Gặp người “kể chuyện” bằng ảnh nổi tiếng trên thế giới tại Việt Nam
(Dân trí) - “Nhiếp ảnh rất gần với kể chuyện. Người thợ nhiếp ảnh sẽ thăng hoa trở thành nghệ sĩ nếu anh ta bắt được những khoảnh khắc “đắt” và kể câu chuyện về khoảnh khắc ấy bằng thứ cảm xúc, cùng những kỹ thuật riêng có”, Kevin Ou, nhiếp ảnh gia thời trang và chân dung hàng đầu thế giới chia sẻ.
Kevin Ou, người “đo ni đóng giày” nhiều tấm hình nghệ thuật cho các nghệ sỹ nổi tiếng trên thế giới, như Justin Bieber, Emma Stone, Andrew Garfield trên bìa các tạp chí danh giá như Nylon, Vogue, People hay ELLE. Trong cuộc gặp gỡ bên lề sự kiện giới thiệu bội đôi máy ảnh Canon EOS 5Ds và 5Ds R” tại Việt Nam, Kevin Ou đã chia sẻ về con đường đến với nhiếp ảnh và những khó khăn khi “kể” các câu chuyện bằng màu sắc, ánh sáng và những khoảnh khắc.
Kevin Ou là nhiếp ảnh gia người Singapore nhưng sự nghiệp của anh bắt đầu rạng danh kể từ khi anh chuyển tới Mỹ để tham gia các khoá học về nhiếp ảnh.
Cơ duyên nào đã đưa anh tới sự nghiệp nhiếp ảnh?
Con đường đến với nhiếp ảnh của tôi là một chuyến đi tình cờ, thú vị, đầy phiêu lưu. Khi còn theo học ngành Truyền thông công chúng ở Singpore, tôi đã ấp ủ theo đuổi lĩnh vực quảng cáo. Tốt nghiệp, tôi làm giám đốc sáng tạo cho một công ty quảng cáo. Một lần chỉ đạo sáng tạo cho một buổi chụp hình, tôi trò chuyện với người chụp ảnh và bất ngờ bị lôi cuốn bởi những chia sẻ của anh ấy về công việc. Cuộc nói chuyện ấy đã thôi thúc tôi tìm hiểu nhiếp ảnh và thực hiện một phép thử lớn cho cuộc đời mình: thôi việc và đăng kí vào Art Center College of Design tại Mỹ ở độ tuổi 25. Tôi học, làm việc cật lực, nếm đủ thất bại và dần dần tôi có cơ hội làm việc với nhiều thương hiệu danh tiếng thế giới. Sau đó tôi đặc biệt có hứng thú với chụp hình chân dung và thời trang cho người nổi tiếng. Đây cũng chính là hướng đi tôi tập trung hiện tại.
Với tư cách là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp trong lĩnh vực thời trang và chân dung, những thử thách lớn nhất của anh khi thực hiện các tác phẩm trong hai lĩnh vực này là gì?
Đối với tôi, nhiếp ảnh rất gần với kể chuyện. Người thợ nhiếp ảnh sẽ thăng hoa trở thành nghệ sĩ nếu anh ta bắt được những khoảnh khắc “đắt” và kể câu chuyện về khoảnh khắc ấy bằng thứ cảm xúc, cùng những kỹ thuật riêng có. Với riêng nhiếp ảnh thời trang, điểm mấu chốt nằm ở việc nắm bắt những thời khắc đẹp, nắm bắt những chuyển động hoàn hảo tổng hòa từ biểu cảm của người mẫu, ánh sáng trong khi phải chụp hình nhanh và liên tiếp với nhiều góc độ đa dạng.
Tuy rằng hậu kì có thể giúp hình ảnh tuyệt vời hơn nhưng không bao giờ có thể quyết định thần thái của bức ảnh. Vì thế tôi luôn khắt khe ngay từ những tấm hình thô ban đầu. Chiếc máy ảnh cũng đóng vai trò quyết định, vì các tính năng phù hợp hoặc hiện đại có thể hỗ trợ đắc lực cho mục đích của tôi và giúp tôi có được những tấm hình ưng ý nhanh hơn.
Trong chuyến ghé thăm lần này anh có cảm nhận gì về nhiếp ảnh Việt Nam và ông có lời khuyên nào dành cho người dùng mới tập làm quen với nhiếp ảnh và muốn thành công trong lĩnh vực này?
Chưa có dịp làm việc tại Việt Nam nên tôi bất ngờ trước sự quan tâm của mọi người ở đây giành cho nhiếp ảnh với rất nhiều người tham gia hội thảo và gửi nhiều câu hỏi cho tôi.
Bên cạnh đó, từ hội thảo thôi có thể thấy các sản phẩm DSLR được quan tâm nhất và đang là sản phẩm chủ đạo tại thị trường Việt Nam. Điều này chứng tỏ người tiêu dùng Việt Nam nhanh nhạy với các công nghệ kĩ thuật số. Tuy nhiên, để thành công với lĩnh vực này là điều hoàn toàn không hề dễ dàng.
Tôi cũng đã đi qua tất cả các hành trình giống như các nhiếp ảnh gia khác. Hiện tại mức độ cạnh tranh của các bạn ngày càng cao và giá thành của các máy ảnh ngày càng giảm dần nên tất cả mọi người đều có thể trở thành nhiếp ảnh gia, cộng với sự hỗ trợ từ mạng xã hội nên cơ hội đó chia đều với tất cả mọi người. Một điều quan trọng là bạn phải khẳng định bản thân mình nếu muốn trở thành nhiếp ảnh gia qua việc thể hiện màu sắc, thể hiện cảm xúc của một tấm hình.
Những công cụ không thể thiếu của anh khi tác nghiệp là gì?
Tùy thuộc vào ý tưởng, yêu cầu của mỗi bộ ảnh mà tôi sẽ sử dụng những công cụ phù hợp. Bộ đồ nghề yêu thích của tôi có máy ảnh Hasselblad, Mamiya; lưng số của Kodak hoặc PhaseOne, máy ảnh ống kính rời Canon 1DS Mark II. Tôi chuộng dùng hệ thống ánh sáng Hensel Studiotechnik Porty System. Nhìn chung thiết bị yêu thích nhất của tôi là Canon 1DS Mark II với ống kính 16-35mm 2.8L và 50mm 1.2.
Vì thế tôi đang rất hào hứng với hai sản phẩm DSLR mới của Canon là 5DS và 5Ds R. Ngoài độ phân giải cao nhất từ trước tới nay, tôi đặc biệt chú ý khả năng lấy nét chính xác khi chụp những đối tượng di chuyển nhanh, tính năng tự động đo sáng và cảm biến giữ chất lượng hình ảnh tốt nhất trong mọi điều kiện ánh sáng. Những chức năng này là các yếu tố quan trọng nhất trong các buổi chụp hình của tôi.
Có nhiều ý kiến rằng ngành công nghiệp nhiếp ảnh dường như bị đe doạ bởi sự phổ biến của smartphone với khả năng camera ngày càng được nâng cấp, anh có nghĩ như vậy không?
Phải thừa nhận rằng smartphone ngày càng được trang bị nhiều khả năng chụp ảnh ấn tượng và tiện lợi. Bản thân tôi cũng thường xuyên sử dụng smartphone để chụp hình cho những khoảnh khắc đời thường. Mối đe doạ lớn nhất của smartphone chính là máy ảnh du lịch (point-and-shoot). Tôi cho rằng smartphone sẽ dần thay thế dòng máy ảnh này. Tuy nhiên, smartphone không thể nào so sánh và gây ảnh hưởng tới phân khúc máy ảnh chuyên nghiệp DSLR bởi khả năng chụp ảnh của dòng máy này cao cấp và vượt bậc so với camera trên smartphone.
Cảm ơn anh!
Khôi Linh