Ngang nhiên quảng cáo, rao bán công khai giấy phép lái xe giả trên Facebook

T.Thủy

(Dân trí) - Nhiều fanpage Facebook đang ngang nhiên quảng cáo công khai dịch vụ làm giấy phép lái xe máy, ô tô với cam kết khách hàng không cần học và thi sát hạch nhưng vẫn sở hữu bằng lái xe chỉ sau vài ngày.

Không cần học và thi sát hạch, chỉ ở nhà vẫn có giấy phép lái xe sau vài ngày

Trong bối cảnh cơ quan chức năng đang tìm các giải pháp khác nhau để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch bằng lái xe máy, ô tô để giảm thiểu tai nạn giao thông, thì tình trạng mua bán giấy phép lái xe giả lại diễn ra rất sôi nổi và công khai trên mạng xã hội Facebook.

Theo đó, hàng loạt fanpage Facebook giả mạo các trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe được lập ra, nhưng thay vì để tuyển sinh đào tạo bằng lái, thì các fanpage này lại cung cấp dịch vụ làm bằng lái xe giả, với lời cam kết khách hàng không cần phải đăng ký học hoặc thi sát hạch nhưng vẫn có thể sở hữu bằng lái chỉ sau 5 đến 7 ngày.

Các fanpage quảng cáo và rao bán công khai bằng lái xe giả trên Facebook, với cam kết không cần học và sát hạch vẫn có bằng (Ảnh chụp màn hình).

Các fanpage quảng cáo và rao bán công khai bằng lái xe giả trên Facebook, với cam kết không cần học và sát hạch vẫn có bằng (Ảnh chụp màn hình).

Phóng viên Dân trí đã thử liên hệ với các trang Facebook này để hỏi về thủ tục đăng ký, thì nhận được câu trả lời khách hàng chỉ cần gửi ảnh thẻ, ảnh chụp căn cước công dân, số điện thoại và địa chỉ… sau đó chờ từ 5 đến 7 ngày, bằng lái xe với thông tin do khách hàng cung cấp sẽ được gửi về tận nhà. Khách hàng có thể nhận bằng, kiểm tra thông tin chi tiết mới phải trả tiền.

Mức giá làm giấy phép lái xe dao động từ 1,5 triệu đồng đến 7 triệu đồng, tùy hạng bằng lái.

Đáng chú ý, những trang Facebook này khẳng định giấy phép lái xe do mình cung cấp là thật 100%, không phải là bằng giả và có đầy đủ thông tin trên https://gplx.gov.vn/ - trang web tra cứu thông tin giấy phép lái xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Theo lý giải, sở dĩ có điều này là vì các "trung tâm" sẽ cử người sử dụng thông tin do khách hàng cung cấp để làm bài sát hạch hộ, sau đó giấy phép lái xe sẽ được cấp theo thông tin của khách hàng. Bên bán còn cam kết khách hàng sẽ được cung cấp hồ sơ gốc để đổi giấy phép lái xe khi hết hạn.

Các đối tượng cam kết cung cấp hồ sơ và giấy phép lái xe thật cho khách hàng (Ảnh chụp màn hình).

Các đối tượng cam kết cung cấp hồ sơ và giấy phép lái xe thật cho khách hàng (Ảnh chụp màn hình).

Các fanpage này thậm chí còn chi tiền để chạy quảng cáo một cách công khai trên Facebook về dịch vụ làm bằng lái giả nhằm tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Các nội dung quảng cáo đều cung cấp số điện thoại công khai để liên hệ, điều này cho thấy các nhóm đối tượng đang rất xem thường pháp luật và tự tin rằng danh tính của chúng không thể bị tìm ra.

Hành vi làm và sử dụng bằng lái xe giả sẽ bị xử lý thế nào?

Theo luật sư Cao Trần Nghĩa, Đoàn luật sư TPHCM, căn cứ Điều 341 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, hành vi làm bằng giả cho ô tô, xe máy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tùy mức độ vi phạm, người phạm tội có thể bị phạt tù tối đa đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Không chỉ người làm giả mà cả người sử dụng bằng lái giả cho ô tô, xe máy cũng có thể chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cụ thể, căn cứ Điều 21 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, hành vi sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp (tức bằng lái giả) có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền tối đa đến 2 triệu đồng đối với xe máy, 5 triệu đồng đối với xe phân khối lớn và 12 triệu đồng đối với ô tô.

Luật sư Nghĩa cho biết thêm, căn cứ điểm a khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, nếu người sử dụng bằng lái giả tham gia giao thông đường bộ mà gây tai nạn thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tù tối đa đến 10 năm do tình tiết "không có giấy phép lái xe theo quy định".

Trước đó vào tháng 11/2022, Công an tỉnh Phú Thọ đã triệt phá một đường dây làm giả giấy phép lái xe, khởi tố các bị can về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức… Trước khi bị triệt phá, đường dây này đã bán hàng ngàn bộ hồ sơ và giấy phép lái xe giả ra khắp cả nước.

Hồ sơ, giấy phép lái xe giả bị cơ quan công an tỉnh Phú Thọ thu giữ vào tháng 11/2022 (Ảnh: T.C).

Hồ sơ, giấy phép lái xe giả bị cơ quan công an tỉnh Phú Thọ thu giữ vào tháng 11/2022 (Ảnh: T.C).

Như vậy, việc sử dụng giấy phép lái xe giả không qua các lớp đào tạo luật giao thông, thực hành và thi sát hạch không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn khi tham gia giao thông, mà còn có thể đối mặt với những án phạt nặng, thậm chí ở tù.