1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam: Sóng Milimeterwave là trọng tâm của 5G

(Dân trí) - Theo Qualcomm, để chuẩn bị cho việc thương mại hóa 5G trong năm nay, trọng tâm của Việt Nam hiện nay là phải đảm bảo xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp.

Các thị trường tiên phong trong tiến trình phát triển 5G như Mỹ và Nhật luôn chú trọng việc tạo ra một hệ sinh thái có thể hỗ trợ và tận dụng tất cả các phổ tần mới hiện hữu trong phổ tần sub-6GHz cũng như băng tần sóng cao là bước sóng milimet (mmWave), dự kiến đây sẽ là hai nền tảng chính giúp cho 5G thể hiện sự vượt trội hơn so với các thế hệ công nghệ di động trước đây.

mmWave là một phần thiết yếu trong tiến trình phát triển 5G

mmWave là một trong ba nhóm băng tần sẽ được sử dụng cho 5G. Cụ thể, mmWave là dải tần số cao (24GHz đến 40GHz), nhằm bổ sung cho các tần số sub-6GHz (sub-6), bao gồm các dải tần trung (1GHz đến 6GHz) và các dải tần thấp (dưới 1GHz) mang lại trải nghiệm 5G hoàn chỉnh.

Trong một thử nghiệm thực hiện vào đầu năm nay, Qualcomm đã chứng minh được rằng 5G trên băng tần mmWave có thể đạt được tốc độ tải xuống kỷ lục là 4,3Gbps. Dữ liệu tốc độ được đo bởi Ookla, công ty hàng đầu thế giới về thử nghiệm và phân tích internet, cũng cho thấy các thiết bị 5G mmWave tích hợp Snapdragon Modem-RF Systems cung cấp tốc độ nhanh như chớp, gấp 4 lần so với tốc độ 5G trong dải tần giữa.

Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam: Sóng Milimeterwave là trọng tâm của 5G - 1
Thử nghiệm của Ookla cho thấy tốc độ và khả năng vượt trội của mmWave 5G

Ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Quốc gia của Qualcomm tại Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết: “Muốn hiện thực hóa 5G cần phải sử dụng cả tần số sub-6 và mmWave. Chúng ta cần mmWave vì đó là yếu tố không thể thiếu để giúp 5G thay đổi hoàn toàn cuộc chơi hiện nay, mở khóa những ứng dụng mới mẻ cho cả doanh nghiệp và người dùng cá nhân.”

Việc áp dụng mmWave mang lại lợi ích cho nhiều ngành công nghiệp

Với những lợi thế của mình, mmWave hứa hẹn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích trên toàn chuỗi giá trị mạng di động. Đối với các nhà khai thác mạng, mmWave sẽ cho phép họ cung cấp trải nghiệm di động mới và nâng cao cho khách hàng, bao gồm tốc độ dữ liệu, độ trễ thấp, gói dữ liệu dung lượng lớn không giới hạn và chi phí mỗi bit thấp hơn.

“Bằng cách áp dụng mmWave, các nhà khai thác viễn thông có thể tăng cường cho các dịch vụ hiện tại và giới thiệu các dịch vụ mới” ông Thiều Phương Nam nhận xét. “Người dùng có thể sử dụng các phương tiện truyền thông và giải trí phong phú, chẳng hạn như các video chất lượng cao và quang học thông qua thực tế ảo mở rộng (XR); game thủ có thể chơi các trò chơi nhiều người chơi mà hầu như không bị lag; và những người tham dự sự kiện không phải lo lắng về việc quá nhiều người truy cập có thể làm gián đoạn một buổi livestream hoặc trì hoãn một bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội.

Ông Thiều Phương Nam cũng nhấn mạnh rằng 5G nói chung và mmWave nói riêng không chỉ góp phần phát triển ngành công nghiệp di động. Những lợi thế được cung cấp bởi mmWave sẽ giúp chuyển đổi nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Ở Việt Nam, ngành có tiềm năng hưởng lợi nhiều nhất trong tương lai chính là sản xuất.

Mặc dù ngành sản xuất đóng góp 16,48% vào ngân sách trong năm 2019 nhưng nhìn chung các cơ sở sản xuất của Việt Nam đều sản xuất mặt hàng giá trị thấp. Trong khi đó, mmWave có thể hỗ trợ nhà máy thông minh, qua đó góp phần chuyển đổi ngành sản xuất nội địa sang hướng sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn. Bằng cách ứng dụng sản xuất tự động hóa và robot, trí tuệ nhân tạo, áp dụng thực tế tăng cường trong khắc phục sự cố qua và Internet vạn vật (IoT), Việt Nam có thể chuyển đổi các nhà máy để sản xuất hiệu quả các sản phẩm có giá trị cao hơn như ô tô, điện tử tiêu dùng và các bộ phận liên quan.

Tạo hệ sinh thái 5G mmWave tại Việt Nam

Ngoài việc chuyển đổi các ngành công nghiệp, việc áp dụng mmWave cũng phù hợp với các kế hoạch số hóa của chính phủ Việt Nam với mục tiêu tận dụng triệt để các cơ hội do Công nghiệp 4.0 mang lại như Nghị quyết số 52-NQ / TW đã đề ra.

Trong Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chính phủ đã vạch ra các mục tiêu kinh tế xã hội cụ thể đến năm 2030, bao gồm nền kinh tế kỹ thuật số chiếm 30% GDP, hoàn thành việc xây dựng một chính phủ điện tử; và hình thành chuỗi đô thị thông minh ở các vùng kinh tế trọng điểm. Theo ông Nam, 5G sẽ là công nghệ nền tảng giúp sức cho Việt Nam đạt được các mục tiêu này.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm, để đảm bảo hệ sinh thái 5G Việt Nam có thể tận dụng mmWave dựa vào sự phối hợp giữa khối chính phủ và tư nhân. Đầu tiên, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng có đủ phổ tần và các quy định có lợi cho việc áp dụng cả hai dải tần số sub-6 và mmWave.

Mặt khác, từ khu vực tư nhân, các nhà khai thác mạng cần đảm bảo rằng cơ sở hạ tầng 5G mà họ sẽ triển khai bao gồm các cơ sở cho mmWave. Trong khi đó, các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) của Việt Nam sẽ cần thiết kế và sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị tương thích mmWave để người dùng dễ dàng truy cập và tận dụng những lợi ích mà nó mang lại. Hơn nữa, các lĩnh vực khác cũng sẽ cần ưu tiên số hóa như là một phần của chiến lược kinh doanh dài hạn của mình, bao gồm cả việc nâng cao trình độ nhân viên.

Về phần mình, Qualcomm cam kết đóng góp để đưa mmWave trở thành một phần trong tiến trình triển khai 5G ở Việt Nam. Bên cạnh tư vấn chuyên môn về 5G cho các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xây dựng chính sách, công ty còn phối hợp chặt chẽ với các OEM nội địa như VinSmart và Bkav để phát triển các thiết bị của Make-in-Việt Nam. Mục tiêu của Qualcomm là hỗ trợ các bên liên quan xây dựng một mạng lưới 5G thực sự có thể sánh ngang với các nước tiên phong trong lĩnh vực 5G.

“Tại Qualcomm, chúng tôi tin rằng để có thể tận dụng tối đa 5G, Việt Nam cần kết hợp công nghệ mmWave ngay từ thời gian chuẩn bị ban đầu. Qualcomm sẵn sàng hợp tác với Việt Nam và các bên liên quan để biến điều này thành hiện thực.” Ông Thiều Phương Nam bày tỏ thiện chí.

Trường Thịnh