Loại bỏ YouTube trên hàng loạt smart TV tại Việt Nam nếu còn nội dung "bẩn"

Mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, TikTok, YouTube nếu không hợp tác, sẽ bị cấm tại Việt Nam. Ngoài ra, các biện pháp cứng rắn đang được Bộ TT&TT và các cơ quan thực hiện.

Sáng 27/5, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ TT&TT đã tổ chức Hội thảo kết nối mạng lưới quản lý đa kênh (MCN), các công ty truyền thông và nhà sáng tạo nội dung trên mạng (KOLs).

Trong hơn 3 tiếng của buổi làm việc, cơ quan chức năng đã đưa ra những thông điệp cứng rắn đối với việc quản lý nội dung trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, TikTok, YouTube.  

Nếu không hợp tác, TikTok sẽ bị cấm tại Việt Nam

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, cách đây 1 tuần, cơ quan quản lý nhà nước đã tổ chức đoàn kiểm tra TikTok. Ngay sau đó, đại diện Facebook, YouTube đã hỏi thông điệp của cơ quan Nhà nước với động thái trên. Nhiều TikToker đặt câu hỏi, liệu Chính phủ có cấm TikTok, Facebook, YouTube không? Cùng với đó, số phận của những Facebooker, YouTuber, TikToker trên các nền tảng sẽ đi về đâu?

Câu trả lời phụ thuộc vào mức độ hợp tác giữa 3 bên: gồm nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới; các KOLs; các MCN, công ty truyền thông. Nếu có bên không hợp tác, cơ quan chức năng nhận thấy mạng xã hội là môi trường nguy hiểm, ảnh hưởng xấu, tác động tới xã hội, thì chắc chắn sẽ có biện pháp hạn chế.

Cục trưởng Lê Quang Tự Do lấy 3 ví dụ cụ thể về các trường hợp đăng tải, phát tán nội dung xấu độc trên nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đã bị chấn chỉnh. 

TikToker Nờ Ô Nô cố tình đăng tải clip gây sốc, lợi dụng người già để câu view (lượt xem) lập tức bị xử lý.

Ngày 30/4/2022, một ca sỹ nổi tiếng đăng video ca nhạc có hình ảnh cuối là nhảy từ tầng thượng xuống đất tự tử. Cục PTTH&TTĐT cùng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) đã lập tức xử lý. Video tốn gần 30 tỷ đồng để thực hiện, nhưng chỉ trong "1 nốt nhạc" là phải biến mất khỏi YouTube. Ngoài ra, nghệ sỹ còn bị xử phạt tiền.

Cách đây 2 năm, YouTuber Thơ Nguyễn làm clip về kumathong. Bộ TT&TT chỉ đạo Sở TT&TT Bình Dương xử phạt, ngừng ngay hoạt động của kênh. Từ một kênh YouTube gần đạt nút kim cương, giờ kênh coi như đã "chết".

"Thông điệp của chúng tôi là không gian mạng cũng như đời thật, phải chịu trách nhiệm thật. Nếu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới không hợp tác với cơ quan quản lý Nhà nước thì sẽ bị ngăn chặn hoạt động tại Việt Nam. Nếu TikTok không hợp tác với Chính phủ, với cơ quan quản lý trực tiếp là Bộ TT&TT thì chắc chắn nền tảng này sẽ bị cấm", ông Do nhấn mạnh.

Loại bỏ YouTube trên hàng loạt smart TV tại Việt Nam nếu còn nội dung bẩn - 1

Nếu TikTok không hợp tác, chắc chắn sẽ bị cấm tại Việt Nam (Ảnh: Trọng Đạt).

Mặt khác, khi TikTok hợp tác và tuân thủ các quy định pháp luật thì sẽ được tạo điều kiện để hoạt động. Dẫu vậy, chữ "nếu" ở đây rất mong manh, quan trọng là nhận thức và thái độ của các nền tảng xuyên biên giới. Trong một thời gian dài, nhiều nền tảng xuyên biên giới lớn, cho rằng, họ là các tập đoàn đa quốc gia và có tiêu chuẩn cộng đồng toàn cầu riêng, không tuân thủ quy định pháp luật của nước sở tại. "Tôi xin khẳng định, các nền tảng đó đã phải trả giá đắt. Khi hiểu ra vấn đề, quay lại hợp tác thì đã muộn", ông Lê Quang Tự Do nói thêm. 

Về xử phạt hành chính, tới đây, cơ quan quản lý sẽ phạt theo kiểu chia nhỏ thay vì gộp. Ví dụ, 1 nội dung vi phạm lặp đi lặp lại 10 lần thì không xử phạt 1 lần mà xử 10 lần. Số tiền 20 triệu đồng/lần phạt cứ thế nhân 10 lần.

Ngoài ra, từng có nghệ sỹ quảng cáo sai sự thật, bị xử phạt 50 triệu đồng (mức tối đa). Họ cho rằng, số tiền trên không đáng gì so với lợi nhuận từ hoạt động quảng cáo và sẵn sàng nộp. Nhưng, Bộ TT&TT còn có chế tài khác, sẵn sàng không cho nghệ sỹ còn cơ hội được tiếp cận với công chúng. Đây mới là chế tài quan trọng nhất, phạt tiền chỉ là bước đầu.

Việt Nam đứng đầu thế giới về kiếm tiền gian lận trên YouTube

Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho hay, Việt Nam là một trong các quốc gia hiếm hoi trên thế giới giữ kỷ lục không mấy vẻ vang. Chúng ta đứng đầu thế giới về lạm dụng không gian mạng để làm việc vi phạm đạo đức, pháp luật với mục đích kiếm tiền hoặc mục đích khác.

Ví dụ, người dùng sản xuất nội dung vi phạm bản quyền, lấy nội dung người khác làm ra rồi đăng tải lại lên YouTube; mua phim đồi trụy Nhật Bản, chia thành những clip nhỏ, lập kênh YouTube, rồi bán cho khán giả Mỹ; hoặc livestream trận bóng đá có bản quyền thuộc về các đài truyền hình, từ đó thu hút lượt xem, để quảng cáo cờ bạc.

"Trên thế giới, cứ 100 đồng tiền đến từ thu nhập gian lận trên YouTube thì có 55 đồng do người Việt Nam làm ra. Số tiền trên chiếm hơn 1/2 số tiền thu nhập do gian lận mà có. Trong khi, đất nước đứng thứ hai cũng chỉ bằng 1/10 của chúng ta", Thứ trưởng Lâm chia sẻ thực trạng đáng buồn. Vừa rồi, hãng Apple cũng hạ đồng loạt 8.000 ứng dụng của Việt Nam, trong đó, có 2.800 ứng dụng là gian lận, không ít ứng dụng về nội dung. 

Như vậy, người Việt đang làm ăn, kiếm sống, xây dựng tên tuổi, tương lai cho mình trong một hệ sinh thái thật giả lẫn lộn. Do đó, chúng ta cần có trách nhiệm làm sạch hệ thống này để không trở thành nạn nhân của gian lận, không thể cho phép bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào nhắm mắt làm ngơ trước cái sai và trục lợi từ cái sai. Không có lý nào, cùng một đồng tiền quảng cáo lại vừa đi vào kênh tử tế, vừa đi vào kênh xấu độc, phản cảm, mà vẫn kiếm được nhiều tiền. Bộ TT&TT đang xử phạt ngày càng nghiêm khắc với các nhãn hàng đưa nội dung quảng cáo lên những kênh xấu độc.

Cùng với đó, việc xây dựng và công bố danh sách nội dung "đã được xác thực" (Whitelist) và nội dung "đen" (Blacklist) của Việt Nam là một trong những giải pháp mới của Bộ TT&TT nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên Internet. Whitelist mới được Bộ TT&TT công bố vào trung tuần tháng 3/2023. Trước đó, trong năm 2022, Bộ TT&TT cũng đã công bố hơn 170 website vi phạm pháp luật.

Thứ trưởng Lâm ví dụ về lợi ích khi các kênh gia nhập Whitelist, một kênh TikTok chuyên về làm đẹp, y tế, khi được xác thực trong Whitelist thì Bộ TT&TT có thể giới thiệu kênh đó với Bộ Y tế và các cơ quan trực thuộc. Từ đó, kênh TikTok giúp cơ quan chuyên trong công tác truyền thông chính sách chủ động. Ngoài kênh báo chí truyền thống, cơ quan quản lý nhà nước cũng rất cần truyền thông, quảng bá cho nhiều lĩnh vực trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.

Loại bỏ YouTube trên hàng loạt smart TV tại Việt Nam nếu còn nội dung bẩn - 2

Việc định danh các tài khoản mạng xã hội sẽ giúp truy vết, xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm trên không gian mạng (Ảnh: Trọng Đạt).

Về công tác quản lý nhà nước, tới đây, việc quản lý gắn với định danh sẽ đi kèm các chế tài. Luật Viễn thông đang được sửa đổi theo hướng, nếu tổ chức hoặc cá nhân sử dụng mạng viễn thông để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, họ có thể bị nhà mạng ngừng cung cấp dịch vụ Internet. Máy điện thoại vẫn gọi điện, nhắn tin nhưng không thể kết nối Internet. Với việc định danh theo SIM, mọi hành vi đều được định danh, truy vết.

Cùng với đó, việc đồng bộ định danh tài khoản ngân hàng, sẽ giúp nhà chức trách theo dõi dòng tiền quảng cáo. Đơn cử, quảng cáo cờ bạc xuất hiện trên mạng đến từ tài khoản, thẻ tín dụng nào, từ đó, cơ quan chức năng có cơ sở xử lý lực lượng vi phạm, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý hình sự trong một số trường hợp. 

Đáng chú ý, Cục PTTH&TTĐT đang làm việc với 5 nhà sản xuất TV lớn tại Việt Nam, gồm: Samsung, LG, Sony, TCL, Casper… tất cả đều là đơn vị sản xuất TV thông minh. Cơ quan Nhà nước sẽ yêu cầu nhà sản xuất tivi không cài đặt ứng dụng vi phạm pháp luật. Nếu YouTube không chặn, hạ nội dung xấu độc, tin giả mà cứ để trẻ em, người già ở nhà bấm xem thì không nên đưa YouTube lên smart TV. Cần vô hiệu hóa nút bấm YouTube trên điều khiển TV. Sự điều chỉnh dần trong chính sách quản lý đang theo hướng rất đồng bộ. Đây không phải nói chơi, theo ông Lâm.

Cơ quan quản lý không lấy việc xử lý, xử phạt làm biện pháp chính, nhưng, cần đấu tranh với những cái sai, thông tin xấu độc trên không gian mạng. Thay vì các nội dung xấu, độc, cần tác động tới xã hội bằng niềm tin và sự tử tế. 

"Một trong những khẩu hiệu của kênh truyền hình Disney (chuyên sản xuất nội dung cho trẻ em) là "Lòng tốt có thể bán được". Do đó, họ chỉ làm chuyện cổ tích, những câu chuyện thần tiên. Họ truyền đi thông điệp rằng, xã hội vẫn luôn có chỉ dấu niềm tin vào những điều tử tế. Họ làm nội dung tử tế vẫn sống được, thậm chí là sống tốt", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.

Theo vietnamnet.vn