Gặp thiếu nữ tự học lập trình từ năm 7 tuổi, 10 năm sau thực tập tại NASA
(Dân trí) - Một cô gái trẻ năm nay mới chỉ 17 tuổi, dù chưa nhận bằng đại học nhưng đã được nhận vào thực tập tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Trong khi phần lớn những người ở độ tuổi 17 vẫn còn đang ngồi trên ghế trường phổ thông, thì với thiếu nữ Angelina Tsuboi, đến từ thành phố Los Angeles (bang California, Mỹ), cô đã trở thành một trong số ít những người được nhận vào thực tập tại NASA.
Khi biết đến những thành tích mà Angelina Tsuboi đạt được, nhiều người sẽ phải thừa nhận rằng việc cô gái trẻ này được NASA nhận vào thực tập khi mới 17 tuổi không phải là điều quá bất ngờ.
Theo đó, Angelina Tsuboi đã tự học lập trình máy tính từ năm 7 tuổi và đến nay, cô gái tuổi teen này đã sử dụng thành thạo 18 ngôn ngữ lập trình khác nhau, thậm chí tự phát triển một loại ngôn ngữ lập trình của riêng mình.
"Phần mềm đầu tiên tôi xây dựng là một thứ gì đó rất đơn giản và thô sơ, một trò chơi giải đố mê cung do chính tay tôi viết mã. Từ đó, tôi đã có niềm đam mê phát triển các phần mềm và ứng dụng", Angelina Tsuboi chia sẻ.
Angelina Tsuboi đã tạo ra nhiều ứng dụng khác nhau và tên tuổi của Angelina đã được giới công nghệ biết đến khi cô giành chiến thắng tại cuộc thi "Student Swift Challenge" dành cho học sinh, sinh viên do Apple tổ chức vào năm ngoái.
Angelina Tsuboi trở thành một trong 6 sinh viên trên khắp thế giới được Apple mời đến trụ sở để tham dự Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC) năm 2022.
Sản phẩm của Angelina đã tạo được ấn tượng với CEO Tim Cook của Apple, giúp cô có cơ hội gặp gỡ và nói chuyện trực tiếp với vị giám đốc quyền lực của "Quả táo".
"Thật tuyệt vời khi được gặp mặt trực tiếp với CEO Apple và bàn luận với ông ấy về những giải pháp nhằm thay đổi thế giới", Angelina Tsuboi chia sẻ. "Bất cứ khi nào nhận ra một vấn đề trên thế giới, đặc biệt nó ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người, tôi sẽ luôn cố gắng tìm cách để giải quyết vấn đề đó".
Một trong những ứng dụng nổi bật của Angelina có tên gọi Lilac, là ứng dụng nhắm đến những người là cha mẹ đơn thân. Ứng dụng này sẽ cung cấp những nguồn thông tin hữu ích, cho phép kết nối cha mẹ đơn thân với các tổ chức xã hội, trợ cấp, cơ hội việc làm… giúp những người này có điều kiện tốt hơn trong chăm sóc con cái.
Angelina Tsuboi cho biết mẹ của cô cũng là một phụ nữ đơn thân, người đã nhập cư vào Mỹ cùng 3 đứa con nhỏ. Chính vì thấu hiểu những gì mà mẹ mình đã phải trải qua, Angelina đã tạo ra ứng dụng Lilac.
Angelina cũng phát triển ứng dụng có tên gọi Pilot Fast Track, giúp những người có niềm đam mê trở thành phi công có thể tìm kiếm học bổng các chương trình đào tạo phi công, giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế cho những người này.
Angelina cũng đang nghiên cứu về an ninh mạng hàng không và đang xây dựng một chương trình bảo mật để bảo đảm an ninh cho hệ thống điện tử áp dụng trong ngành hàng không (bao gồm hệ thống điện tử trên máy bay).
Ngoài ra, Angelina cũng xây dựng một thiết bị chi phí thấp để giúp phát hiện, cảnh báo sớm sóng thần.
"Hiện tại thiết bị cảnh báo sóng thần đã tồn tại, nhưng chúng rất đắt, có giá khoảng 500.000 USD, và có tuổi thọ rất thấp. Tôi đang phát triển một thiết bị với kích thước nhỏ gọn hơn, kinh phí chỉ 200 USD và tác dụng không hề thua kém", Angelina Tsuboi chia sẻ về dự án đang thực hiện.
Những thành tích Angelina đạt được đã giúp cô trúng tuyển vào chương trình thực tập sinh tại NASA khi mới 17 tuổi, ngay cả khi cô chưa có bằng đại học. Tại NASA, Angelina sẽ tập trung xây dựng các dự án an ninh mạng hàng không vũ trụ và bảo vệ an ninh cho vệ tinh.
Hiện tại, Angelina Tsuboi đặt mục tiêu theo đuổi sự nghiệp trong ngành cơ điện tử, một lĩnh vực đa ngành kết hợp giữa khoa học máy tính, kỹ thuật điện và kỹ thuật cơ khí. Angelina hy vọng môi trường tại NASA sẽ giúp cô có điều kiện phát triển các kỹ năng để hoàn tất những dự án đang thực hiện.
Dù đã trở thành thực tập sinh tại NASA với tương lai rộng mở, Angelina Tsuboi vẫn không muốn dừng con đường học tập. Cô hy vọng sẽ thi đậu vào Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ngôi trường hàng đầu thế giới về chương trình đào tạo công nghệ, khoa học và kỹ thuật.
Theo ENT/ST