1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Google kỷ niệm 30 năm World Wide Web - cái nôi của Internet

(Dân trí) - Sự bùng nổ về số lượng các website giúp người dùng Internet tăng trưởng từ vài triệu của thập niên 90, lên hơn 4,2 tỷ vào cuối năm 2018.

71849C02-90B8-477C-B8F4-5171AD565AA3.jpeg

 

Hôm nay (12/3), Google kỷ niệm 30 năm ra đời của Word Wide Web thông qua tính năng Google Doodle.

World Wide Web, gọi tắt là Web hoặc WWW, hay mạng lưới toàn cầu, là một không gian thông tin toàn cầu mà mọi người có thể truy cập (đọc và viết) thông tin qua các thiết bị kết nối với mạng Internet.

Hệ thống thông tin trên Internet cho phép các tài liệu được kết nối với các tài liệu khác bằng các liên kết siêu văn bản, cho phép người dùng tìm kiếm thông tin bằng cách di chuyển từ tài liệu này sang tài liệu khác. 

Nhờ có sự bùng nổ của World Wide Web, số lượng người dùng Internet ngày một tăng, giúp nhân loại tiếp cận được kho tri thức vô tận chỉ bằng cách sử dụng máy tính hoặc một chiếc điện thoại thông minh.

Cùng nhìn lại những cột mốc đáng nhớ của Internet - thế giới mà nay đã có hơn 4,2 tỷ người luôn thường xuyên sử dụng.

1969: Cha đẻ của Internet

244C7CA9-9FA5-40EA-B787-368A7B865A18.jpeg

 

Tháng 10/1969, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học California, Los Angeles (UCLA) đã thử nghiệm chuyển đổi dữ liệu giữa hai máy vi tính tách rời.

Nhiệm vụ đầu tiên của họ là nhập vào 3 ký tự “LOG”, rồi cố gắng gửi sang thiết bị kia dưới dạng nhị phân, rồi sau đó mới gửi tiếp hai chữ cái I và N để tạo thành chữ “LOGIN” (đăng nhập).

Sau nhiều nỗ lực, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm thành công điều tưởng như vô cùng đơn giản nói trên. Ít ai biết rằng hệ thống này được coi là “cha đẻ của Internet”, phát triển từ 4 máy tính được sử dụng bởi mạng lưới nội bộ trong trường Đại học và quân sự. Dự án có tên là ARPANET, và được tài trợ bởi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. 

Hệ thống mở rộng thành 13 máy tính vào năm 1970, và 213 máy tính vào năm 1981.

1971: Tin nhắn điện tử đầu tiên

2D44ECB2-5A85-45CA-BA15-912F3B79527E.jpeg

 

Năm 1971, nhà nghiên cứu người Mỹ Ray Tomlinson thực hiện thành công email điện tử đầu tiên trên mạng ARPANET. Ông gửi tới từng tài khoản trong mạng lưới thông qua ký tự @ mở đầu - cũng giống như khi chúng ta gửi email ngày nay.

1983: Mạng lưới kết nối

Để chuyển giao dữ liệu giữa 2 máy tính trong cùng mạng lưới, giao thức (protocol) là điều kiện cần, cùng một loạt các giai đoạn được kiểm soát bởi các quy tắc giao tiếp. 

Trong những năm 1979, hai nhà nghiên cứu người Mỹ là Robert Kahn và Vinton Cerf đã phát triển thành công giao thức TCP / IP (Transmission Control Protocol/Internet Protocol), và vẫn được sử dụng cho tới ngày nay. Nó cho phép trao đổi dữ liệu giữa các máy tính trong cùng một mạng nội bộ hoặc khác mạng.

Giao thức được thông qua vào ngày 1/1/1983 trên hệ thống ARPANET, cho phép nó lần đầu tiên chính thức liên kết với các mạng máy tính khác, chủ yếu là tại các trường đại học. Từ những kết nối này, Internet đã được ra đời.

1990: Đón chào sự ra đời của World Wide Web

0DE14DDD-56CB-412E-B22B-434B6FE12661.jpeg

 

12/3/1989, nhà nghiên cứu người Anh Tim Berners-Lee, làm việc tại viện nghiên cứu CERN, đề xuất một hệ thống quản lý thông tin phi tập trung. Hệ thống này đã báo hiệu sự ra đời của World Wide Web. 

Quan điểm của ông là CERN có hàng ngàn nhân viên cùng những người mới đến vào mọi thời điểm trong tháng, khiến việc tìm kiếm thông tin trở nên phức tạp do không được lưu trữ ở cùng một nơi.

Ông đề xuất một hệ thống các liên kết siêu văn bản, với khả năng khi nhấp chuột vào các từ khóa, chúng được dẫn trực tiếp đến một trang web khác với nội dung cụ thể.

Năm 1990, nhà nghiên cứu người Bỉ Robert Cailliau đã hợp tác với Berners-Lee để hiện thực hoá phát minh của mình. Nó dựa trên hai yếu tố chính là ngôn ngữ HTML và giao thức trao đổi siêu văn bản HTTP.

Vào tháng 12, máy chủ WWW đầu tiên đã đi vào hoạt động. Đây được mô tả là một hệ thống nơi các trang web, hình ảnh và video được lưu trữ - hay còn được coi là trang web đầu tiên trên thế giới.

Trang web được công khai vào tháng 4/1993, và bắt đầu lan rộng từ tháng 11 với sự ra mắt của Mosaic, công cụ tìm kiếm đầu tiên chấp nhận hình ảnh. 

Điều này tạo ra cuộc cách mạng hóa website, giúp nó thân thiện hơn với người dùng. 

Sau đó, Mosaic dần được thay thế bằng các ứng dụng như Internet Explorer, Google Chrome và Mozilla Firefox. Nhờ có web, số lượng người dùng Internet đã thực sự bùng nổ, từ vài triệu người vào đầu những năm 1990 đến hơn 400 triệu người vào năm 2000.

Thập niên 2000: Kỷ nguyên di động và mạng xã hội

31FF5076-25BF-4B5A-A84F-8BB01DA496B7.jpeg

 

Những năm đầu của thập niên 2000 đánh dấu bước chuyển đổi mạnh mẽ sang mạng không dây, nơi thiết bị di động và mạng di động đóng vai trò chủ chốt.

Tất cả bắt đầu từ năm 2007, khi Apple ra mắt chiếc iPhone đầu tiên, mở ra một kỷ nguyên mới cùng sự tham gia của không dưới 20 hãng di động tại khắp nơi trên thế giới. 10 năm sau, số người sử dụng mạng di động tăng từ 268 triệu, lên thành 4,2 tỷ người trên khắp thế giới.

Mạng xã hội bắt đầu từ dự án mang tên Facebook, được Mark Zuckerberg trình làng vào năm 2003. Dự án lúc bấy giờ chỉ hoạt động như một mạng nội bộ dành cho các sinh viên trường Đại học Harvard.

Cho tới nay, Facebook đã có hơn 2,3 tỷ người dùng.

Nguyễn Nguyễn