Hai tuyến cáp quang biển nối Việt Nam đi quốc tế đang gặp sự cố

T.Thủy

(Dân trí) - Trong khi tuyến cáp quang APG liên tục gặp sự cố từ cuối năm ngoái đến nay vẫn chưa khắc phục xong, đến lượt một tuyến cáp quang biển khác nối Việt Nam đi quốc tế là AAE-1 gặp sự cố.

Theo thông tin từ một nhà cung cấp dịch vụ mạng internet (ISP) tại Việt Nam, đơn vị quản lý và vận hành tuyến cáp quang biển AAE-1 (châu Á - châu Phi - châu Âu) đã phát hiện một sự cố mới xuất hiện trên nhánh cáp theo hướng kết nối từ Việt Nam đi Singapore. Sự cố đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dung lượng của tuyến cáp quang này.

Đơn vị vận hành tuyến cáp AAE-1 chưa công bố nguyên nhân gây ra sự cố, cũng như chưa rõ về thời điểm sự cố được sửa chữa, khắc phục.

Sơ đồ của tuyến cáp quang biển AAE-1 (Asia - Africa - Europe).

Sơ đồ của tuyến cáp quang biển AAE-1 (Asia - Africa - Europe).

Sự cố trên tuyến cáp quang AAE-1 xảy ra vào thời điểm một tuyến cáp quang biển nối internet từ Việt Nam đi quốc tế khác là APG (Châu Á - Thái Bình Dương) đang gặp sự cố từ cuối tháng 8 và dự kiến phải đến ngày 30/9 này mới được khắc phục xong.

Đáng chú ý, sự cố của tuyến cáp quang APG cũng xuất hiện trên nhánh cáp nối từ Việt Nam đi Singapore, chung hướng với sự cố vừa xuất hiện trên tuyến cáp AAE-1.

Như vậy, có 2/5 tuyến cáp quang biển nối Việt Nam đi quốc tế đang gặp sự cố, điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến lưu lượng kết nối internet tại Việt Nam, đặc biệt khi truy cập đến các trang web, dịch vụ và máy chủ đặt tại nước ngoài.

AAE-1 là tuyến cáp quang biển trị giá 820 triệu USD, với sự tham gia đầu tư của 19 đối tác trên thế giới, bao gồm cả những nhà mạng của Việt Nam. Tuyến cáp quang biển này được đưa vào khai thác từ tháng 7/2017.

Tuyến cáp quang AAE-1 có chiều dài 23.000km, nối từ châu Á sang châu Âu và châu Phi. AAE-1 có nhiều điểm rẽ nhánh và cập bờ tại Hồng Kông (Trung Quốc), Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Myanmar, Pakistan, Ấn Độ, Oman, UAE, Qatar, Yemen, Ả Rập Xê-út, Djibouti, Ai Cập, Hy Lạp, Ý và Pháp.

Trên thực tế, việc các tuyến cáp quang biển từ Việt Nam đi quốc tế gặp sự cố đã trở nên rất quen thuộc trong thời gian qua và hầu như năm nào cũng gặp vài lần, gây không ít khó khăn và bất tiện cho người dùng internet trong nước.

Cuối tháng 2/2023, toàn bộ 5/5 tuyến cáp quang biển nối Việt Nam đi quốc tế đồng loạt gặp sự cố,  điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dịch vụ mạng internet tại Việt Nam.

Nguyên nhân dẫn đến sự cố cáp quang biển khá đa dạng, nhưng chủ yếu do sợi cáp nằm ở vị trí có nhiều tàu bè thả neo đậu hoặc tàu thuyền khi di chuyển quên kéo neo lên. Hậu quả là những chiếc neo này đã vô tình mắc vào sợi cáp quang làm đứt.

Đôi khi sự cố cáp quang liên quan đến nguồn điện hoặc đơn vị vận hành thực hiện bảo trì… cũng sẽ làm ảnh hưởng đến lưu lượng truyền tải của cáp quang. Tuy nhiên, những sự cố dạng này sẽ khắc phục được nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Các nhà mạng tại Việt Nam đang tìm những giải pháp chuyển hướng khai thác các tuyến cáp quang trên đất liền để không ảnh hưởng bởi các sự cố đứt cáp quang biển. Tuy nhiên, trên thực tế hiện lưu lượng internet từ Việt Nam đi quốc tế vẫn chủ yếu phụ thuộc vào các tuyến cáp quang biển.

Hiện có 5 tuyến cáp quang biển kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế, bao gồm AAG (châu Á - Mỹ); APG (Châu Á Thái Bình Dương); SMW-3 (Đông Nam Á - Trung Đông - Tây Âu); IA (Liên Á) và AAE-1 (châu Á - châu Phi - châu Âu).

Ngoài ra, còn một tuyến cáp quang với quy mô nhỏ hơn, đó là TVH, có chiều dài chỉ 3.367km, nối Thái Lan, Việt Nam và Hồng Kông (Trung Quốc).