"Nạn nhân" xấu số sau sự sụp đổ của FTX

Thế Anh

(Dân trí) - Solana - từng được mệnh danh là "kẻ hủy diệt Ethereum", đang gặp rắc rối lớn.

Theo Reuters, Solana (SOL) là đồng tiền điện tử chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau khi sàn giao dịch FTX sụp đổ. Token SOL đã giảm 53,8% giá trị kể từ khi xuất hiện những dấu hiệu bất ổn của FTX vào ngày 2/11. Để so sánh, giá Ethereum giảm khoảng 20%, trong khi giá Bitcoin giảm 19%.

Nạn nhân xấu số sau sự sụp đổ của FTX - 1

Hệ sinh thái Solana chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau sự sụp đổ của FTX (Ảnh: usnews).

"Trong sự kiện chấn động thị trường tiền điện tử hiện tại, nạn nhân vô tội đáng tiếc nhất chính là hệ sinh thái Solana", Stefan Rust, Giám đốc điều hành của công ty ví blockchain Laguna Labs, chia sẻ.

Rust cho biết thêm rằng FTX và quỹ đầu tư Alameda Research đã cố gắng bán ra thị trường một lượng lớn SOL, nhằm mục đích huy động vốn và kéo dài hoạt động của sàn giao dịch.

Trước đây, Solana từng được mệnh danh là "kẻ hủy diệt Ethereum" khi có phí giao dịch thấp hơn, tốc độ xử lý nhanh hơn và tiềm năng mở rộng quy mô. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đang gây ra sự không chắc chắn cho nền tảng blockchain này.

"Đó không phải là dấu chấm hết cho Solana. Đây là một hệ sinh thái phát triển mạnh và là đối thủ cạnh tranh của Ethereum. Tuy nhiên, tôi có nghĩ rằng việc định giá có hơi phù phiếm không? Có", Adam Struck, chuyên gia tại công ty đầu tư mạo hiểm Struck Capital, cho biết.

"Solana sẽ trở nên tốt hơn nhiều nếu mối liên hệ với đế chế của Sam Bankman-Fried kết thúc ngay bây giờ, ngay cả khi kết quả là sự sụt giảm nghiêm trọng trong ngắn hạn", Jack Saracco, đồng sáng lập ngân hàng kỹ thuật số và công ty giải pháp thanh toán Ping, chia sẻ.

Theo dữ liệu từ CoinGecko, từ ngày 2/11, vốn hóa thị trường của SOL đã giảm khoảng 55%, từ 11,6 tỷ USD xuống còn 5,1 tỷ USD. Vốn hóa thị trường của Ethereum đã giảm 21% xuống còn 150,7 tỷ USD, trong khi Bitcoin giảm 18% xuống còn 319 tỷ USD.

Đầu tháng 11, một báo cáo từ CoinDesk tiết lộ rằng quỹ đầu tư Alameda Research đang phụ thuộc chủ yếu vào token FTT (coin sàn của FTX). Điều này đã khiến nhiều chuyên gia và người dùng lo ngại và đặt ra câu hỏi về tính thanh khoản của FTX.

Nạn nhân xấu số sau sự sụp đổ của FTX - 2

Sự sụp đổ của FTX đã "thổi bay" hơn 190 tỷ USD trên thị trường tiền điện tử (Ảnh: Reuters).

Ngày 8/11, Sam Bankman-Fried cho biết khách hàng đã yêu cầu rút tiền với mức hơn 6 tỷ USD ra khỏi sàn. Sự việc càng trở nên nghiêm trọng khi sàn giao dịch này không thể đáp ứng người dùng và buộc phải chặn yêu cầu rút tiền.

Nhiều nguồn tin cho biết trước khi cầu cứu Binance, Sam đã cố gắng huy động tiền từ các nhà đầu tư mạo hiểm và một số đầu tư khác khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản. Zhao ban đầu đồng ý tham gia "giải cứu" FTX, nhưng công ty của ông nhanh chóng thay đổi hướng đi.

Sau đó, Sam đã phải nộp đơn xin phá sản. Sự sụp đổ của FTX đã "thổi bay" hơn 190 tỷ USD, đồng thời khiến cho rất nhiều nhà đầu tư hoang mang và mất niềm tin vào thị trường tiền điện tử.

Theo www.reuters.com, CNBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm