Giấc mơ xa vời của Mark Zuckerberg
(Dân trí) - Sau khoảng thời gian một năm cùng số tiền hàng tỷ USD, Mark Zuckerberg vẫn chưa thể thực hiện được ước mơ xây dựng metaverse.
Cuối tháng 10/2021, CEO Mark Zuckerberg đưa ra thông báo đổi tên Facebook thành Meta, thể hiện mục tiêu xây dựng một phiên bản tiếp theo của Internet với tên gọi metaverse. Động thái này nhằm chứng minh cho mọi người thấy rằng công ty của Zuckerberg không chỉ là một doanh nghiệp truyền thông xã hội.
Tuy nhiên, sau khoảng thời gian một năm và tiêu tốn hàng tỷ USD, cái được gọi là metaverse vẫn chưa xuất hiện. Họ vẫn là một doanh nghiệp truyền thông xã hội và đang phải đối mặt với hàng loạt áp lực về tài chính.
Kính thực tế ảo Quest 2 ra mắt cách đây 2 năm là một sản phẩm thành công trong danh mục của nó. Tuy nhiên, đây vẫn không phải là một thiết bị dành cho số đông người dùng phổ thông. Phiên bản Quest Pro mới nhất có mức giá lên tới 1.500 USD lại hướng tới khách hàng doanh nghiệp. Trong khi đó, ứng dụng mạng xã hội VR Horizon Worlds của Meta lại vắng vẻ giống như một "thị trấn ma".
Một năm qua, công ty liên tục nhắc đến metaverse. Tuy nhiên, không rõ có bao nhiêu người dùng thực sự muốn làm việc hoặc vui chơi trong đó. Thậm chí, thuật ngữ metaverse đến nay vẫn là một thứ gì đó khó xác định.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Meta lại phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ phía đối thủ TikTok. Đồng thời, ngành quảng cáo trực tuyến cũng đang đi xuống trong bối cảnh suy thoái kinh tế.
Báo cáo mới nhất cho thấy Meta vừa trải qua quý thứ hai liên tiếp sụt giảm doanh thu, và lợi nhuận cũng giảm một nửa so với năm trước. Công ty đang bán nhiều quảng cáo hơn nhưng lại thu về ít tiền hơn. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng người dùng cũng chậm lại. Giá trị vốn hóa của Meta hiện chỉ bằng một phần tư so với giai đoạn mùa hè năm ngoái.
Vụ đánh cược đầy táo bạo cách đây một năm của Mark Zuckerberg dường như không có nhiều hiệu quả. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Meta đã tiêu tốn 9,4 tỷ USD cho nỗ lực phát triển metaverse và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng vào năm 2023. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy lo ngại về chiến lược phát triển của công ty.
"Mọi người bối rối bởi không hiểu metaverse là gì. Nếu công ty chỉ đầu tư 1-2 tỷ USD mỗi năm vào dự án này thì sự nhầm lẫn đó không phải là vấn đề. Khi đó, họ chỉ cần thực hiện nghiên cứu một cách lặng lẽ và tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi", Brad Gerstner, Giám đốc điều hành của Altimeter Capital - một cổ đông tại Meta, viết trong bức thư ngỏ gửi cho Zuckerberg.
Việc đổi tên chỉ mới được công bố cách đây một năm, nhưng sự chuyển đổi từ Facebook sang Meta đã được thực hiện trong nhiều năm. Trong quá khứ, Zuckerberg đã nói rằng đó là một vụ đánh cược dài hạn cho công ty - không phải là sự chuyển đổi trong một sớm một chiều.
Công ty bắt đầu với việc mua lại Oculus VR vào năm 2014. Trong những năm sau đó, công ty đã lần lượt tung ra một loạt kính thực tế ảo ngày càng có khả năng hoạt động tốt, giá cả phải chăng và mang tính di động.
Bất chấp những nỗ lực từ phía Meta, VR và AR vẫn là những công nghệ sơ khai, chưa có nhiều ứng dụng thực tế và sự phổ biến. Thậm chí, thị trường kính VR vẫn còn rất nhỏ khi so với thị trường thiết bị máy chơi game console.
Trong quá khứ, Zuckerberg đã chuyển dịch thành công các hoạt động của Facebook từ máy tính để bàn sang thiết bị di động. Điều đó đã giúp công ty tăng tốc hoạt động kinh doanh quảng cáo và đảm bảo sự thống trị của nền tảng này trong suốt một thập kỷ.
Tại thời điểm đó, điện thoại thông minh đã bắt đầu trở nên phổ biến. Nhìn lại hiện tại, có thể thấy công ty đang cố gắng dẫn đầu một công nghệ mới và hy vọng người dùng sẽ đi theo định hướng này. Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn giữa việc nhìn vào màn hình máy tính, điện thoại và đeo kính thực tế ảo.
Một báo cáo từ Wall Street Journal tiết lộ rằng mạng xã hội VR Horizon Worlds của Meta đến nay có chưa tới 200.000 người dùng hoạt động hàng tháng. Con số này quá nhỏ bé so với một công ty có đến 3,7 tỷ người dùng hoạt động trên các dịch vụ khác.