyễn