MobiFone sẽ hoạt động ra sao sau khi tách khỏi VNPT?
(Dân trí) - Đề án tái cơ cấu VNPT với phương án tách MobiFone để thành lập Tổng công ty đã bước vào giai đoạn “chung kết”. Trong quý I/2014 này, Chính phủ sẽ phê duyệt Đề án; và câu hỏi đặt ra là MobiFone sẽ hoạt động như thế nào sau khi tách khỏi “cha đẻ” VNPT.
MobiFone sẽ triển khai đa dịch vụ hơn trong viễn thông và CNTT
Tham gia tại buổi Toạ đàm Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam diễn ra hôm nay tại Hà Nội do Câu lạc bộ các nhà báo CNTT ICT Press tổ chức, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), cho biết, tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế Nhà nước là nội dung Chính phủ quan tâm. Riêng đề án tái cơ cấu VNPT, Thủ tướng trực tiếp chủ trì một số cuộc họp, cùng các Bộ ngành có định hướng tái cơ cấu. Sau đó, tập đoàn VNPT đã cùng ngồi với Bộ TT&TT phân tích và cuối cùng trình đề án, trên cơ sở Bộ TT&TT hoàn thiện đề án trình Chính phủ.
Ông Hải cho biết: “Có nhiều nội dung trong đề án tái cơ cấu VNPT, hầu hết đều theo ý kiến các Bộ, ngành và chỉ đạo của Thủ tướng. Duy có nội dung tách 1 trong 2 mạng di động MobiFone hoặc VinaPhone, tại nhiều cuộc họp, các thành viên Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo tập đoàn nghiên cứu phương án để hình thành DN mới.
Đề án tái cơ cấu VNPT với phương án tác MobiFone để thành lập Tổng công ty sẽ được phê duyệt trong quý I/2014.
Ông Hải cho hay trên cơ sở đề án VNPT trình ra, phương án tách MobiFone có 1 số điểm đáng quan tâm. Một là MobiFone có thương hiệu khá mạnh, tách ra sẽ giúp chủ trương cổ phần hóa DN của Chính phủ nhanh chóng hơn, hoạt động tương đối độc lập hơn VinaPhone trong tập đoàn VNPT. Hai là đảm bảo cho tập đoàn có bức tranh tài chính lành mạnh để phát triển trong thời gian tới. Trên cơ sở cân nhắc ưu nhược của các phương án, tập đoàn VNPT kiến nghị tách MobiFone, có kế hoạch để tái cơ cấu lại toàn bộ tập đoàn để hình thành doanh nghiệp năng động hơn, thích ứng hơn trong thời gian tới.
Nói về tương lai của mình nếu như đề án tái cơ cấu VNPT được Chính phủ phê duyệt, ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch MobiFone cho biết khi đó MobiFone sẽ trở thành một DN độc lập. MobiFone sẽ triển khai đa dịch vụ hơn trong viễn thông và CNTT. “Hiện MobiFone chỉ chuyên 1 vấn đề chính là thông tin di động. MobiFone không chỉ là 1 thương hiệu đã thành danh trên thị trường viễn thông Việt Nam cũng như nền kinh tế mà còn là 1 bộ máy tổ chức có đội ngũ nhân sự trưởng thành. Với quy mô doanh thu, lợi nhuận, bộ máy lớn, toàn quốc, có thể cạnh tranh trên thị trường viễn thông Việt Nam. Với tổ chức công ty như vậy, nhu cầu tự chủ độc lập ngày càng cao. Để chủ động hơn trong đầu tư phát triển, tham gia thị trường đa dịch vụ hơn”.
Ông Minh cho rằng nếu đề án cổ phần hoá MobiFone được duyệt thì đây là một cơ hội cho MobiFone so với hiện tại về mở rộng quy mô, khả năng phát triển. Tất nhiên sẽ phục vụ khách hàng tốt hơn, đóng góp cho Nhà nước tốt hơn. Ông Minh hoàn toàn lạc quan về khả năng cạnh tranh của mình trong tương lai.
Theo đề án tái cơ cấu VNPT, MobiFone phải gánh nhiệm vụ tiếp quản ba đơn vị thua lỗ lớn nhất của VNPT tại thời điểm này là hệ thống vệ tinh Vinasat 1, Vinasat 2 và Công ty Tài chính Bưu điện. Ông Minh cho rằng, những gánh nặng này sẽ được giải quyết thế nào thì là câu chuyện khác trong đề án.
MobiFone muốn dứt khoát nhanh
Ông Minh cho biết, sau khi biết thông tin Bộ TT&TT quyết định trình Thủ tướng phương án tái cơ cấu, MobiFone đã chuẩn bị phương án phát triển, về tài chính không có gì khó khăn. “MobiFone sẵn sàng điều chỉnh nội bộ về mô hình tổ chức, tối ưu hóa các nguồn lực để mở rộng thêm dịch vụ trong ngành viễn thông, CNTT bằng tiềm lực, đội ngũ, kinh nghiệm hiện có”.
Tuy vậy, ông Minh cho rằng, đề án tái cổ phần hoá MobiFone được đề nghị từ năm 2005, tức đã qua 8 năm nhưng việc triển khai chỉ hoàn thành theo góc độ công ty. Đề án thực hiện còn chậm ở nhiều khâu nên chưa hoàn thành được. Nếu có sự đồng thuận, quyết tâm của tất cả các cấp, thì sẽ cổ phần hóa rất nhanh. Chủ tịch MobiFone phàn nàn việc chỉ đạo tái cơ cấu nhiều khi thay đổi, lúc thì phải cổ phần hoá nhanh, lúc lại phải giữ lại những DN tốt - vẫn đang có nhiều ý kiến thảo luận.
“Nhà nước yêu cầu tái cơ cấu nhanh, trong ngành cũng thấy cần phải nhanh, trong nội bộ những người liên quan bị chi phối, như VNPT, MobiFone… cũng muốn dứt khoát nhanh. Nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng điều hành sản xuất kinh doanh, không thuận lợi”, ông Lê Ngọc Minh nhấn mạnh.
Khôi Linh