Lưu trữ dữ liệu cá nhân như thế nào là an toàn?

(Dân trí) - Dữ liệu cá nhân vốn luôn quan trọng nhưng người dùng vẫn còn mơ hồ về việc làm sao để bảo vệ thông tin của mình một cách tốt nhất.

Facebook đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử khi làm rò rỉ thông tin cá nhân của 50 triệu tài khoản Facebook. Vụ lùm xùm này đã khiến CEO Mark Zuckerberg đứng trước nguy cơ phải từ chức vì áp lực từ nhiều phía.

Mặc dù Facebook đáng bị chỉ trích vì đã trao quyền quá lớn cho các nhà phát triển ứng dụng để các ứng dụng thứ 3 thu thập dữ liệu người dùng, như xem bói, vẽ chibi với việc yêu cầu cấp quyền cho họ để thực hiện các mục đích khác nhau. Đây là một dạng nghiên cứu hành vi xã hội trên đối tượng 50 triệu người dùng Facebook tại Mỹ. Họ sử dụng các thông tin thu thập để kinh doanh và kiếm lợi. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, trách nhiệm của người dùng trong vụ khủng hoảng này là rất lớn. Nếu người dùng không quá ngây thơ tham gia thực hiện theo các yêu cầu của các ứng dụng trên Facebook thì đã không xảy ra tình trạng bị thu thập thông tin.

Có thể thấy, nhận thức của người dùng về việc bảo vệ thông tin cá nhân còn khá hạn chế. Phần lớn người dùng Internet đều cho rằng không gian mạng là vô hại, mọi thông tin chỉ phục vụ nhu cầu giải trí, lướt mạng. Nhưng thực tế, thông tin cá nhân của chính mình lại là cơ sở dữ liệu quan trọng cho những doanh nghiệp cần thu thập để thực hiện cho hoạt động kinh doanh, thậm chí là cho mục đích chính trị.


Thiết bị lưu trữ dữ liệu giúp người dùng có thể truy cập, sử dụng và làm việc nhóm đồng thời.

Thiết bị lưu trữ dữ liệu giúp người dùng có thể truy cập, sử dụng và làm việc nhóm đồng thời.

Nói về việc bảo vệ thông tin và lưu trữ dữ liệu cá nhân, ông Mike Chen, Giám đốc Marketing của Synology, chia sẻ việc lưu trữ dữ liệu trên các dịch vụ đám mây, như iCloud, Google Drive, Onedrive… đã giúp người dùng rất nhiều khi có thể truy cập và sử dụng ở mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, các dịch vụ đám mây này được gọi là đám mây chung (public cloud) nên ông Mike Chen cho rằng, với những thông tin, dữ liệu không quá quan trọng thì người dùng có thể lưu trên các dịch vụ này. Tuy nhiên, với các dữ liệu quan trọng, như tài liệu kinh doanh, ảnh… thì nên sử dụng dịch vụ lưu trữ cá nhân của riêng mình.

Sau nhiều năm kinh doanh tại Việt Nam, ông Mike Chen cho rằng người Việt đã có nhu cầu lưu trữ dữ liệu của riêng mình. Theo đó, doanh thu của Synology tại Việt Nam đã tăng 8 lần trong vòng 4 năm qua với mức tăng trưởng hàng năm đạt ít nhất 30%. Công ty này cũng đã tung ra sản phẩm router thứ hai tại Việt Nam - thiết bị RT2600ac. Thiết bị lưu trữ này cho phép người dùng lưu trữ và sử dụng dữ liệu của mình bất kỳ nơi đâu khi thiết bị đầu cuối được kết nối với Internet. “Điều này sẽ giúp người dùng yên tâm về sự an toàn của dữ liệu so với việc thuê dịch vụ lưu trữ bằng các giải pháp đám mây…”, ông Mike Chen nhận xét.


Các dòng thiết bị lưu trữ dành cho cả doanh nghiệp và người dùng cá nhân.

Các dòng thiết bị lưu trữ dành cho cả doanh nghiệp và người dùng cá nhân.

Ông Mike cũng cho biết Synology có đội phản ứng nhanh nếu xảy ra các sự cố. Công ty thường xuyên mời hacker mũ trắng tìm kiếm, phát hiện lỗ hổng bảo mật, tự động chặn các IP cố truy cập trái phép vào hệ thống dữ liệu, từ chối dịch vụ nếu có truy cập bất thường không được phép, lập danh sách đen ngăn các truy cập trái phép.

“Việt Nam hiện được coi là một trong những quốc gia có tiềm năng nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong lĩnh vực phát triển CNTT. Nhận thấy những triển vọng tươi sáng tại Việt Nam, chúng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của thị trường”, ông Mike Chen nói.

Khôi Linh