Lỗ hổng mới cho phép tạo "màn hình xanh chết chóc" trên Windows

Trung Nam

(Dân trí) - Công ty an ninh mạng Fortra vừa đưa ra cảnh báo về một lỗ hổng mới có thể làm sập tất cả các phiên bản Windows gần đây.

Lỗ hổng mới cho phép tạo màn hình xanh chết chóc trên Windows - 1

Hiện Microsoft vẫn chưa tung ra bản cập nhật sửa lỗi dù đã được công ty an ninh mạng thông báo riêng từ tháng 12/2023 (Ảnh minh họa: FS).

Được biết công ty đã thông báo đến Microsoft về lỗ hổng từ tháng 12/2023, song tập đoàn công nghệ này vẫn chưa tung ra bản cập nhật sửa lỗi.

Chưa đầy một tháng sau sự cố mất kết nối toàn cầu khiến máy tính chạy Windows gặp lỗi hiển thị "màn hình xanh chết chóc" - nguyên nhân đến từ một bản cập nhật phần mềm của công ty an ninh mạng CrowdStrike - một cảnh báo mới vừa được công bố đến từ công ty an ninh mạng Fortra.

Theo đó, công ty này cho biết đã phát hiện một lỗ hổng trực tiếp trong Windows gây ảnh hưởng đến các thiết bị dùng hệ điều hành Windows 10 và 11, cũng như Windows Server 2016, 2019 và 2022.

Nó gây ra "màn hình xanh chết chóc" và làm hỏng hệ thống máy tính, mất dữ liệu.

Microsoft chưa phát hành bản vá

Hiện tại chưa có bản cập nhật nào khắc phục lỗi này, công ty Fortra cho biết đã liên hệ Microsoft từ tháng 12/2023 để cảnh báo về lỗ hổng này.

Công ty an ninh mạng hy vọng rằng bằng cách công bố về lỗ hổng, Microsoft sẽ buộc phải phát hành bản cập nhật sửa lỗi để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. 

May mắn thay là lỗ hổng này sẽ không ảnh hưởng đến máy tính cá nhân vì cuộc tấn công phải đến từ một người dùng đã được xác thực.

Tuy nhiên, trên máy tính của công ty hoặc máy chủ quản lý nhiều tài khoản, người dùng "không thân thiện" có thể sử dụng quyền này để làm hỏng thiết bị và buộc thiết bị khởi động lại, gây gián đoạn dịch vụ và mất dữ liệu.

Trước đó, ngày 19/7, công ty CrowdStrike đã tung ra bản cập nhật phần mềm thường lệ để giúp theo dõi các mối đe dọa an ninh mạng, nhưng nó lại gặp vấn đề gây ra sự cố về bộ nhớ.

Hậu quả đã khiến các thiết bị chạy hệ điều hành Windows bị "màn hình xanh chết chóc".

Tác động của sự cố này đã gây hậu quả nặng nề trên toàn cầu, ảnh hưởng đến 8,5 triệu thiết bị Windows; làm gián đoạn các ngân hàng, y tế và hãng hàng không từ nhiều quốc gia trên thế giới.