Một nữ quản lý của Apple bị sa thải sau khi "bóc phốt" công ty

(Dân trí) - Một nữ quản lý cao cấp của Apple đã bị sa thải sau khi lên mạng xã hội đăng thông tin "bóc phốt" những mặt tối khi làm việc tại công ty.

Một nữ quản lý của Apple bị sa thải sau khi bóc phốt công ty - 1

Ashley Gjøvik, quản lý cao cấp của Apple, vừa bị sa thải vì "tiết lộ các bí mật" của công ty.

Ashley Gjøvik, một nữ kỹ sư quản lý dự án tại Apple, từng nhiều lần lên mạng xã hội phàn nàn về môi trường làm việc tại Apple. Cụ thể, Gjøvik đã nhiều lần nêu lên các vấn đề về phân biệt giới tính, quấy rối tình dục, trả đũa cá nhân…; thậm chí, Gjøvik còn lên tiếng chỉ trích Apple xâm phạm sự riêng tư của nhân viên khi áp dụng chính sách giám sát điện thoại.

"Apple có những bức ảnh chụp bộ ngực của tôi. Họ buộc tôi phải giao toàn bộ tin nhắn của tôi và không cho phép tôi xóa đi bất cứ thứ gì, ngay cả những nội dung "hoàn toàn cá nhân". Khi tôi nói rằng "hoàn toàn cá nhân nghĩa là tôi đang khỏa thân", họ nói rằng sẽ lưu những nội dung này "trong tủ chứa bằng chứng của họ" vĩnh viễn", Ashley Gjøvik đã từng bức xúc chia sẻ lên trang Twitter cá nhân hồi tháng 8 vừa qua, về môi trường làm việc tại Apple.

"Tôi đã đặt câu hỏi về vấn đề này một cách quyết liệt. Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của Apple gây áp lực, buộc chúng tôi phải sử dụng một chiếc iPhone cho công việc và một chiếc cho cá nhân. Tôi nói rằng, nếu những tin nhắn cá nhân, không liên quan đến công việc, thì tôi phải được xóa chúng đi hoặc ít nhất phải được lưu trữ, nhưng họ trả lời là 'Không'", Ashley Gjøvik cho biết trên trang Twitter cá nhân.

Ashley Gjøvik đã phản ánh tình trạng này với ban quản lý nhân sự của Apple và đề nghị tìm ra giải pháp để giảm bớt sự thù địch trong môi trường làm việc. Apple sau đó đề xuất cô tham gia chương trình hỗ trợ nhân viên điều trị và nghỉ việc chữa bệnh, nhưng cô cảm thấy không hài lòng với đề xuất này.

Sau nhiều tháng chia sẻ các thông tin tố cáo về môi trường làm việc tại Apple, Ashley Gjøvik đã bị công ty cho tạm thời nghỉ việc có lương để chờ sắp xếp công việc khác. Cô cũng bị cắt quyền truy cập vào mạng nội bộ của công ty, đồng nghĩa với việc cô không được phép tham gia vào bất kỳ dự án nào.

Mới đây, sau một thời gian nghỉ việc có lương, Ashley Gjøvik đã chính thức bị sa thải, với lý do vi phạm các quy tắc của công ty về bảo mật thông tin bí mật.

"Khi tôi bắt đầu nêu lên những lo ngại về môi trường làm việc tại công ty vào tháng 3, gần như ngay lập tức tôi đã phải đối mặt với sự trả đũa và đe dọa. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho một điều như thế này xảy ra", Ashley Gjøvik cho biết sau khi bị Apple sa thải. "Tôi thất vọng vì một công ty mà tôi từng yêu thích từ khi còn là một cô bé lại đối xử với nhân viên của họ theo cách này".

Về phần mình, Apple cũng đã có phản hồi chính thức về quyết định sa thải nhân viên của mình.

"Chúng tôi đã và luôn cam kết sâu sắc trong việc tạo ra và duy trì một nơi làm việc tích cực và hòa nhập. Chúng tôi xem xét tất cả các mối quan tâm của nhân viên một cách nghiêm túc và điều tra kỹ lưỡng bất cứ khi nào có mối quan ngại được nêu ra. Vì tôn trọng quyền riêng tư của các cá nhân có liên quan, chúng tôi không thảo luận về các vấn đề cụ thể của nhân viên", ông Josh Rosenstock, phát ngôn viên của Apple cho biết.

Trong thời gian gần đây, Apple đang phải hứng chịu một làn sóng "bóc phốt" môi trường làm việc từ chính các nhân viên và cựu nhân viên. Một nhóm với tên gọi "Apple Too", tự xưng là đại diện cho các nhân viên của Apple, đang kêu gọi những người đã và đang làm việc cho công ty chia sẻ những câu chuyện bất công, những hành động quấy rối mà họ phải chịu đựng khi làm việc cho Apple.

Trên trang Twitter của Apple Too, nhiều vấn đề về môi trường làm việc đã được các nhân viên Apple chia sẻ.

Ngoài Apple, nhiều nhóm đại diện cho nhân viên tại các hãng công nghệ lớn như Amazon, Google, Microsoft… cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều trong thời gian gần đây để phản đối về môi trường làm việc, bao gồm nạn quấy rối và phân biệt giới tính, chủng tộc… hay phản đối các chính sách hợp tác với chính phủ Mỹ của công ty. Trong một số trường hợp, ban lãnh đạo các công ty đã nhân nhượng những nhóm đại diện nhân viên này, nhưng một vài trường hợp khác, các tổ chức này đã bị các công ty tìm cách trả đũa hoặc bị "dập tắt".