1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Máy tính bảng 99 USD: Khó thành hiện thực!

(Dân trí)-Thị trường tiêu dùng hàng công nghệ gần đây liên tiếp xuất hiện những thông tin về các mẫu máy tính bảng "siêu rẻ" 99 USD từ các nhà sản xuất để thu hút người tiêu dùng trong cuộc đua căng thẳng. Song liệu có có tồn tại những máy tính bảng có giá 99 USD?

Đã có nhiều tin đồn về việc Google sẽ sản xuất phiên bản Nexus 99 USD.
Đã có nhiều tin đồn về việc Google sẽ sản xuất phiên bản Nexus 99 USD.
 
Acer, Asus, Google… là các hãng máy tính thương hiệu được gắn với những cái tin “sẽ có máy tính bảng siêu rẻ”. Nhưng trên thực tế, gần như các hãng này đều chỉ có những máy tính giá hợp lý hơn và họ phải phủ nhận chính các tin đồn sản phẩm “siêu rẻ” 99 USD.

 

Những thông tin “tưởng bở”

 

Mới đây nhất, là hãng máy tính Acer đã phải công bố thông tin không có sản phẩm máy tính bảng rẻ 99 USD trong kế hoạch thị trường tương lai gần. Điều này xem ra làm “nản chí” 1 số nhóm người tiêu dùng đã mong ngóng được sở hữu mẫu máy tính bảng Acer giá rẻ trong nhiều tháng. Nhưng với nhà sản xuất thì lựa chọn thông tin như vậy là cần thiết, để khẳng định với cộng đồng tiêu dùng rằng họ không thể có những sản phẩm “quá rẻ” như vậy.

 

Tương tự, hãng Asus cũng gần như “không nói lời nào” về các đợt thông tin sẽ có máy tính bảng giá 99 USD mà giới truyền thông đã đề cập. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bảng danh mục giá bán các loại máy tính bảng Asus, chắc chắn con số 99 USD không hiện diện.

 

Xem xét toàn cục, thì sự thật mức giá máy tính bảng rẻ hiện đang rơi vào tay thương hiệu Amazon, nhưng với phiên bản Kindle Fire có giá 159 USD. Sản phẩm này đã được đánh giá cao bởi cả tính năng và thiết kế sau khi đưa ra thị trường từ đầu năm 2012. Sau đó, Google cũng nhanh chóng tung ra thị trường mẫu máy tính bảng hợp tác Nexus 7. Phiên bản Nexus 7 mới nhất của hãng này đang được bán trực tuyến với mức giá giữa 199 và 329 USD tùy loại cấu hình. Cũng có thông tin gần đây nói rằng sẽ có phiên bản Google Nexus 7 có giá 99 USD trong năm 2013. Song hiện tại, thị trường mới chỉ có thông tin về mẫu máy tính bảng Asus ME172V, được cho là Nexus 7 giá rẻ, lại có giá dao động từ 129 đến 149 USD.

 

Xem ra, con số giá 99 USD gần như chỉ nằm trong ý tưởng phỏng đoán của giới truyền thông. Mức giá 99 USD cho 1 số sản phẩm máy tính bảng thương hiệu, thực tế chỉ có trong các đợt khuyến mãi nhắm vào các đối tượng khách hàng lớn, thuộc về các công ty, tập đoàn, chứ không có sản phẩm nào chính thức bán lẻ. Từ trước đến nay, người dùng chỉ mới thấy hãng HP là đơn vị duy nhất có bán máy tính bảng TouchPad 99 USD trong dịp… đóng cửa sản xuất mẫu máy này. Còn lại, mức giá đưa ra của các hãng luôn cao hơn 99 USD.
 
Đã có nhiều tin đồn về việc Google sẽ sản xuất phiên bản Nexus 99 USD.

 

Lý giải đơn giản về vấn đề này, 1 số chuyên gia công nghệ đã cho biết, thực tế việc sản xuất máy tính bảng của các thương hiệu lớn đều nằm trong 1 guồng cung ứng hoạt động khép kín, với nhiều nhà sản xuất đồng thời. Trong đó, vai trò các nhà sản xuất linh kiện như chip Intel, màn hình Samsung, LG… sẽ rất quan trọng, coi như quyết định giá trị máy. Một khi chi phí sản xuất các thiết bị này còn cao, thì chẳng có thương hiệu máy tính nào có thể công bố bán rẻ hơn 100 USD cả.

 

May ra chỉ có… hàng Tàu !

 

Thực tế đến nay, trên thị trường công nghệ, người ta chỉ mới ghi nhận được vài mẫu máy tính bảng giá rẻ đến 2 triệu đồng (tương đương 99 USD) nhưng đều có nguồn gốc từ China. Chất lượng của những mẫu máy tính bảng này, đều gắn với câu đánh giá “tiền nào của nấy”.

 

Không ít người trong giới kinh doanh công nghệ cũng phàn nàn, các mẫu máy này nhìn qua rất hấp dẫn giới thu nhập thấp vì giá rẻ, trong khi các thông số thể hiện đều rất tốt. Có cả các mẫu đạt cấu hình xấp xỉ với iPad, Samsung Galaxy 10 inch mà giá không vượt qua 100 USD. Đối tượng mua của chúng đa số là sinh viên học sinh, gia đình có thu nhập thấp cần 1 sản phẩm “giải trí” cho con cái.

 

Nhưng hầu hết đều ghi nhận được, kết quả sau 1 - 2 tháng sử dụng, những máy tính này đều “liệt màn hình”, các thao tác sử dụng rất khó khăn, có mẫu bị hư hỏng trục trặc, gần như chỉ vứt đi vì không có linh kiện thay thế, chế độ bảo hành sản phẩm của các đơn vị bán không tổ chức tốt.

 

Những mẫu máy tính “siêu rẻ” giá dưới 100 USD, vì thế thực sự có, thực sự tồn tại, nhưng không nằm trong danh sách những sản phẩm thương hiệu lớn. Bởi vậy, người tiêu dùng thực sự cần cảnh giác hơn với những kiểu tin truyền thông “rộ tin đồn về máy tính bảng siêu rẻ”. Theo nhiều người nhìn nhận, các tin ấy do giới truyền thông “tự đồn” chứ người tiêu dùng không thể tự đồn đoán trước được!
 
Thanh Nguyên