Huawei muốn các hãng di động "cài đè" Harmony OS lên Android

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Dù liên tiếp bị đưa vào thế khó, song các lãnh đạo Huawei khá tự tin về dịch vụ Huawei Mobile Services (HMS), cũng như hệ điều hành Harmony OS - dự kiến sẽ góp mặt trên smartphone từ năm 2021.

Tại sự kiện Huawei Connect ngày 23/9 ở Thượng Hải, ông Guo Ping - Chủ tịch luân phiên của Huawei khẳng định: "Công ty đang đổi mới sáng tạo trong những lĩnh vực quan trọng để đối phó với lệnh cấm từ chính phủ Mỹ". Trong đó, lĩnh vực smartphone dù đang gặp nhiều khó khăn, nhưng sẽ không bị Huawei "bỏ rơi" trong thời gian sắp tới.

Ông nhấn mạnh: "Quyết tâm của Huawei còn cao hơn, hệ sinh thái của Huawei có tính mở và các dịch vụ số mà chúng tôi đưa ra là để đáp ứng người dùng trên toàn cầu. Huawei hiện có 700 triệu người dùng trên toàn thế giới, và công ty sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ sáng tạo cho tập người dùng này".

"Trong thời gian tới, Huawei sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ thông minh khác để phát triển nền tảng di động. Các nhà phát triển sẽ không phải chuyển đổi giữa các nền tảng phát triển khác nhau, không phải sử dụng các ngôn ngữ lập trình khác nhau, và đó là tiềm năng để chúng tôi hợp tác với các nhà phát triển", ông cho biết.

Huawei muốn các hãng di động cài đè Harmony OS lên Android - 1

Guo Ping, Chủ tịch luân phiên của Huawei, phát biểu tại sự kiện Huawei Connect

Trước đó, báo cáo từ Huawei cho biết, dịch vụ Huawei Mobile Services (HMS) hiện đã có 1,8 triệu nhà phát triển trên toàn cầu, với 96.000 ứng dụng. Mặc dù vậy, theo một thống kê từ EvansData vào năm 2016, đã có khoảng 5.9 triệu nhà phát triển Android và 2.8 triệu nhà phát triển iOS.

Con số thống kê này cho thấy lượng nhà phát triển của HMS vẫn còn rất hạn chế khi so với Android và iOS, khiến Huawei khó lòng cạnh tranh với các nền tảng số 1 hiện nay. Đó là chưa kể độ phủ rộng lớn mà Android và iOS đã mang lại trong suốt hàng thập kỷ qua.

Tuy nhiên, Huawei có nhiều thế mạnh hơn so với những nền tảng trong quá khứ khi từng đối đầu iOS và Android. Điều quan trọng là hãng đã sở hữu một hệ sinh thái và tập người dùng đáng kể tại Trung Quốc. Mặt khác, hãng cũng có thể "viện trợ" từ các thương hiệu trong nước nhằm giúp mở rộng thêm độ phủ của hệ điều hành Hongmeng OS.

Trước đó, trong bài phát biểu của mình, ông Zhang Ping An, Chủ tịch khối Dịch vụ đám mây cá nhân của Huawei khá tự tin về dịch vụ Huawei Mobile Services (HMS) trên smartphone.

Ông Zhang tiết lộ, Huawei đang thương thảo với nhiều hãng smartphone Trung Quốc khác để cài đặt Harmony OS trên điện thoại của họ để thay thế Android. Ông cũng cho biết lượng người sử dụng AppGallery hàng tháng, cũng như kho ứng dụng của Huawei là khoảng 490 triệu người.

Huawei muốn các hãng di động cài đè Harmony OS lên Android - 2

HarmonyOS dự kiến sẽ có mặt trên các mẫu smartphone vào đầu năm tới.

Mặc cho những cấm vận bủa vây, kết thúc quý 2 năm nay, Huawei đã vượt qua Samsung trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng thành tích này sẽ khó lòng kéo dài, trong bối cảnh nguồn cung của Huawei từ phần cứng đến phần mềm đều lần lượt bị gián đoạn sau những cấm vận từ Mỹ.

Trong bài phát biểu của mình, ông Guo Ping cho biết Huawei vẫn đang có số lượng chipset đủ để hỗ trợ hoạt động kinh doanh, nhưng lô hàng cuối cùng mà Huawei nhận được đã chấm dứt vào giữa tháng 9. Ông cũng không phủ nhận Huawei đang rơi vào tình thế "rất khó khăn", và buộc phải "đặt mục tiêu để sinh tồn".

Tuy nhiên, cơ hội mở ra với Huawei khi Mỹ đã cấp giấy phép đặc biệt cho Intel, đảm bảo công ty này được tiếp tục giao thương với Huawei vào ngày 23/9 vừa qua.

Đây là lần đầu tiên chính quyền Trump cho thấy những tín hiệu tích cực trong việc nới lỏng lệnh cấm cho Huawei. Trước đó, từ đầu tháng 8, Qualcomm cũng cho biết đã nộp đơn xin cấp phép được tiếp tục kinh doanh với Huawei.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm