Lenovo sẽ “chăm lo” cho BlackBerry

(Dân trí) - Tên tuổi của Lenovo đã lại một lần nữa nổi lên trong cuộc đua thâu tóm hãng điện thoại di động BlackBerry. Theo tin tờ Thời báo phố Wall thì công ty đến từ Trung Quốc này “đang xem xét" mua lại công ty Blackberry

Lenovo sẽ “chăm lo” cho BlackBerry

Tin cho biết, "công ty này đã ký một thỏa thuận mật để được xem xét sổ sách kế toán của nhà sản xuất điện thoại thông minh" BlackBerry.
 
Đầu năm nay, tên tuổi của hãng máy tính Lenovo đã được nêu lên với tư cách là người mua đầy tiềm năng đối với nhà sản xuất điện thoại Canada đang trong giai đoạn khó khăn sau khi một giám đốc điều hành của Lenovo cho biết rằng "chúng tôi đang tìm kiếm ở tất cả các cơ hội - ở cả RIM và nhiều công ty khác ". Tuy nhiên sau đó Lenovo lại không thực hiện thêm bước đi cụ thể nào sau thông báo đó.
 
Nhưng nay khi BlackBerry bắt đầu công khai “chào đón” mọi người mua thì có vẻ như Lenovo chính thức nghiêm túc xem xét việc thâu tóm của họ. Tháng trước, công ty đầu tư tài chính Fairfax của Canada đã đề nghị mua ở mức giá 4,7 tỉ đô la Mỹ đến BlackBerry, nhưng có vẻ như lời đề nghị đó không được thông qua. Hãng tin Bloomberg cho biết hồi đầu tuần này rằng thỏa thuận với Fairfax đã không thực hiện được khi giá cổ phiếu của BlackBerry giảm xuống dưới mức đề nghị của công ty này. Vòng đàm phán mua lại gần đây nhất được biết đến sau khi BlackBerry công bố số liệu kinh doanh thảm hại cũng như ý định chia tay thị trường tiêu dùng để tập trung vào thị trường doanh nghiệp.

Lenovo sẽ “chăm lo” cho BlackBerry

Lenovo hiện đang có một mảng kinh doanh về điện thoại thông minh của mình với các thiết bị Android chủ yếu được bán tại thị trường nội địa và hiện không rõ là liệu công ty này có thực sự quan tâm đến bộ phận phần cứng hoặc phần mềm của BlackBerry không. Tháng Năm vừa rồi Giám đốc điều hành Yang Yuanqing cho biết công ty này đang muốn nhập vào thị trường điện thoại thông minh Mỹ trong khoảng thời gian một năm và cho biết thêm rằng "điện thoại thông minh là cơ hội mới của chúng tôi." Tại thời điểm đó ông cũng lưu ý rằng công ty sẽ xem xét việc mua lại một vài công ty để tăng cường sự hiện diện của mình tại thị trường Mỹ.

Hiện tại phát ngôn viên của BlackBerry và Lenovo đều từ chối bình luận thêm về việc này.

Thương vụ mua BlackBerry của Lenovo nếu thành công sẽ là một trong những thương vụ mua công ty phương Tây lớn nhất và đáng chú ý nhất của một công ty Trung Quốc. Và đây cũng sẽ là cột mốc đánh dấu khát khao trở thành một “đối thủ lớn hơn” ở thị trường phương Tây của các công ty ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Lenovo, tuy chậm chân trên thị trường điện thoại thông minh nhưng đã có hỗ trợ khá lớn ở thị trường nội địa và đã bán được nhiều điện thoại thông minh hơn BlackBerry. Theo công ty nghiên cứu thị trường Gartner, trong quý II Lenovo đã chiếm được 4,7% doanh số bán hàng điện thoại thông minh toàn cầu trong khi thị phần của BlackBerry đã giảm xuống còn 2,7%.

Theo thông tin nội bộ thì hồ sơ tham gia đấu giá BlackBerry sẽ dự kiến ​​được cung cấp vào ngày 4/11 tới. Tuy nhiên thương vụ BlackBerry được biết vẫn còn một trở ngại lớn đó là thương vụ này chắc chắn sẽ phải đối mặt với yêu cầu giám sát của cả chính phủ Canada và Mỹ.

Theo một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc thì BlackBerry hiện chiếm khoảng 470.000 trên 600.000 thiết bị di động thuộc sở hữu và cung cấp bởi Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, có hơn một triệu thiết bị BlackBerry đã được sử dụng bởi nhân viên nhà nước và nhân viên liên bang Hoa Kỳ tính đến cuối năm ngoái. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cũng là một trong những người sử dụng thiết bị của hãng này.

Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ có khả năng sẽ xem xét bất kỳ đề nghị thu mua BlackBerry của Lenovo. Một uỷ ban liên bộ, có tên gọi là CFIUS, hiện đang tập trung đánh giá các vấn đề về rủi ro an ninh quốc gia. Cơ quan Ngân khố quốc gia, dẫn đầu uỷ ban này, hiện không đưa ra bình luận về việc đánh giá này.

Theo phát ngôn viên của Bộ trưởng Công nghiệp Canada James Moore - cơ quan chịu trách nhiệm về việc phê duyệt đấu thầu nước ngoài vốn có thể liên quan đến BlackBerry - cho biết chính phủ Canada đã có thông tin về việc bán công ty này, nhưng từ chối bình luận về tiến trình thực hiện.

Hiện tại chính phủ Canada yêu cầu bất kỳ cuộc đấu thầu nước ngoài đối với một công ty Canada nếu vượt quá 344 triệu đô la Canada (khoảng 334 triệu đô la Mỹ) đều phải được chính phủ đánh giá nhằm xác định xem thương vụ đó là một "lợi ích kinh tế ròng" hay là một nguy cơ an ninh cho quốc gia. Chính phủ Canada đã bác bỏ ba thương vụ đấu thầu có liên quan đến nước ngoài kể từ khi lên nắm quyền vào đầu năm 2006.

H.Nam
Tổng hợp TheVerge, WSJ