MobiFone thử nghiệm thành công mạng 5G
(Dân trí) - Sau gần một năm chuẩn bị, hôm nay, Tổng công ty Viễn thông MobiFone công bố thử nghiệm thành công mạng 5G tại Hà Nội, TPHCM và các địa điểm đã được cấp phép theo giấy phép của Bộ TT&TT.
Sau khi được cấp phép thử nghiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, MobiFone đã triển khai thử nghiệm mạng 5G tại thủ đô Hà Nội và một số thành phố lớn của cả nước như Đà Nẵng, Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh.
Nhà mạng này cho biết, trong quá trình thử nghiệm, MobiFone đã làm việc với các nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ 5G lớn trên thế giới nhằm đánh giá toàn diện khả năng đáp ứng, chất lượng dịch vụ cũng như các vấn đề phát sinh khi triển khai mạng 5G trên diện rộng. Kết quả thử nghiệm mạng 5G MobiFone thu được rất khả quan với trải nghiệm của người dùng, tốc độ dữ liệu tải xuống đạt xấp xỉ 2Gbps.
Trên nền tảng 5G, những dịch vụ ứng dụng dữ liệu tốc độ siêu cao như Hologram - Thực hiện cuộc gọi 3D qua mạng 5G, các trò chơi trực tuyến sử dụng băng thông siêu tốc độ như Cloud Gaming, ứng dụng tương tác thực tế ảo (AR, VR) giữa 2 người ở 2 vị trí khác nhau như thi đấu bóng bàn, bóng đá từ xa… đã được MobiFone thử nghiệm thành công.
MobiFone cho biết, với độ trễ siêu thấp gần bằng 0, cho cảm nhận sinh động và trực tiếp như ngoài đời thực, những dịch vụ thử nghiệm này không chỉ hứa hẹn mang lại một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giải trí, sản xuất kinh doanh, giao thông vận tải, y tế, giáo dục… mà còn đặt ra những tiền đề quan trọng mang tính chất nền tảng để nhà mạng này phát triển những giải pháp mang tầm vĩ mô trong xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh.
Chia sẻ về sự kiện, đại diện Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết: “Thế giới đang chứng kiến những bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Đặc biệt trong những ngày này, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang diễn biến nhanh chóng và nguy hiểm trên phạm vi toàn cầu, thì những ứng dụng của 5G trong lĩnh vực y tế hứa hẹn sẽ giải quyết được những vấn đề về lây nhiễm, chẩn đoán, xử lý và phòng chống bệnh dịch. Với các ứng dụng chữa trị, chuẩn đoán, điều trị từ xa, vai trò của “môi trường số” hay “môi trường ảo” càng nổi lên quan trọng, đôi lúc an toàn và hiệu quả hơn cả “thế giới vật lý”. Trong bối cảnh nhiều địa điểm đang bị cách ly hay bị phong tỏa vì dịch bệnh, thì với những giải pháp công nghệ thông minh như thương mại điện tử thay cho mua bán truyền thống, hay giáo dục trực tuyến từ xa thay cho việc dạy và học trực tiếp tại trường lớp… đã đem lại môi trường an toàn cho con người, giúp bình ổn, duy trì chất lượng cuộc sống.
Khôi Linh