Nền tảng bán hàng online không cần bỏ vốn nhận được đầu tư 2,6 triệu USD

Gia An

(Dân trí) - Selly, mô hình thương mại điện tử dựa trên tương tác mạng xã hội, nhận được sự quan tâm của các quỹ khi đã giúp tạo việc làm cho hàng trăm nghìn phụ nữ và người mất việc do ảnh hưởng của Covid-19.

Theo báo cáo của Accenture, giá trị giao dịch mua sắm qua các nền tảng mạng xã hội trên toàn cầu sẽ đạt mức 1.200 tỷ USD vào năm 2025, tăng gần 3 lần so với mức 492 tỷ USD hiện nay. Xu hướng này cũng mở ra nhiều cơ hội tại Việt Nam và Selly được biết đến là một trong những công ty tiên phong cho mô hình social commerce trong nước.

Nền tảng bán hàng online không cần bỏ vốn nhận được đầu tư 2,6 triệu USD - 1

Selly vận hành với chính sách "3 không", bao gồm không cần bỏ vốn, không phải lưu kho và không lo vận hành.

Sau 10 tháng hoạt động kể từ 4/2021, Selly đã đạt mức tăng trưởng kinh doanh gấp 300 lần. Công ty hiện đồng hành với hơn 300.000 đối tác bán hàng, trong đó 80% đến từ các thành phố nhỏ, đa số là phụ nữ nội trợ và những người mất việc do Covid-19. Đồng hành cùng Selly, các đối tác bán hàng có thể gia tăng thu nhập lên tới 30 triệu đồng mỗi tháng.

Tiềm năng của thị trường cùng sức hấp dẫn riêng đã giúp Selly nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Trong đó tại vòng gọi vốn Pre-Series A, nền tảng này đã huy động được 2,6 triệu USD từ các quỹ CyberAgent Capital, Do Ventures, Genesia Ventures, JAFCO Asia và KVision. 

Ra mắt giữa thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, Selly chạm tới đúng nhu cầu tìm kiếm việc làm của nhiều lao động bị mất việc. Mô hình social commerce này giúp họ khởi sự kinh doanh, tạo ra thu nhập bền vững mà không cần bỏ vốn, không yêu cầu lưu kho và không cần lo đến khâu vận hành.

Mỗi người bán chỉ mất vài phút lựa chọn sản phẩm mình muốn kinh doanh từ nguồn hàng được trưng bày trên ứng dụng Selly, sau đó chia sẻ thông tin sản phẩm tới cộng đồng bè bạn và người quen xung quanh họ. Với mỗi đơn hàng được chốt, sản phẩm sẽ được Selly vận chuyển đến tay khách hàng cùng các dịch vụ hậu mãi.

Screen Shot 2022-02-08 at 08.47.54.png

Mô hình vận hành của Selly, trong đó người bán hàng sẽ tận dụng mạng xã hội để quảng bá và chốt đơn.

Nền tảng này cũng đang đồng hành cùng hàng trăm nhà cung cấp là các xưởng sản xuất, nhà phân phối truyền thống, giúp họ chuyển mình lên thương mại điện tử để bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của xu hướng mua sắm trực tuyến hiện nay.

"Một trong nhiều lý do khiến chúng tôi đầu tư vào Selly là sứ mệnh lớn lao của họ trong việc giúp mọi người kiếm thêm thu nhập mà không cần đầu tư ban đầu, đặc biệt là nhóm những người mất việc làm hay thu nhập bị giảm sút", Bà Amy Do, Giám đốc Đầu tư tại JAFCO Châu Á, cho biết.

Còn theo Giám đốc điều hành CyberAgent Capital Vietnam Nguyễn Minh Tuấn: "Khi tỉ lệ phổ cập thương mại điện tử ở Việt Nam mới chỉ đạt ở mức thấp, Selly có cơ hội khai thác một thị trường rất lớn và tăng trưởng nhanh còn đang bỏ ngỏ thông qua cách tiếp cận độc đáo khác biệt so với thương mại điện tử truyền thống". 

Ông Tuấn lấy số liệu cho biết tỷ lệ phổ cập thương mại điện tử tại Việt Nam là 4,5%, mức thấp nhất so với các nền kinh tế chính trong khu vực. Con số này tại Indonesia là 18% và 35% tại Trung Quốc. Trong khi đó, tỷ lệ đô thị hóa là 35% tại Việt Nam, so với 56% tại Indonesia và 16% tại Trung Quốc.