Lợi thế của Việt Nam trong "cuộc đua số"
(Dân trí) - Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư công nghệ cao nhờ những lợi thế nhất định trong cuộc đua chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là gì?
Theo định nghĩa của Bộ Thông tin và Truyền thông đăng tải trên cổng thông tin mic.gov, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Theo đó, đây là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số.
Chuyển đổi số cũng có thể được hiểu là sự giao thoa giữa tái cấu trúc doanh nghiệp, và ứng dụng công nghệ số. Trong đó, doanh nghiệp áp dụng các hình thức thay đổi mô hình kinh doanh, tái cơ cấu tổ chức, thay đổi cách thức ra quyết định.
Nếu doanh nghiệp thực hiện điều này dựa trên sự ứng dụng các công nghệ số như AI, Big Data, IoT... vào vận hành và quy trình, thì đây được coi là chuyển đổi số.
Việt Nam có lợi thế gì trong chuyển đổi số?
Tại Hội thảo "Giải pháp Văn phòng số: Chiến lược tái cơ cấu và xây dựng năng lực thích ứng linh hoạt" tổ chức ngày 21/7 tại Hà Nội, ông Phạm Thành Đại Lĩnh, Giám đốc tư vấn công nghệ của FPT, đang đứng trước "cơ hội vàng" để chuyển đổi số thành công.
Trong đó, nhiều nước đã coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư công nghệ cao. Tổ chức CSIS (Mỹ) thậm chí từng cho rằng Việt Nam đang trở thành cường quốc kỹ thuật số mới ở khu vực Đông Nam Á.
Tiêu biểu là những gã khổng lồ công nghệ như Samsung, Apple, LG, Foxconn... hay các công ty đa quốc gia (MNC) như Cisco, Toshiba... đều đã và đang thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ tại Việt Nam, bao gồm cả R&D.
Cùng với đó, có thể thấy làn sóng khởi nghiệp sáng tạo "Make In Vietnam" trong lĩnh vực công nghệ (Fintech, Proptech,…) ngày càng mạnh mẽ.
Theo lý giải của đại diện tới từ FPT, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế trong cuộc đua chuyển đổi số. Một trong số đó là ưu điểm về dân số trẻ, là quốc gia mới nổi với mức độ thâm nhập kỹ thuật số cao, có tốc độ tăng trưởng cao, khoảng 20-30% hàng năm.
Trích dẫn báo cáo của We Are Social năm 2022, ông Lĩnh cho biết số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là khoảng 72 triệu người (tương đương 73% dân số), cùng tỷ lệ kết nối di động của người dân lên tới 156 triệu (tương đương 158% dân số).
Đây là các yếu tố then chốt để tạo dựng nên các nhu cầu và sự kết nối trong chuyển đổi số, giúp công nghệ từng bước thâm nhập vào các mặt của cuộc sống, với 3 cột trụ là "kinh tế số", "xã hội số", và "chính phủ số".
"Chuyển đổi số dựa trên sự bền vững là cơ hội quý giá để Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp sang nền kinh tế phát triển", ông Lĩnh cho biết.
Dẫu vậy, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong hành trình này. Một trong số đó là nguồn cung về nhân lực không thể đáp ứng trong thời gian ngắn.
Cụ thể theo thống kê của FPT Digital, Việt Nam hiện có gần 400.000 kỹ sư CNTT và hơn 50.000 sinh viên chuyên ngành CNTT tốt nghiệp mỗi năm. Con số này chỉ đáp ứng được khoảng 25% về số lượng nhân lực CNTT so với nhu cầu thực tế.
Cùng với đó, thống kê từ Capgemini, The Digital Talent Gap, cũng chỉ ra rằng có tới 59% doanh nghiệp Việt phải đối mặt với khoảng cách về kỹ năng kỹ thuật số mềm.
Đây là tư duy ưu tiên thực hiện trên môi trường số, như lấy khách hàng làm trọng tâm, đưa ra quyết định kinh doanh dựa trên dữ liệu… và được coi là ngòi nổ cho chiến lược chuyển đổi số thành công của bất kỳ tổ chức nào.
Song song với đó là khoảng cách về kỹ năng cứng của doanh nghiệp Việt, gồm một số yêu cầu trong tổ chức, như an ninh mạng hay điện toán đám mây... vẫn còn khá hạn chế.
Tái cấu trúc để chuyển đổi số thành công
Ông Tăng Văn Khánh, Chủ tịch HĐQT Công ty giải pháp công nghệ OOC, nhấn mạnh rằng doanh nghiệp bắt buộc phải tái cấu trúc, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế đầy khó khăn và cạnh tranh như hiện nay.
Theo đó, chiến lược tái cấu trúc có thể đi theo hướng tái lập, chuẩn hóa hệ thống quản lý, quy trình, chính sách, tiêu chuẩn. Từ đó tiến tới tái cơ cấu tổ chức, tái cấu trúc mô hình kinh doanh.
Chuyên gia này cho rằng doanh nghiệp sau tái cấu trúc, sẽ có mô hình kinh doanh mới, cơ cấu tổ chức mới, hệ thống quản lý/quy trình mới.
Từ đó, hoạt động của doanh nghiệp sẽ hiệu quả hơn nhờ tiếp cận khách hàng tốt hơn, trải nghiệm khách hàng tốt hơn, hiệu suất vận hành/ sản xuất cao hơn với chi phí thấp hơn.
Tuy nhiên để làm được điều này, doanh nghiệp cần triển khai chuyển đổi số đồng bộ các chức năng của doanh nghiệp, cung cấp thông tin cập nhật cho quản lý, tăng cường tương tác và trải nghiệm tốt cho khách hàng.
Cách hiệu quả và đơn giản nhất là sử dụng các bộ giải pháp, công cụ chuyển đổi số, trong đó tích hợp văn phòng số, sẽ đem lại cho doanh nghiệp cơ hội tái cấu trúc mạnh mẽ hơn.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, ông Alexander Bezborodov, Giám đốc phát triển giải pháp 1C Document Management, bổ sung rằng ngày càng có nhiều doanh nghiệp số hướng đến sử dụng giải pháp low-code.
Trong đó, low-code platform (nền tảng mã nguồn thấp) là một công nghệ cho phép người dùng tạo ra các ứng dụng phức tạp mà không cần phải có kiến thức sâu về lập trình. Ưu điểm của công nghệ này là thay vì phải viết mã từ đầu, người dùng chỉ cần kéo và thả các thành phần trên một giao diện đồ họa và cấu hình chúng để tạo ra các ứng dụng cần thiết.
Theo ông Bezborodov, chính nhờ được xây dựng từ những block nhỏ, nên doanh nghiệp có thể thay đổi bất kỳ miếng block nào theo nhu cầu mà không làm ảnh hưởng hoặc hỏng hệ thống vì phần lõi đã được cố định.
Nhờ vậy, nó giúp các nhân viên làm việc hiệu quả hơn nhờ áp dụng các giải pháp tự động hóa, cũng như lãnh đạo doanh nghiệp có thể theo dõi nhân viên đang làm việc gì, hiệu quả thế nào, chuỗi quy trình công việc đang được triển khai đến đâu, hiệu quả ra sao.