Hiểm họa khôn lường khi để trẻ em xem Youtube một mình
(Dân trí) - Xem các đoạn clip với nội dung hài hước, đầy màu sắc trên Youtube là sở thích của không ít trẻ em và nhiều bậc phụ huynh cũng đã lựa chọn điều này như một cách thức để giải trí cho con em của mình. Tuy nhiên, trẻ em sẽ phải đối mặt với rất nhiều hiểm họa nếu bạn thường xuyên để trẻ tự khám phá và xem những đoạn video trên Youtube.
Nhiều người thường có thói quen cho trẻ em xem video trên Youtube như một cách để trẻ ngồi yên và chịu nghe lời. Đôi khi bạn giao cả chiếc smartphone hay máy tính bảng cho trẻ em để chúng tùy ý lựa chọn những đoạn video trên Youtube để coi theo ý muốn, tuy nhiên điều này đang khiến cho trẻ em phải đối mặt với nhiều nguy cơ và hiểm họa mà người lớn không hề hay biết.
Nội dung bạo lực, đồi trụy tràn ngập trên Youtube
Youtube có những chính sách nghiêm ngặt về các nội dung video được chia sẻ trên trang web này, tuy nhiên trên thực tế nhiều người dùng đã tìm cách “lách luật” để đăng tải lên Youtube những video có nội dung bạo lực, máu me hay khiêu dâm... và hoàn toàn không phù hợp với trẻ em, tuy nhiên chúng lại rất dễ tiếp cận và trẻ em có thể dễ dàng tìm thấy những video này trên Youtube và coi chúng mà phụ huynh không hề hay biết.
Để kiểm chứng điều này, người dùng chỉ cần gõ một vài từ khóa “18+” lên trang Youtube, danh sách tìm kiếm sẽ hiển thị hàng loạt kết quả có liên quan. Đa số những video này đều sử dụng hình ảnh đại diện đúng tiêu chuẩn với quy định của Youtube, khiến nhiều người tưởng nhầm rằng đó là những video bình thường và qua mắt được hệ thống quét tự động của Youtube, tuy nhiên nội dung bên trong đó lại liên quan đến các vấn đề “người lớn” mà chỉ khi xem trực tiếp nội dung mới có thể phát hiện ra được.
Điều đáng nói là những video này đôi khi hiển thị trên danh sách những video gợi ý của Youtube, thay vì phải tìm kiếm trực tiếp mới được hiện ra. Điều này đồng nghĩa với việc khi trẻ em xem video trên Youtube hoàn toàn có thể chọn và xem những video với nội dung bạo lực, đồi trụy này mà không hề hay biết và dĩ nhiên hậu quả sau khi chúng xem những đoạn nội dung không phù hợp có trong các đoạn video này là rất nghiêm trọng.
Video có nội dung “người lớn” đội lốt video dành cho trẻ em dày đặc trên Youtube
Nếu những đoạn video với nội dung khiêu dâm và bạo lực kể trên được chia sẻ lên Youtube và nhằm vào mọi đối tượng người dùng, thì thậm chí có những đoạn video với nội dung “người lớn” và bạo lực lại đội lốt video dành cho trẻ em và nhắm trực tiếp đến đối tượng người xem là trẻ em.
Cụ thể, lợi dụng tâm lý yêu thích những đoạn clip nhiều màu sắc và đặc biệt các nhân vật hoạt hình, siêu anh hùng... nhiều nhóm làm phim đã thực hiện những đoạn clip về các nhân vật hoạt hình, siêu anh hùng như công chúa Elsa (trong phim hoạt hình nổi tiếng “Nữ hoàng băng giá”), công chúa Bạch Tuyết, người Nhện (Spiderman) hay Joker (nhân vật phản diện trong phim Batman)... ngoài đời thực, trong đó các diễn viên được hóa trang và mặc những bộ trang phục giống như các siêu anh hùng, sau đó các diễn viên này diễn lại những hành động ngoài đời thường.
Một hình ảnh nhạy cảm thường thấy trong những clip “đội lốt” dành cho trẻ em
Nhìn chung những đoạn clip này thường có nội dung chắp vá, nghèo nàn và không có lời thoại, tuy nhiên việc các diễn viên mặc những bộ trang phục đầy màu sắc, bắt mắt và đặc biệt là giống với các nhân vật hoạt hình, siêu anh hùng, kết hợp với nhạc nền và hình ảnh đại diện hấp dẫn khiến nhiều đứa trẻ không thể bỏ qua và nhấn vào xem ngay khi nhìn thấy hiển thị trên Youtube.
Điều đáng nói, không chỉ nghèo nàn về nội dung mà những đoạn clip này còn có những chi tiết “người lớn” và thô tục hoàn toàn không phù hợp với trẻ em, chẳng hạn hình ảnh công chúa Elsa xuất hiện trong những bộ bikini “thiếu vải” hay hành động mơn trớn giữa Người Nhện và công chúa Bạch Tuyết...
Xu hướng làm những clip người đóng về các nhân vật hoạt hình kết hợp với các siêu anh hùng đã xuất hiện cách đây hơn một năm trên thế giới và thường thu hút rất nhiều lượt xem trên Youtube. Xu thế này sau đó cũng đã du nhập vào Việt Nam và nhiều nhóm làm phim tại Việt Nam cũng đã sử dụng nguyên mô-típ này cho các đoạn clip của mình, trong đó các diễn viên cũng ăn mặc, hóa trang thành các nhân vật hoạt hình và siêu anh hùng... Tuy nhiên, điều đáng nói là thay vì đơn thuần chỉ diễn lại những hành động bình thường trong cuộc sống như các nhóm làm phim tại nước ngoài, các clip tại Việt Nam đã “biến tướng” hơn khi chèn vào đó những hành động “người lớn”, thô tục và khó chấp nhận được.
Việc nhắm đến đối tượng trẻ em giúp cho những clip này có lượng xem rất lớn, bởi lẽ trẻ em thường dành nhiều thời gian để xem video trên Youtube có thói quen xem lui xem lại một đoạn clip... điều này sẽ giúp tăng lượng xem của các đoạn clip. Việc lượng xem lớn sẽ mang lại một khoản lợi nhuận không hề nhỏ cho các nhóm làm phim thông qua quảng cáo trên Youtube.
Có vẻ như chính nguồn lợi nhuận này đã khiến các nhóm làm phim gạt bỏ tất cả chỉ để có được lượt xem lớn về Youtube nhằm tăng thêm nguồn thu nhập, tuy nhiên vô tình những nội dung nhạy cảm và thô tục này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và quá trình phát triển của trẻ em.
Tràn ngập những video với thử thách nguy hiểm trên Youtube
Nhắc đến những mối nguy hại đối với trẻ em trên Youtube, không thể không nhắc đến video về những trào lưu và thử thách nguy hiểm được đăng tải tràn lan trên Youtube, trong đó phần lớn là những video được thực hiện bởi nhiều người trẻ Việt Nam.
Cùng với trào lưu làm video trên thế giới, trào lưu tự quay các đoạn video cũng trở nên nở rộ tại Việt Nam, đặc biệt khi Youtube, trang web chia sẻ video lớn nhất thế giới, trả tiền cho các nhà làm video thông qua các quảng cáo hiển thị trên video chia sẻ lên Youtube, càng khuyến khích nhiều người trẻ tại Việt Nam tự thực hiện các đoạn video để chia sẻ lên Youtube nhằm kiếm thêm thu nhập.
Rất nhiều video của các bạn trẻ Việt thực hiện các “thử thách” từ mạo hiểm đến điên rồ để quay video đưa lên Youtube
Trước thực tế này, hiện có rất nhiều bạn trẻ thực hiện những đoạn video với nội dung nhảm nhí, thậm chí là điên rồ và nguy hiểm để đăng tải lên Youtube, với mục đích duy nhất là khơi gợi trí tò mò của người xem và thu hút càng nhiều lượt xem càng tốt, từ đó kiếm thêm được thu nhập từ Youtube.
Nở rộ trong số đó là những video “thử thách” để thực hiện những “thử thách” để kiểm tra sức chịu đựng của con người, tuy nhiên trên thực tế đây lại là những “thử thách” điên rồ và vô nghĩa. Bạn chỉ việc truy cập vào Youtube và tìm kiếm với từ khóa “Thử thách” sẽ xuất hiện ngàn video như vậy.
Chẳng hạn với video “Thử thách 24h làm heo”, một bạn trẻ đã... chui vào sống trong chuồng heo 24h, thực hiện những hành động, cách sống của một chú heo trong thời gian 24 giờ, rồi quay lại video và đăng tải lên Youtube đã thu hút hơn 16 ngàn lượt xem. Tương tự là “thử thách 24h làm chó”, một bạn trẻ sẽ sống trong hình ảnh... một chú chó trong vòng 24h rồi quay video và đăng tải lên Youtube cũng đã thu hút hơn 146 ngàn lượt xem. Nguy hiểm hơn là những video thực hiện các “thử thách” có phần mạo hiểm hơn như video “Thử thách 24h sống trong quan tài”, video “Thử thách 24h sống trong nhà dưới đất”, video “Thử thách bơi trên sông bằng túi nilon” hay thậm chí là “Thử thách uống dung dịch vệ sinh phụ nữ” ... được các bạn trẻ thực hiện, quay video rồi chia sẻ lên Youtube cũng đã thu hút rất đông lượt xem bất chấp việc có thể gây nguy hiểm cho bản thân khi thực hiện các đoạn video này.
Những điều này cho thấy là dù những đoạn clip có nội dung nhảm nhí và lố bịch đến bao nhiêu thì vẫn đánh trúng tâm lý tò mò của người xem, đặc biệt với những người trẻ tuổi, do vậy vẫn thu hút rất đông lượt người xem trên Youtube, điều này vẫn mang lại những khoản thu nhập lớn cho người thực hiện các đoạn video đó trên Youtube, từ đó càng khuyến khích họ thực hiện thêm những video với nội dung tương tự, không cần quan tâm đến nội dung như thế nào, có bổ ích hay không mà chỉ cần có nhiều người xem vậy là đủ. Điều quan trọng hơn là những video này đã và đang được xem bởi hàng ngàn người dùng Youtube, trong đó có những đứa trẻ hoặc học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường và có điều gì chắc chắn khi những bạn trẻ này sẽ không thực hiện theo những “thử thách” này và gây ra những hậu quả đáng tiếc?
Youtube Kids - Phiên bản Youtube dành cho trẻ em, cũng không an toàn cho trẻ
Youtube Kids là ứng dụng dành riêng cho trẻ em được chính Google phát triển, chạy trên cả nền tảng Android lẫn iOS. Đây được xem là “biến thể” của ứng dụng xem video Youtube dành riêng cho trẻ em, sẽ tự động lọc và loại bỏ các video có nội dung người lớn hoặc nhạy cảm và chỉ cho phép xem những video clip có nội dung dành cho trẻ em trên Youtube.
Có thể nói Youtube Kids là giải pháp để giúp trẻ em có thể tiếp cận Youtube một cách an toàn hơn. Tuy nhiên trên thực tế, Yotube Kids lại không thực sự vô hại và an toàn cho trẻ như những gì mà Google đã quảng cáo.
Trước đây Youtube Kids đã không ít lần bị các tổ chức bảo vệ trẻ em chỉ trích vì đã cố ý theo dõi thói quen xem video của trẻ trên ứng dụng này để bán quảng cáo. Mới đây, Youtube Kids còn khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng vì đã bị các video bạo lực “qua mặt”.
Video “nhái” chú heo Peppa nổi tiếng, với nội dung bạo lực và máu me, xuất hiện trên Youtube Kids
Cụ thể một người phụ nữ tại Mỹ đã rất sốc sau khi phát hiện thấy một video với nội dung hướng dẫn cách tự sát sao cho hiệu quả nhất xuất hiện trên Youtube Kids. Điều đáng nói là chi tiết này chỉ xuất hiện ở giữa một đoạn phim hoạt hình tưởng chừng như rất bình thường trên Youtube Kids, khiến cho các bậc phụ huynh cũng không thể nhận ra được nếu không cùng ngồi xem video với trẻ.
Không dừng lại ở đó, mới đây hàng loạt video bạo lực, máu me và thậm chí có nội dung... giết người đã được ngụy trang dưới những đoạn phim hoạt hình về chú heo Peppa nổi tiếng. Những video này có tiêu đề, ảnh đại diện, nội dung và các nhân vật giống hệt phim hoạt hình Peppa nên có thể qua mặt được bộ lọc của Youtube Kids cũng như các bậc phụ huynh. Dù vậy, trong các video “nhái” này lại chứa các nội dung máu me, bạo lực có thể gây ám ảnh cho những đứa trẻ khi xem.
Điều đáng nói là hiện tại rất nhiều phụ huynh tin tưởng vào Youtube Kids vì cho rằng đây là phiên bản an toàn dành cho trẻ em nên để mặc những đứa trẻ tự khám phá nội dung video có trong đó, nên trẻ em hoàn toàn có thể mắc phải những “cái bẫy” được giăng ra mà ngay cả phụ huynh cũng không hề hay biết.
Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con trước những mối nguy hại trên Youtube?
Youtube có một chính sách rất nghiêm ngặt về các nội dung video đăng tải lên trang web của mình và bản thân Youtube cũng thường xuyên “càn quét” và xóa đi các đoạn video có nội dung vi phạm chính sách của trang web hoặc khi các video bị người dùng báo cáo là chứa nội dung vi phạm, tuy nhiên thông thường Youtube sẽ phải mất một khoảng thời gian mới có thể xóa đi toàn bộ các đoạn video này, do vậy trước đó trẻ em vẫn hoàn toàn có thể tiếp cận và xem được các video chứa nội dung không phù hợp trước khi chúng bị xóa khỏi Youtube.
Cần nhờ rằng bộ lọc nội dung trên Youtube cũng chỉ được hoạt động như một cái máy và không một hệ thống máy móc nào hoạt động hoàn hảo và vẫn ẩn chứa những lỗ hổng để bị vượt qua, do đó sự xuất hiện của những video với nội dung vi phạm chính sách của Youtube là điều không thể tránh khỏi.
Hơn ai hết, chính cha mẹ mới là những người cần phải giám sát các hoạt động của con trên Youtune nói riêng và trên mạng xã hội nói chung, bởi lẽ không chỉ Youtube mà các nội dung nguy hại, không phù hợp với trẻ đang được chia sẻ tràn lan trên các trang mạng xã hội ngày nay. Phụ huynh cần biết được trẻ đã tiếp xúc với những nội dung nào trên Internet để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Quan trọng nhất vẫn chính là việc phụ huynh dành nhiều thời gian hơn cho con em của mình để giúp trẻ có thể khám phá cuộc sống thông qua thế giới và trải nghiệm thực tế, hơn là nhìn ngắm thế giới thông qua màn hình smartphone hay TV.
Phạm Thế Quang Huy