Metaverse vẫn là "nỗi đau" của Mark Zuckerberg

Thế Anh

(Dân trí) - Giấc mơ về vũ trụ ảo (metaverse) của Mark Zuckerberg đang khiến các nhà đầu tư tốn rất nhiều tiền.

Trong báo cáo doanh thu mới nhất, Meta cho biết Reality Labs - bộ phận chịu trách nhiệm chính về phát triển các dự án và công nghệ liên quan đến thực tế ảo của công ty, đã công bố khoản lỗ 4,28 tỷ USD vào quý IV/2022. Điều đó đã nâng tổng số tiền mà bộ phận này tiêu tốn lên tới 13,72 tỷ USD trong năm 2022.

Metaverse vẫn là nỗi đau của Mark Zuckerberg - 1

Bộ phận phát triển metaverse của công ty tiếp tục tạo ra khoản lỗ 4,28 tỷ USD vào quý IV/2022 (Ảnh: Business Insider).

Cuối năm 2021, Zuckerberg đã đổi tên công ty thành Meta và tuyên bố sẽ tập trung phát triển metaverse. Đây được kỳ vọng sẽ trở thành một siêu vũ trụ, nơi người dùng có thể thực hiện mọi thứ như làm việc, mua sắm hay giải trí.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Meta vẫn là một công ty quảng cáo trực tuyến và phần lớn doanh thu đến từ hoạt động kinh doanh quảng cáo. Trong khi đó, bộ phận Reality Labs lại bị xem là thứ tiêu tốn quá nhiều chi phí.

Trong quý IV/2022, Reality Labs đã tạo ra 727 triệu USD doanh thu, nâng tổng doanh thu của bộ phận này vào năm 2022 lên mức 2,16 tỷ USD. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn so với mức 2,27 tỷ USD trong năm 2021.

Có thể thấy, chi phí vận hành của Reality Labs đang cao cấp 6 lần so với doanh thu mà nó tạo ra. Đồng thời, lượng doanh thu này chỉ chiếm chưa đến 2% trong tổng doanh thu của Meta.

Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường NPD Group, doanh số bán kính thực tế ảo tại Mỹ đã giảm 2% trong năm 2022. Vào tháng 7/2022, Meta đã thông báo rằng công ty sẽ tăng giá 100 USD đối với mẫu Quest 2 VR. Thời điểm đó, Meta cho biết việc tăng giá là cần thiết để giải quyết áp lực của công ty.

Mùa hè năm ngoái, Zuckerberg cho biết rằng ông kỳ vọng sẽ "đạt được khoảng một tỷ người dùng thực hiện giao dịch hàng trăm USD trong metaverse vào nửa sau của thập kỷ".

Metaverse vẫn là nỗi đau của Mark Zuckerberg - 2

Kế hoạch phát triển metaverse của Mark Zuckerberg đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả (Ảnh: CNN).

Tuy vậy, trước khi đạt được giấc mơ trên, Meta sẽ cần phải chi trả hàng tỷ USD để phát triển VR và các công nghệ thực tế tăng cường khác làm nền tảng cho vũ trụ ảo metaverse.

Dĩ nhiên, các cổ đông không mấy hài lòng với những gì mà công ty làm được cho đến thời điểm hiện tại. Trong năm 2022, Meta đã mất hơn 60% giá trị do chi phí phát triển metaverse quá cao và hoạt động kinh doanh quảng cáo trực tuyến kém hiệu quả.

"Chúng tôi tin rằng khoản lỗ của Reality Labs sẽ tiếp tục tăng vào năm 2023. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đầu tư một cách cẩn trọng vào lĩnh vực này, dựa trên những cơ hội dài hạn mà chúng tôi nhận thấy", Susan Li - giám đốc tài chính của Meta, cho biết.

Theo CNBC, Business Insider

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm