Môi trường mạng xã hội tại Việt Nam sẽ được làm trong sạch

T.Thủy

(Dân trí) - Những nội dung giả mạo, độc hại, quảng cáo sai sự thật… đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các nền tảng mạng xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có những giải pháp để xử lý vấn đề này.

Tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội vào ngày 4/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận được nhiều câu hỏi từ các đại biểu về các vấn đề nóng liên quan đến mạng xã hội tại Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các thông tin xấu trên mạng xã hội sẽ

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các thông tin xấu trên mạng xã hội sẽ "đầu độc não" người dùng Internet tại Việt Nam (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ).

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là bảo vệ người dùng Việt Nam trên các nền tảng mạng xã hội quốc tế. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các mạng xã hội hiện đang kinh doanh dựa trên dữ liệu cá nhân. Theo bộ trưởng Hùng, một trong những giải pháp để bảo vệ dữ liệu cá nhân của người Việt đó là xây dựng mạng xã hội Việt Nam. Bộ trưởng Hùng cho biết 10 mạng xã hội lớn nhất Việt Nam hiện có khoảng 130 triệu người dùng, tương đương với mạng xã hội Facebook và Youtube cộng lại.

Ngoài ra, Bộ cũng đang xây dựng các nghị định, tiến tới xây dựng luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo hành lang pháp lý vững chắc và khung mức phạt cho hành vi vi phạm dữ liệu cá nhân.

Về tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tin giả phát tán rộng trên các nền tảng mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đây không chỉ là vấn đề ở Việt Nam mà gặp phải ở rất nhiều nước. Theo Bộ trưởng, nếu như không khí ô nhiễm đầu độc phổi thì thông tin xấu đầu độc não.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện các văn bản, thể chế để định nghĩa rõ các hành vi lừa đảo, quy định các quy trình xử lý hành chính, mức phạt và cơ chế để chuyển cho cơ quan công an xử lý hình sự.

Bộ Thông tin và Truyền Thông cũng đã công khai các số điện thoại, trang web để tiếp nhận phản ánh của người dân về các vi phạm. Bộ cũng đã phát triển các công cụ, công nghệ để ngăn chặn các hành vi lừa đảo trên mạng. Bộ trưởng cho biết trong năm 2020 đã ngăn chặn được 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo, giúp 3,1 triệu người tránh bị lừa đảo.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa thêm nội dung kỹ năng số vào chương trình đào tạo công nghệ thông tin từ lớp 3, đây là một loại "đề kháng", đồng thời chính thức cho chạy nền tảng đào tạo kỹ năng số cơ bản cho người dân, vì đào tạo online nên người dân có thể vào tìm kiếm, hỏi đáp trên môi trường số.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều người nghĩ rằng không gian mạng là ảo nên thường đưa ra những phát ngôn thiếu trách nhiệm. Nghị định 72 sửa đổi quy định mọi người dùng mạng xã hội cần phải định danh. Các mạng xã hội có trách nhiệm phải xác thực danh tính người dùng, để cung cấp thông tin cho các cơ quan điều tra, điều này sẽ giúp người dùng mạng xã hội có trách nhiệm hơn với các nội dung mình đăng tải.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an là cơ quan chủ lực nhưng toàn bộ hệ thống chính trị tham gia thì mới có thể làm lành mạnh không gian mạng. Hiện Bộ Thông tin - Truyền thông thực hiện chức năng giám sát, chủ động rà quét, gỡ thông tin xấu độc góp phần làm sạch môi trường mạng.

Phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin cho miền núi

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và đặt câu hỏi đó là phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin cho miền núi và giúp người dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin.

Theo bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, "Quỹ viễn thông công ích" là quỹ ngoài ngân sách, do các doanh nghiệp viễn thông đóng góp, được sử dụng để phủ sóng các vùng khó khăn. Nếu các địa phương có các thôn, bản chưa có sóng thì thông qua Sở Thông tin và Truyền thông cần phải báo ngay cho Bộ và về cơ bản chỉ sau một quý là có thể phủ sóng được. Các hộ đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ tiền sử dụng dịch vụ viễn thông và Internet hàng tháng. 

Bộ trưởng cho biết hiện tại Quỹ vẫn còn và sẽ tiếp tục được sử dụng để tiếp tục phủ sóng những khu vực miền núi.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định hạ tầng viễn thông, internet cho bà con vùng sâu vùng xa dùng điện thoại, internet để đáp ứng nhu cầu học tập thì chúng ta có thể đáp ứng được. Hiện Việt Nam đã đưa cáp quang đến 93% thôn bản, huyện xã là 100%. Giá dịch vụ viễn thông Việt Nam hiện nằm trong "top 20" rẻ nhất trên thế giới.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để xây dựng một nền tảng đào tạo trực tuyến,  với thông tin được cập nhật liên tục, cho phép người dân có thể sử dụng miễn phí và học cả đời. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin rằng nền tảng này sẽ đặc biệt hiệu quả cho bà con ở những vùng dân tộc thiểu số, miền núi… có được sự tiếp cận tương đương như người dân ở thành phố.