Mối nguy chết người từ thói quen vừa sạc pin vừa sử dụng điện thoại

(Dân trí) - Vừa cắm sạc pin vừa sử dụng điện thoại là thói quen của rất nhiều người, tuy nhiên, đây là một hành động hết sức nguy hiểm, có thể dẫn đến tai nạn chết người.

Tử vong vì dùng smartphone khi đang cắm sạc

Những năm gần đây đã ghi nhận nhiều vụ giật điện, cháy, nổ vì sử dụng smartphone khi đang cắm sạc trên thế giới nói chung và cả tại Việt Nam nói riêng.

Chỉ tính riêng tại Việt Nam, trong hai năm gần đây đã có hàng loạt trường hợp điện thoại bị rò điện, cháy nổ trong lúc đang cắm sạc khiến người dùng tử vong.

Gần đây nhất là trường hợp xảy ra tại huyện Kim Bôi (Hòa Bình) vào ngày 15/6 vừa qua, khiến anh Q.V.A (sinh năm 1993) tử vong. Người thân phát hiện anh A. tử vong tại phòng khách của gia đình, trên tai còn đeo tai nghe, chiếc điện thoại bị nổ dính vào vùng ngực của nạn nhân.

Mối nguy chết người từ thói quen vừa sạc pin vừa sử dụng điện thoại - 1

Hiện trường vụ tai nạn khiến nạn nhân tử vong tại Hòa Bình ngày 15/6 vừa qua

Cơ quan chức năng sau đó xác định, nguyên nhân khiến anh A. tử vong là do vừa cắm sạc pin vừa sử dụng điện thoại. Bất ngờ điện thoại phát nổ khiến nam thanh niên 27 tuổi tử vong.

Đầu tháng 10 năm ngoái, một trường hợp tương tự đã xảy ra tại huyện Đam Rông (Lâm Đồng), khi người dân phát hiện Phạm Thế T. (18 tuổi) tử vong bên cạnh chiếc điện thoại iPhone bị nổ, cháy xém. Nguyên nhân được xác định thanh niên này vừa sử dụng điện thoại vừa sạc pin, điện thoại bất ngờ phát nổ khiến nạn nhân bị chấn thương nặng dẫn đến tử vong.

Trước đó một tháng, một vụ tai nạn tương tự đã xảy ra tại huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi), khiến cho L.V.G chết trên giường ngủ. Bên cạnh G. là chiếc điện thoại đang cắm sạc bị cháy đen, trên ngực và bàn tay nạn nhân cũng có vết cháy. Kết quả điều tra cho thấy L.V.G sử dụng điện thoại trong lúc đang cắm sạc và thiết bị đã phát nổ khiến nạn nhân bị giật điện tử vong.

Đầu tháng 7/2019, Phùng Văn C. (sinh năm 1998), trú tại thôn Nà Làng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) sử dụng điện thoại di động đang cắm sạc để nhắn tin trao đổi với người thân thì chiếc điện thoại bất ngờ phát nổ, rơi xuống ngực làm anh C. bị thương. Ngay sau khi phát hiện sự việc, người thân đã đưa anh C. đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên nạn nhân đã tử vong.

Mối nguy chết người từ thói quen vừa sạc pin vừa sử dụng điện thoại - 2

Chiếc iPhone bất ngờ phát nổ khi cắm sạc khiến anh T. hồi tháng 10 năm ngoái

Ngoài những trường hợp tai nạn dẫn đến chết người, cũng có không ít trường hợp điện thoại phát nổ khi đang cắm sạc khiến nạn nhân bị dập nát tay.

Chẳng hạn như trường hợp xảy ra tại Lâm Đồng vào cuối tháng 5 vừa qua, khi bệnh nhân Lương Thanh D. (37 tuổi) đã bị dập nát tay do sử dụng smartphone khi đang cắm sạc và smartphone bất ngờ phát nổ.

Hay hồi cuối tháng 11/2019, một bệnh nhân 16 tuổi sống tại Thanh Hóa đã phải nhập viện tại bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) khi chiếc smartphone bất ngờ phát nổ trên tay.

Nạn nhân bị nhiều vết thương nghiêm trọng, bao gồm vết thương ở mặt, ngực, đùi phải, dập nát toàn bộ bàn tay trái… Vụ nổ cũng xảy ra khi chiếc smartphone đang cắm sạc pin.

Vừa sử dụng smartphone vừa cắm sạc - Thói quen "giết người"

Ở trên chỉ là một vài trường hợp gặp tai nạn vì sử dụng smartphone khi đang cắm sạc, vẫn còn rất nhiều trường hợp khác xảy ra tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới mà bài viết không thể đề cập hết được, nhưng chừng đó cũng cho thấy thói quen sử dụng điện thoại khi đang sạc là hết sức nguy hiểm. Tuy nhiên, ít người lại chú tâm đến và thường phớt lờ những rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trên thực tế, các chuyên gia cho biết nguy cơ người dùng bị điện giật bởi smartphone, ngay cả khi thiết bị đang sạc, là rất thấp, bởi lẽ các thiết bị sạc thường có bộ phận đổi điện áp, nên có đầu ra điện áp thấp. Tuy nhiên, trong trường hợp dây cắm hở, đầu cắm bị lỗi hoặc vì nhiều lý do khác nhau, thì vẫn có thể bị rò điện và gây ra nguy hiểm.

Bên cạnh đó, nhiều mẫu smartphone ngày nay sử dụng khung viền hoặc lớp vỏ bằng kim loại, là chất liệu dẫn điện, nghĩa là nếu có rò rỉ điện trong lúc đang cắm sạc, người dùng chạm tay vào sản phẩm sẽ dẫn đến tai nạn giật điện.

Mối nguy chết người từ thói quen vừa sạc pin vừa sử dụng điện thoại - 3

Sử dụng smartphone khi đang cắm sạc là một thói quen nguy hiểm nhưng không ít người đang mắc phải

Một lý do khác có thể dẫn đến tai nạn về điện khi sạc pin smartphone đó là sử dụng củ sạc và dây sạc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Ngày nay, người dùng có thể dễ dàng mua các loại dây sạc cho smartphone từ các cửa hàng bán lẻ điện thoại lớn, tuy nhiên, nhiều người lại chọn mua các loại củ sạc, dây sạc không rõ nguồn gốc và trôi nổi vì có giá rẻ, nhưng chất lượng của những loại dây sạc này thì không đảm bảo và có thể gây nên hiện tượng rò điện, rất nguy hiểm cho người dùng.

Ngoài nguy cơ bị giật điện, sử dụng smartphone khi đang cắm sạc có thể đối mặt với nguy cơ smartphone bất ngờ cháy, nổ dẫn đến những tai nạn nguy hiểm. Nguyên do khiến pin smartphone phát nổ khi sạc có thể do pin đã sử dụng lâu khiến chất lượng pin không đảm bảo hoặc do người dùng thay các loại pin không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng trên smartphone của mình.

Để đề phòng nguy cơ cháy, nổ pin trên smartphone khi sạc, người dùng cần phải thay pin smartphone chính hãng và đảm bảo nguồn gốc. Ngoài ra, trong trường hợp pin smartphone đã bị “chai”, bạn nên chủ động mang pin đến các cửa hàng smartphone để kiểm tra và thay pin kịp thời, tránh tình trạng pin bị phồng và dẫn đến nguy cơ cháy, nổ khi sử dụng hoặc khi sạc.

Nhìn chung, tai nạn giật điện hay cháy nổ pin khi sử dụng smartphone và máy tính bảng đang cắm sạc là khá hiếm, nhưng không phải là không xảy ra. Do vậy, để đề phòng và giữ an toàn cho bản thân, bạn không nên sử dụng thiết bị di động khi đang cắm sạc và chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết, chẳng hạn như để trả lời cuộc gọi hoặc tin nhắn. An toàn nhất, bạn nên rút sạc pin trước khi chạm vào điện thoại để trả lời cuộc gọi hay tin nhắn.

Để đảm bảo an toàn và tránh nguy cơ bị giật điện, bạn nên cắm dây sạc vào điện thoại, sau đó mới cắm củ sạc và ổ điện, điều này sẽ giúp tránh tình trạng bạn chạm vào điện thoại khi dây cắm đã có nguồn điện, có thể bị giật nếu thiết bị bị rò rỉ điện. Sau khi đã sạc xong, bạn cũng nên rút củ sạc khỏi ổ điện trước, thay vì rút dây cắm sạc của điện thoại ra khỏi máy.

Ngoài ra, bạn nên sử dụng củ sạc, dây sạc chính hãng, tuyệt đối không sử dụng các loại dây sạc không rõ nguồn gốc. Nếu có cảm giác bị giật điện khi chạm vào thiết bị di động đang cắm sạc, bạn nên lập tức ngắt nguồn sạc điện để tránh tai nạn cháy nổ, đồng thời mang thiết bị đến các cửa hàng điện thoại có uy tín để nhờ kiểm tra.

T.Thủy