1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Hacker Nga "phản công", đánh sập trang web của Anonymous

T.Thủy

(Dân trí) - Sau khi nhóm hacker Anonymous "tuyên chiến" và tấn công nhiều trang web lớn nhỏ, các tin tặc của Nga đã bắt đầu "phản công".

Ngày 25/2 vừa qua, nhóm hacker khét tiếng Anonymous đã đưa ra lời "tuyên chiến" với Nga để phản đối các chiến dịch quân sự mà quân đội quốc gia này tiến hành trên lãnh thổ Ukraine.

Nhóm hacker này sau đó đã tấn công vào trang web của Đài truyền hình quốc gia RT, cùng hàng loạt trang web lớn của Nga như hãng tin TASS, tờ báo Kommersant, Izvestia… Một số trang web lớn, nhỏ của Nga cũng bị nhóm hacker Anonymous tấn công, thay đổi giao diện và đăng tải các thông điệp kêu gọi Tổng thống Nga Putin dừng các chiến dịch quân sự tại Ukraine và kéo quân đội về nước.

Tính đến thời điểm hiện tại, một số trang web lớn của Nga vẫn rơi vào tình trạng chập chờn và khó truy cập vì đang phải hứng chịu các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (Distributed Denial of Service - DDoS) từ nhóm hacker Anonymous.

Nhóm hacker Nga bắt đầu

Nhóm hacker Nga bắt đầu "phản công" sau nhiều ngày bị tấn công mạng (Ảnh minh họa: Hacker News).

Sau nhiều ngày bị nhóm hacker Anonymous tấn công, mới đây, các tin tặc đến từ Nga đã bắt đầu "phản công". Theo trang web The Cyber Shafarat, một nhóm tin tặc có tên Killnet, được cho là đến từ Nga, đã tuyên bố đánh sập một trong những trang web chính thức của Anonymous, đồng thời chiếm quyền điều khiển nhiều tài khoản mạng xã hội của nhóm hacker này.

Nhóm Killnet cũng kêu gọi người dân tại Nga tin tưởng vào các hành động của Chính phủ, tránh nghe theo những tin đồn, thông tin không đúng được chia sẻ trên mạng xã hội.

"Xin gửi lời chào tới các bạn, những người dân Nga, đến từ một đất nước của sự đoàn kết hữu nghị. Internet tràn ngập các thông tin giả mạo về các vụ hack ngân hàng Nga, tấn công vào máy chủ của các hãng truyền thông… Tất cả điều này không gây nguy hiểm cho con người. "Quả bom thông tin" này chỉ là văn bản và không hề gây hại. Đừng tin vào các thông tin giả mạo trên Internet. Đừng nghi ngờ đất nước của bạn", nhóm tin tặc Killnet tuyên bố. "Cuộc xung đột này sẽ sớm kết thúc và chúng ta sẽ tìm thấy hòa bình. Đừng sợ, công dân của Nga, không ai và không gì có thể đe dọa được bạn".

Killnet cũng không quên mỉa mai Anonymous sau khi đánh sập một trong những trang web của nhóm hacker này: "Về phần nhóm tin tặc Anonymous, hãy chăm sóc và khôi phục trang web của các người, trông nó rất đáng thương trong bối cảnh các người đang đe dọa đất nước chúng tôi".

Hiện nhóm Anonymous chưa đưa ra bình luận gì về tuyên bố của Killnet.

Cuộc chiến trên không gian mạng giữa các nhóm tin tặc ủng hộ Nga và Ukraine hứa hẹn sẽ còn diễn ra gay cấn trong thời gian tới, không thua kém gì những cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra.

Anonymous được xem là nhóm hacker nguy hiểm và có quy mô hoạt động lớn nhất thế giới hiện nay. Nhóm hacker này thường kêu gọi cộng đồng hacker trên toàn cầu cùng tham gia thực hiện những chiến dịch tấn công nhằm vào những mục tiêu nhất định mà theo Anonymous là xứng đáng phải chịu sự tấn công. Anonymous hoạt động theo mô hình ngang hàng, nghĩa là không có thủ lĩnh thực thụ nên rất khó có thể lần ra những người cầm đầu và hạ gục nhóm hacker này.

Anonymous là nhóm hacker nổi tiếng với những vụ tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào trang web của các cơ quan chính phủ, các tổ chức hay tập đoàn lớn trên toàn cầu, từng là "nỗi khiếp sợ" của các hãng bảo mật lớn. "Nạn nhân" của nhóm hacker này có thể kể đến các cơ quan chính phủ tại Mỹ, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ.... hay các công ty lớn như PayPal, MasterCard,Vista, Sony...

Mặc dù là nhóm tội phạm mạng nổi tiếng, tuy nhiên Anonymous vẫn có những hành động được xem là "nghĩa hiệp", như thực hiện vụ tấn công nhằm vào tài khoản Twitter của Đảng Ku Klux Klan (3K), hội kín nổi tiếng với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hay tuyên chiến và tấn công vào tài khoản mạng xã hội của các thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) để ngăn chặn IS tuyên truyền và lôi kéo các phần tử cực đoan. Anonymous cũng đã đánh sập nhiều trang web được IS sử dụng để tuyên truyền và tuyển thành viên trên toàn cầu.

Theo Cyber Shafarat/Bloomer