Facebook bị tố "chơi chiêu", sao chép tính năng rồi "dìm chết" đối thủ

(Dân trí) - CEO Mark Zuckerberg của Facebook (nay là Meta) bị cáo buộc đã sử dụng rồi sao chép tính năng của một ứng dụng xử lý ảnh, góp phần "bóp chết" ứng dụng này.

Ba nhà sáng lập của ứng dụng xử lý ảnh có tên gọi Phhhoto đã nộp đơn kiện lên tòa án, với cáo buộc Facebook (nay là Meta) đã vi phạm luật chống độc quyền khi tìm cách sao chép tính năng trên ứng dụng của họ.

Theo đó, vào năm 2014, ba người bạn, gồm Champ Bennett, Omar Elsayed và Russell Armand, đã xây dựng Phhhoto, một ứng dụng di động cho phép người dùng chụp và ghép những hình ảnh lại với nhau để tạo thành một video dạng lặp, tương tự như ảnh động.

Trong đơn kiện của mình, các nhà sáng lập của Phhhoto cáo buộc rằng CEO Mark Zuckerberg của Facebook là một trong những người đầu tiên sử dụng Phhhoto và đăng tải sản phẩm được tạo ra bởi ứng dụng này lên trang cá nhân từ tháng 8/2014. Nhiều giám đốc khác của Facebook cũng đã tải và dùng ứng dụng Phhhoto.

Mark Zuckerberg và Facebook bị tố sao chép tính năng rồi

Mark Zuckerberg và Facebook bị tố sao chép tính năng rồi "dìm chết" ứng dụng di động bằng sản phẩm của riêng mình (Ảnh: Getty).

Ban lãnh đạo của Facebook đã thể hiện sự thích thú với ứng dụng Phhhoto. Vào tháng 2/2015, Giám đốc đối tác chiến lược của Facebook Bryan Hurren đã liên hệ với các nhà phát triển của Phhhoto để đề nghị tích hợp ứng dụng này vào ứng dụng chat Messenger của Facebook. Trong email của mình, Hurren đã gọi Phhhoto là "ứng dụng tuyệt vời".

Các nhà sáng lập của Phhhoto đã từ chối lời đề nghị từ phía Facebook. Mạng xã hội này sau đó tiếp tục đề nghị tích hợp chức năng của Phhhoto vào Facebook và Instagram, cho phép người dùng có thể tạo ra những video vòng lặp khi sử dụng Facebook. Phía Phhhoto nhận thấy đây là một cơ hội hợp tác phù hợp để giúp mang ứng dụng của họ đến nhiều người dùng hơn nên đã đồng ý.

Khi các nhà sáng lập của Phhhoto đã chuẩn bị sẵn mọi vấn đề kỹ thuật để chuẩn bị cho quá trình hợp tác thì phía Facebook lại trì hoãn quá trình này. Đến tháng 10/2015, khi Phhhoto chuẩn bị giới thiệu phiên bản ứng dụng dành cho Android thì bất ngờ Facebook giới thiệu tính năng mang tên gọi Boomerang, cho phép tạo video vòng lặp tương tự như tính năng của Phhhoto.

Cuối cùng, Phhhoto không thể hợp tác với Facebook như mong muốn và ứng dụng này phải đóng cửa vào tháng 6/2017.

Trong đơn kiện của mình, các nhà sáng lập Phhhoto cáo buộc Facebook đã cố gắng trì hoãn quá trình hợp tác với mình nhằm sao chép các tính năng của ứng dụng rồi đè bẹp Phhhoto bằng sức mạnh của mình.

"Họ đã tạo ra một bản sao xấu xí của ứng dụng Phhhoto", đơn kiện viết. "Hành động của Facebook đã phá hủy Phhhoto và hủy hoại tiềm năng phát triển của công ty".

Đại diện Meta đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc và cho rằng đơn kiện của Phhhoto là không có căn cứ.

"Đây là vụ kiện không có giá trị và chúng tôi sẽ tự bảo vệ mình một cách mạnh mẽ", phát ngôn viên của Meta cho biết trong một thông cáo đưa ra.

Đây không phải là lần đầu tiên Facebook bị tố chèn ép các đối thủ cạnh tranh. Trước đó, những email nội bộ bị rò rỉ cho thấy Facebook đã chi ra một tỷ USD vào năm 2012 để mua lại Instagram vì lo ngại rằng mạng xã hội này có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh và đe dọa Facebook.

Vào tháng 12/2020, Facebook đã phải đối mặt với 2 vụ kiện chống độc quyền từ Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và 48 tổng chưởng lý. Cả 2 đơn kiện đều cáo buộc Facebook vi phạm luật chống độc quyền, làm tổn hại cạnh tranh bằng cách mua hoặc kìm hãm các đối thủ nhỏ hơn. Một thẩm phán liên bang sau đó đã bác bỏ đơn kiện của FTC vào tháng 6 vừa qua vì cho rằng không đủ bằng chứng để chứng minh Facebook đã vi phạm luật chống độc quyền.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm