FPT, CMC, VTC sẽ rời bỏ cuộc chơi 4G?
Trả lời câu hỏi của ICTnews rằng những doanh nghiệp như FPT, CMC, VTC có xin thử nghiệm 4G hay không sau khi họ được cấp phép thử nghiệm 4G từ năm 2010 với thời hạn 1 năm. Cục Viễn thông cho biết, đến thời điểm này chỉ có Viettel, VNPT, MobiFone xin thử nghiệm 4G. Tuy nhiên, Cục Viễn thông không nhận được bất cứ đề nghị nào của FPT, CMC, VTC không xin thử nghiệm 4G.
Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, có thể sẽ cấp phép cho Viettel được thử nghiệm 4G vào tuần tới sau khi nhà mạng này có văn bản xin phép được thử nghiệm 4G.
Trả lời câu hỏi của ICTnews rằng những doanh nghiệp như FPT, CMC, VTC có xin thử nghiệm 4G hay không sau khi họ được cấp phép thử nghiệm 4G từ năm 2010 với thời hạn 1 năm. Cục Viễn thông cho biết, đến thời điểm này chỉ có Viettel, VNPT, MobiFone xin thử nghiệm 4G. Tuy nhiên, Cục Viễn thông không nhận được bất cứ đề nghị nào của FPT, CMC, VTC không xin thử nghiệm 4G.
Không phải đến bây giờ, Bộ TT&TT mới thực hiện cấp phép thử nghiệm 4G cho các nhà mạng mà từ năm 2010, Bộ TT&TT đã đồng ý cho VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC và VTC được thử nghiệm mạng di động 4G trong vòng 1 năm.
Cụ thể ngày 10/10/2010, VNPT đã tuyên bố hoàn thành trạm BTS theo công nghệ LTE đầu tiên đặt tại tòa nhà Internet, lô 2A, làng Quốc tế Thăng Long, Cầu Giấy, Hà Nội với tốc độ truy cập Internet có thể lên đến 60 Mbps. Giai đoạn 1 dự án thử nghiệm cung cấp dịch vụ vô tuyến băng rộng công nghệ LTE của VNPT sẽ được VDC triển khai với 15 trạm BTS tại Hà Nội, bán kính phủ sóng mỗi trạm khoảng 1km. Cùng với VNPT, Viettel đã bắt đầu thử nghiệm mạng 4G từ tháng 12/2010 với 40 trạm phát tại 2 quận Đống Đa và Ba Đình.
Tại thời điểm năm 2010, VTC cho biết, công ty này sẽ thử nghiệm LTE ở khu vực Hà Nội nhưng với quy mô “vừa đủ mức độ đánh giá”. Đồng thời, CMC nhận định việc ứng dụng 4G vào dịch vụ viễn thông sẽ góp phần cho người dùng Việt Nam thụ hưởng những dịch vụ viễn thông tiên tiến của thế giới, mang lại cơ hội kinh doanh cho các nhà khai thác mới.
Một chuyên gia viễn thông nhận định rằng khả năng để FPT, CMC, VTC nhảy vào sân chơi 4G gần như là "nhiệm vụ bất khả thi". Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương cho rằng, 4G là đi lên từ nền tảng 2G và 3G. Như vậy, khó có khả năng FPT, CMC, VTC nhảy vào sân chơi 4G để cạnh tranh được với Viettel, VNPT và MobiFone.
Theo Luật Viễn thông, các doanh nghiệp sẽ phải đấu giá tần số để lấy giấy phép 4G. Sau khi đấu giá tần số, các doanh nghiệp có thể chuyển nhượng tần số nếu muốn. Việc đấu giá tần số là nhằm tránh tình trạng xin giấy phép để “giữ chỗ”. Việc cấp phép 4G được Bộ TT&TT thực hiện trong năm 2016. Hiện chưa có thông tin chính thức từ FPT, VTC, CMC rằng liệu các doanh nghiệp này có tham gia cuộc đua 4G hay không
Mới đây, ông Đỗ Minh Phương, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết nhà mạng này sẽ bắt đầu triển khai thử nghiệm 4G vào tháng 10/2015. Theo ông Phương, Viettel sẽ xin phép Bộ TT&TT cho tiến hành thử nghiệm 4G có thu phí. Mạng 4G trước mắt phủ đến cấp thị xã, huyện và các tỉnh, thành phố. Đến cuối 2015 chậm nhất là quý I/2016 Viettel sẽ có 12.000 trạm 4G trên toàn quốc. Khi cung cấp dịch vụ 4G, quan điểm của Viettel là chỉ phân biệt cước thoại và dữ liệu chứ không phân biệt đâu là 3G và 4G. Như vậy, có thể hiểu giá cước 4G mà Viettel cung cấp không cao hơn 3G. Khi sử dụng 4G, khách hàng của Viettel sẽ phải đổi SIM mới có thể dùng được.
Ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Viettel cũng đã đưa ra kiến nghị, Bộ TT&TT xem xét cấp giấy phép cung cấp dịch vụ 4G cho Viettel ngay trong năm 2015 để Viettel có thể tự bỏ vốn đầu tư và chính thức triển khai 4G từ năm 2016. Lý do khiến Viettel đưa ra kiến nghị trên là: cùng với việc song song với thử nghiệm 4G ở Việt Nam, Viettel cũng đang thử nghiệm 4G ở Lào, Camuchia. Việt Nam đã chậm triển khai 4G so với nhiều nước ASEAN, do đó việc kéo dài thời gian thử nghiệm sẽ khiến Việt Nam càng đi chậm hơn. Vì vậy, đề nghị Bộ TT&TT cấp giấy phép 4G cho Viettel trong năm 2015 để nhà mạng này được triển khai đầu tư, được cấp băng tần luôn trong năm nay.
Một lý do khác nữa là giải quyết được bài toán lãng phí đầu tư bởi nếu triển khai 4G chậm các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư cho 2G và 3G. Nếu có giấy phép 4G, doanh nghiệp sẽ không đầu tư thêm cho 3G nữa mà cung cấp 4G luôn, tránh lãng phí tài nguyên tần số cũng như vốn đầu tư của doanh nghiệp.
Theo ICTNews