Jeff Bezos đã đưa Amazon từ cửa hàng sách thành đế chế công nghệ thế nào?
(Dân trí) - Dưới sự dẫn dắt của nhà sáng lập Jeff Bezos, Amazon đã chuyển mình từ một cửa hàng sách trực tuyến trở thành một "ông trùm" công nghệ được định giá hơn 1,68 nghìn tỷ USD.
Jeff Bezos đã thành lập Amazon vào năm 1994 và đích thân ngồi vào vị trí CEO để lãnh đạo công ty từ thời điểm đó cho đến nay. Sau hơn 26 năm làm người trực tiếp dẫn dắt Amazon, Jeff Bezos sẽ chính thức rời khỏi ghế CEO của công ty vào quý III năm nay, nhường lại "ghế nóng" cho Andy Jassy, hiện đứng đầu bộ phận dịch vụ web của Amazon.
Dưới sự dẫn dắt của Jeff Bezos, Amazon đã chuyển mình từ một cửa hàng sách trực tuyến trở thành một tập đoàn khổng lồ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, điện toán đám mây, sản xuất phim…
Vậy Jeff Bezos đã thực hiện điều đó như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Sự khởi đầu
Năm 1994, khi đang nắm giữ chức vụ phó chủ tịch quỹ bảo hiểm rủi ro tại công ty quản lý quỹ đầu từ D. E. Shaw & Co., chàng trai 30 tuổi Jeff Bezos đã nộp đơn xin thôi việc để thành lập một cửa hàng bán sách trên Internet, mang tên gọi Amazon.
Công ty chính thức hoạt động vào tháng 7 năm 1995, cuốn sách đầu tiên được bán là "Fluid Concepts and Creative Analogies: Computer Models of the Fundamental Mechanisms of Thought". Trong vòng hai tháng, công ty đã bán sách ở tất cả 50 tiểu bang, nhưng vẫn chỉ là một cái tên vô danh trong ngành công nghiệp xuất bảng vào thời điểm đó.
Vào tháng 7 năm 1996, Amazon giới thiệu chương trình liên kết của mình. Chương trình này sẽ thưởng cho các trang web khác khi môi giới việc bán sách cho Amazon. Chương trình này vẫn còn tiếp tục đến ngày nay và là một phần quan trọng trong hồ sơ thương mại điện tử của công ty.
Vào ngày 15 tháng 5 năm 1997, Amazon lần đầu tiên phát hành cổ phiếu ra công chúng, giao dịch dưới mã AMZN với giá 18USD/cổ phiếu. (Tại thời điểm hiện tại, cổ phiếu của Amazon đang được giao dịch với giá 3.328USD/cổ phiếu.)
Mặc dù doanh thu vào thời điểm đó đã tăng mạnh so với thời điểm mới ra mắt, nhưng Amazon vẫn đang thua lỗ. Jeff Bezos đã trấn an các nhà đầu tư rằng công ty đang tập trung vào các khoản đầu tư dài hạn chứ không chỉ mỗi lợi nhuận ngắn hạn. Lời trấn an của Jeff Bezos đã làm các nhà đầu tư và cổ đông an tâm để tiếp tục gắn bó với Amazon.
Năm 1998, Amazon mua lại IMDB, trang web chứa cơ sở dữ liệu phim lớn nhất trên Internet với giá khoảng 55 triệu USD. Đây là thương vụ thâu tóm lớn đầu tiên của Amazon. Sau thương vụ này, Amazon cũng đã bắt đầu mở rộng mặt hàng kinh doanh, khi bán thêm cả đĩa CD và DVD, thay vì chỉ bán sách. Công ty đã tiếp tục bổ sung thêm các danh mục sản phẩm mới trong những tháng và năm tiếp đó.
Năm 2000, Amazon mở Amazon Marketplace, nơi cho phép những người khác bán sản phẩm của họ thông qua Amazon. Mọi người có thể bán sách cũ, DVD và các sản phẩm khác cùng với các trang bán hàng chính của Amazon, mở đầu cho nền tảng thương mại điện tử của Amazon.
Năm 2003, lần đầu tiên trong lịch sử Amazon đạt mức lợi nhuận 75 triệu USD trong một năm
Thời kỳ đỉnh cao
Vào năm 2005, Amazon Prime được giới thiệu, cung cấp cho khách hàng dịch vụ giao hàng miễn phí trong vòng hai ngày trong nội địa Mỹ, với giá sử dụng dịch vụ 79 USD/năm. Đây là bước đột phá đầu tiên của Amazon trong việc đăng ký dịch vụ và đã trở thành một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất của công ty.
Các gói đăng ký Prime đã củng cố vị trí của Amazon trên thị trường bán lẻ và thương mại điện tử. Với thời gian giao hàng hai ngày, việc đặt mua sản phẩm hoặc sách từ Amazon trở nên thuận tiện hơn cả việc đi đến cửa hàng hay siêu thị để mua sắm.
Năm 2006, Amazon ra mắt một trong những sản phẩm quan trọng của mình: dịch vụ điện toán đám mây, sau này được biết đến với tên gọi Amazon Web Services, hay AWS. AWS là một sản phẩm thương mại cung cấp nền tảng xương sống cho các công ty điều hành các hoạt động kinh doanh internet của họ từ đám mây. Sự ra mắt của AWS đã giúp Amazon đi trước nhiều năm so với các đối thủ cạnh tranh trên lĩnh vực điện toán đám mây, như Microsoft Azure (ra mắt lần đầu tiên vào năm 2010) hay Google Cloud (ra mắt vào năm 2008).
Tháng 9 năm 2007, Amazon lần đầu tiên bước chân vào lĩnh vực nhạc kỹ thuật số với Amazon MP3, một cửa hàng nhạc trực tuyến.
Vào tháng 11 năm 2007, sản phẩm phần cứng quan trọng đầu tiên của Amazon được bán ra: máy đọc sách điện tử Amazon Kindle. Sự ra mắt của máy đọc sách Kindle, kết hợp với cửa hàng Kindle Store của Amazon để bán sách điện tử, với một mức giá chiết khấu đáng kể so với mua sách giấy thông thường, đã giúp máy đọc sách Kindle trở nên phổ biến và được yêu thích tại Mỹ.
Amazon từ một công ty bán sách trực tuyến trở thành một công ty bán sách điện tử.
Vào tháng 7 năm 2009, Amazon mua Zappos với giá 928 triệu USD. Vào tháng 6 năm 2010, Amazon đã mua Woot với giá 110 triệu USD. Hai thương vụ mua lại đã mở rộng hơn nữa quyền kiểm soát của Amazon đối với thị trường thương mại điện tử.
Vào tháng 2 năm 2011, Amazon đã mở rộng dịch vụ video kỹ thuật số của mình thành Amazon Prime Instant Video, thiết lập chỗ đứng đầu tiên của Amazon trên trị trường video theo yêu cầu. Ngoài việc mua phim và các chương trình truyền hình, các thành viên của Amazon Prime có thể xem nội dung từ thư viện hơn 5000 chương trình và phim được dịch vụ này cung cấp.
Vào tháng 3 năm 2011, Amazon đã công bố kho ứng dụng Amazon Appstore dành cho nền tảng Android. Trong khi cửa hàng Google Play vẫn là kho ứng dụng chính của Android, Amazon Appstore đã cung cấp cho các nhà phát triển một địa điểm mới để bán các ứng dụng cho thiết bị di động. Cuối năm đó, công ty đã ra mắt máy tính bảng Android đầu tiên: Kindle Fire Tablet với giá 199USD, sản phẩm đầu tiên trong loạt máy tính bảng Android giá rẻ của Amazon.
Vào tháng 4 năm 2012, một báo cáo từ DeepField Networks kết luận rằng 1% lưu lượng truy cập internet của người tiêu dùng thông qua các máy AWS do Amazon cung cấp, với 1/3 lượng người dùng internet sử dụng máy chủ Amazon ít nhất một lần mỗi ngày. Các công ty đáng chú ý dựa vào máy chủ của Amazon cho đến thời điểm này bao gồm Netflix, Dropbox, Instagram, Pinterest và Zynga. Điều này cho thấy mức độ quan trọng của Amazon và không quá khi nói rằng Amazon chính là "xương sống" của mạng Internet trên toàn cầu.
Vào ngày 1 tháng 12 năm 2013, Bezos chính thức công bố Amazon Prime Air. Đây là một dự án vô cùng tham vọng của Amazon, khi hãng sex sử dụng các thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ để giao hàng tới tận cửa nhà khách hàng trong vòng chưa đầy nửa giờ. Tuy nhiên, hiện dự án này vẫn đang được thử nghiệm và chưa được áp dụng chính thức. Đây được xem là một trong những sản phẩm chưa hoàn thiện đáng tiếc nhất trong nhiệm kỳ lãnh đạo của Jeff Bezos.
Giai đoạn từ năm 2005 đến 2013 được xem là thời kỳ đỉnh cao của Amazon, khi nhiều sản phẩm, dịch vụ quan trọng được ra mắt để giúp Amazon "cất cánh" để đạt được những thành công sau này.
(Còn tiếp)