Ngày 10/10 trở thành dấu mốc lịch sử trong chuyển đổi số quốc gia

Quang Huy

(Dân trí) - Ngày 10/10 năm nay đánh dấu cột mốc quan trọng, khi lần đầu tiên trở thành ngày Chuyển đổi số quốc gia. Vậy chuyển đổi số là gì và đóng vai trò quan trọng như thế nào trong thời đại ngày nay?

Trong thời gian gần đây, chúng ta thường nghe đến khái niệm "chuyển đổi số" được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Vào ngày 22/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký quyết định số 505/QĐ-TTg, quyết định chọn ngày 10/10 hàng năm sẽ là ngày chuyển đổi số quốc gia, là dịp nhằm đánh giá kết quả chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương trong năm và chia sẻ kinh nghiệm, cách làm mới để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Ngày 10/10/2022 đánh dấu cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên trở thành ngày chuyển đổi số quốc gia.

Vậy chuyển đổi số là gì và có tầm quan trọng như thế nào trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0? 

Chuyển đổi số là gì?

Khó có được một định nghĩa rõ ràng và cụ thể về chuyển đổi số, bởi vì quá trình áp dụng chuyển đổi số sẽ có sự khác biệt ở từng lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, để có thể định nghĩa một cách ngắn gọn và dễ hiểu thì chuyển đổi số (Digital Transformation trong tiếng Anh) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh.

Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.

Chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (Ảnh: Getty).

Chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (Ảnh: Getty).

Tại Việt Nam, khái niệm "Chuyển đổi số" thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.

Không chỉ có vai trò quan trọng tại các doanh nghiệp mà chuyển đổi số còn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khác của xã hội như chính phủ, truyền thông đại chúng, y học, khoa học...

"Chuyển đổi số" (Digital Transformation) có thể dễ bị nhầm lẫn với khái niệm "Số hóa" (Digitizing). Để phân biệt hai khái niệm này, có thể hiểu rằng "Số hóa" là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số (chẳng hạn như chuyển từ tài liệu dạng giấy sang các file mềm trên máy tính, số hóa truyền hình chuyển từ phát sóng analog sang phát sóng kỹ thuật số...); trong khi đó, "Chuyển đổi số" là khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, rồi áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn. Có thể xem "Số hóa" như một phần của quá trình "Chuyển đổi số".

Tại sao "Chuyển đổi số" lại quan trọng và mang lại những lợi ích gì?

Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường lớn như Gartner, IDC... đều chỉ ra rằng chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp: từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh…

Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.

Áp dụng chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp rất nhiều trong việc cải thiện khả năng điều hành đến kinh doanh… (Ảnh minh họa: Forbes).

Áp dụng chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp rất nhiều trong việc cải thiện khả năng điều hành đến kinh doanh… (Ảnh minh họa: Forbes).

Trong khi đó đối với những người bình thường, chuyển đổi số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau. Còn đối với nhà nước, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dân với các dịch vụ do nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.

Chuyển đổi số còn góp phần gia tăng năng suất lao động. Một nghiên cứu của Microsoft vào năm 2017 cho thấy tác động của chuyển đổi số giúp tăng năng suất lao động thêm khoảng 15%, đến năm 2020, con số này là 21%.

Nhìn chung, theo các chuyên gia phân tích và nghiên cứu thị trường thì 5 mục đích cuối cùng mà các doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến bao gồm: Tăng tốc độ ra thị trường; Tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường; Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; Tăng năng suất của nhân viên; Mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.

Chuyển đổi số đang được diễn ra trên thế giới và tại Việt Nam như thế nào?

Bộ máy chính quyền của nhiều quốc gia sau khi nhận ra tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo an ninh quốc gia, đã lập tức bước vào một "cuộc đua" mới trong việc áp dụng chuyển đổi số.

Theo một nghiên cứu của Microsoft tại khu vực Châu Á-TBD, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP trong năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 là 25% và năm 2021 là 60%.

Kết quả nghiên cứu của công ty tư vấn và quản lý toàn cầu McKinsey (Mỹ) chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, với đất nước Brazil là 35%, còn ở các nước Châu Âu là khoảng 36%. Từ đây, có thể thấy khả năng tác động của chuyển đổi số đối với tăng trưởng GDP là rất lớn.

Tốc độ chuyển đổi số tại các khu vực và quốc gia là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ phát triển công nghệ và tốc độ chuyển đổi mô hình doanh nghiệp. Trong đó, khu vực châu Âu được đánh giá là khu vực có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất, tiếp đến là Mỹ và các quốc gia tại châu Á.

Tại Việt Nam, các mô hình chuyển đổi số cũng đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn nhân lực của xã hội. Trong bối cảnh của nền kinh tế số hiện nay, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại và phát triển. Chính phủ Việt Nam cũng không ngừng đẩy mạnh các chiến lược quốc gia nhằm làm chủ công nghệ và chuyển đổi số như chiến dịch "Make in Vietnam" hay hình thành các khu công nghệ trọng điểm…

Những mục tiêu cơ bản của chuyển đổi số, hướng đến năm 2025 (Nhấn vào ảnh để xem cỡ lớn).

Những mục tiêu cơ bản của chuyển đổi số, hướng đến năm 2025 (Nhấn vào ảnh để xem cỡ lớn).

Với dân số hơn 97 triệu người và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì khu vực, dân số trẻ năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, các chuyên gia đánh giá Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số. Đây là những cơ hội mạnh mẽ để các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra sự đột phá trên thị trường nhờ vào chuyển đổi số.

Với chủ đề "Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân", các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 sẽ tập trung vào phát động các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số…

Bắt đầu từ 2022, Ngày Chuyển đổi số Quốc gia sẽ là hoạt động thường niên diễn ra vào 10/10, là dịp để đánh giá kết quả chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương trong năm và chia sẻ kinh nghiệm, cách làm mới để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm