Giải Nhì Nhân tài Đất Việt: Làm phần cứng để không phụ thuộc vào nước ngoài
(Dân trí) - Loa OLLI kết hợp trợ lý ảo MAIKA được xem là loa thông minh "thuần Việt" hiếm hoi khi nhóm phát triển tự chủ cả về phần cứng và phần mềm, thay vì phụ thuộc vào đối tác thiết kế, sản xuất nước ngoài.
Sau 4 năm "thai nghén", loa thông minh OLLI tích hợp trợ lý giọng nói MAIKA ra đời với vào tháng 4/2021 với khát vọng giúp cuộc sống của người Việt tiện nghi hơn. Thực tế trên thế giới, nhiều "ông lớn" ngành công nghệ thế giới đã tham gia vào lĩnh vực này và đây vừa là cơ hội cũng là thách thức cho đội ngũ phát triển.
Thay vì đối đầu trực tiếp với các đối thủ lớn trên toàn cầu, loa thông minh OLLI tích hợp trợ lý giọng nói MAIKA hướng đến việc lấp đầy khoảng trống mà các sản phẩm "ngoại" còn thiếu do khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa… Thực tế nhiều người Việt, đặc biệt là nhóm người cao tuổi và ở vùng nông thôn gặp khó khăn khi tiếp cận các thiết bị công nghệ cao do rào cản ngôn ngữ.
Nhưng với loa OLLI, thông qua câu lệnh "MAIKA ơi", người sử dụng có thể điều khiển loa bằng giọng nói để nghe nhạc, gọi điện, nhắc công việc, điểm tin, nghe đài, kể chuyện hay điều khiển các thiết bị thông minh trong nhà. Còn với trẻ em, nhóm đang phát triển dự án để trẻ em Việt Nam tiếp cận với học tập Steam.
"Trên thế giới đã có rất nhiều sản phẩm trợ lý ảo nhưng bản thân là một người Việt, mình rất mong muốn phát triển được một sản phẩm mang ngôn ngữ của người Việt, mang cảm xúc của người Việt và thấu hiểu tâm lý chính bản thân con người đất nước mình", ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc kinh doanh OLLI Technology, chia sẻ bên lề lễ trao giải Nhân tài Đất Việt lần thứ 16.
Không chỉ là giải pháp phần mềm, dự án còn chứng minh khả năng làm chủ công nghệ sản xuất phần cứng của người Việt. Loa thông minh OLLI được sản xuất và lắp ráp tại nhà máy ở TPHCM, theo các tiêu chuẩn hiện đại. Hơn nữa, mức giá 2,39 triệu đồng (tương đương khoảng 100 USD) của sản phẩm cũng được đánh giá có sức cạnh tranh ngang ngửa đối thủ của các thương hiệu quốc tế.
"Nếu chúng ta cứ tiếp tục chỉ chú trọng về phần mềm mà bỏ qua phần cứng thì mặt bằng công nghệ của Việt Nam sẽ mãi lệ thuộc vào những đối tác thiết kế, sản xuất phần cứng ở nước ngoài", ông Tạ Thanh Hải, Co-founder kiêm CEO OLLI Technology cho biết trong buổi bảo vệ trước Hội đồng Ban Giám khảo Nhân tài Đất Việt lần thứ 16.
Thực tế, việc đặt hàng gia công ở nước thứ 3, đặc biệt là Trung Quốc, là điều quá quen thuộc trong ngành công nghệ. Chọn cách lắp ráp và sản xuất tại Việt Nam như với loa OLLI gặp không ít khó khăn khi đội ngũ kỹ sư người Việt giỏi nhưng thiếu kinh nghiệm và công nghiệp phụ trợ còn hạn chế, khiến giá thành sản xuất cao.
Nhưng bằng sự quyết tâm làm chủ sản phẩm ở cả phần mềm và phần cứng, sau nhiều lần "đập đi xây lại", loa thông minh OLLI tích hợp trợ lý ảo MAIKA đã ra đời để phục vụ chính người Việt, khẳng định năng lực làm chủ công nghệ của người Việt. Cộng thêm tính độc đáo và khả năng hoàn thiện về phần mềm, dự án này đã chinh phục đội ngũ Ban giám khảo Nhân tài Đất Việt và giành được giải Nhì Công nghệ thông tin.
"Chúng tôi rất vui sướng, hạnh phúc và có chút bất ngờ khi biết OLLI được giải Nhì. Tôi đã theo dõi chương trình Nhân tài Đất Việt từ khi còn nhỏ và đây là ước mơ của tôi. Sau 16 lần tổ chức, tôi thấy chương trình ngày càng chuyên nghiệp, là sân chơi chắp cánh để các bạn trẻ thỏa sức sáng tạo", Giám đốc kinh doanh OLLI Technology chia sẻ.
Ông Hoàng cho biết thêm: "Giải thưởng Nhân tài Đất Việt là động lực rất lớn để OLLI tự tin hơn trong việc phát triển hệ thống giải pháp thông minh, trong đó lấy trợ lý giọng nói MAIKA làm chủ chốt, kết hợp thêm nhà thông minh, giải pháp thiết bị công cộng…"
Có thể nói, OLLI là sản phẩm loa thông minh tiếng Việt hiếm hoi "thuần Việt" cả về phần cứng và phần mềm. Dự án bước đầu khẳng định được tiềm năng của mình, song đội ngũ nhân sự với hơn 70 người sẽ còn nhiều việc phải làm để hiện thực mục tiêu len lỏi vào từng hộ gia đình Việt và sẵn sàng "đấu" với những ông lớn trong ngành như Google, Amazon hay Apple…
Giải thưởng Nhân tài đất Việt lần thứ 16 được bảo trợ bởi: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Đồng hành cùng giải thưởng Nhân tài Đất Việt lần thứ 16 có các đơn vị tài trợ: Tập đoàn Vingroup (Vingroup), Tập đoàn Sun Group, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu Tư & Phát Triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), ECO Pharma, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank)... và các đơn vị đồng hành: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Tập đoàn Ecopark, Tập đoàn AMACCAO, Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm Khang Linh, Tập đoàn Masterise, Công ty cổ phần giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY), Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Anh (TamAnh Hospital).
Sự quan tâm, đồng hành của các đơn vị, nhà tài trợ chính, và các đơn vị đồng hành là động lực lớn cho Ban Tổ chức để hoàn thành tốt cuộc thi, hoàn thành sứ mệnh tìm kiếm và tôn vinh các tài năng trong nhiều lĩnh vực.