Lựa chọn máy ảnh DSLR hay Mirroless cho nhu cầu sử dụng?
(Dân trí) - Trên thị trường máy ảnh chuyên nghiệp hiện nay, ngoài hệ thống các sản phẩm DSLR truyền thống đã rất phổ biến, một vài năm trở lại đây hệ máy không gương lật Mirrorless đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đang dần khẳng định được chỗ đứng của mình.
Mỗi một hệ máy đều có những ưu, nhược điểm riêng và phù hợp với từng đối tượng sử dụng khác nhau. Tuy nhiên, khi sự lựa chọn trở nên quá phong phú, đứng trước một rừng thiết bị, nhiều người dùng mới lại cảm thấy choáng ngợp và không ít băn khoăn. Vậy đâu mới là sản phẩm phù hợp cho nhu cầu sử dụng của từng cá nhân?
Đối với người dùng lựa chọn DSLR, họ có cái lý riêng của mình. Máy ảnh DSLR đã có một lịch sử phát triển lâu dài, một hệ sinh thái lớn mạnh và có chỗ đứng không cần bàn cãi trong lĩnh vực nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Ngoài ra còn một số yếu tố tâm lý khách quan như tâm lý đám đông, tâm lý chọn sản phẩm theo phong trào,…Và đương nhiên, khi đã mặc định với quan điểm đó trong đầu, họ sẽ không mấy quan tâm đến chuyện công nghệ máy ảnh Mirrorless đang phát triển như vũ bão thế nào, thậm chí nhiều người cũng không mảy may nghĩ đến chuyện sẽ dùng thử một chiếc máy Mirrorless, chí ít thì cũng để trải nghiệm công nghệ của hệ máy có tuổi đời còn non trẻ này.
Đối với người dùng lựa chọn hệ máy Mirrorless, họ lại có những lợi thế nhất định. Trước hết, về mặt thiết bị, máy ảnh Mirrorless có thiết kế giản lược và hệ thống điều khiển khá trực quan, mọi thứ người dùng nhìn thấy qua viewfinder điện tử hay màn hình LCD chính xác là những gì họ sẽ chụp được. Các chế độ tự động thiết lập có sẵn trên máy cũng khá phong phú. Có thể nói, với một Newbie (người dùng mới) thì Mirrorless dễ sử dụng hơn rất nhiều. Cộng thêm với nhiều hiệu ứng có sẵn, người dùng có thể dễ dàng cho ra đời những tác phẩm “dễ nhìn” mà không cần hiểu biết nhiều về các khái niệm chuyên môn “khẩu, tốc, iso, đo sáng,…”. Ngoài ra, còn một lợi thế không thể không nhắc đến đó là tính cơ động, đa phần các máy ảnh Mirrorless đều có trọng lượng nhẹ và thiết kế nhỏ gọn hơn rất nhiều so với một chiếc DSLR cồng kềnh.
Mặc dù các hãng sản xuất máy ảnh mirrorless đã có những bước tiến rất dài, cũng như đã có một số sản phẩm trực tiếp nhắm đến giới chuyên nghiệp, nhưng hiện vẫn còn một số vấn đề chủ quan lẫn khách quan là rào cản khiến sản phẩm của họ khó tiếp cận với thị trường khó tính này:
- Hệ sinh thái còn nghèo nàn: Hiển nhiên với lịch sử phát triển non trẻ, các nhà sản xuất mirrorless chưa có được hệ sinh thái phong phú (body, lens, đèn flash, các loại phụ kiện, phần mềm, tài liệu, hướng dẫn,…) như các nhà sản xuất DSLR phát triển lâu đời.
- Giới hạn về công nghệ hiện tại: Vấn đề này cũng tương tự như với hệ sinh thái, do lịch sử phát triển non trẻ mà ở thời điểm hiện tại, hệ máy mirrorless còn một số vấn đề về kỹ thuật chưa được tối ưu như trên hệ máy DSLR: tốc độ khởi động, hệ thống lấy nét tự động, hệ thống đo sáng, tuổi thọ pin,…
- Thiết kế phù hợp: Nói một cách dễ hiểu thì đó là cách mà nhà sản xuất thiết kế sản phẩm, cơ chế điều khiển, bố trí nút bấm trên thân máy,…sao cho khoa học, nhanh chóng và thuận tiện tối đa cho người sử dụng. Về khoản này thì các nhà sản xuất mirrorless còn thiếu kinh nghiệm, ngay cả trên các sản phẩm hướng đến giới chuyên nghiệp. Có thể nhiều người dùng phổ thông cho rằng đây không phải vấn đề lớn, nhưng thực tế nó ảnh hưởng rất nhiều đến trải nghiệm sử dụng, điều mà những người dùng chuyên nghiệp cũng như làm nghề đặc biệt quan tâm.
- Tâm lý khách hàng: Đối với khách hàng, vốn là những người không mấy quan tâm đến công nghệ nhiếp ảnh, họ sẽ mong chờ người làm dịch vụ sử dụng thiết bị như thế nào để phục vụ họ? Một bộ thiết bị DSLR hầm hố đầy tính chuyên nghiệp hay Mirrorless nhỏ gọn nhưng thiếu tính thuyết phục?
Nếu không đòi hỏi quá khắt khe, người dùng phổ thông hoàn toàn có thể bỏ qua tất cả những điều trên và chọn cho mình một chiếc máy ảnh Mirrorless nhỏ gọn nhưng vẫn đáp ứng được tất cả nhu cầu cơ bản mà không cần băn khoăn bất cứ vấn đề gì. Còn nếu sử dụng với mục đích thương mại, có thể khẳng định vào thời điểm hiện tại DSLR vẫn là thiết bị phù hợp hơn cho nhiếp ảnh chuyên nghiệp.
Duy Thành