Facebook bị FBI điều tra vì vụ bê bối làm lộ thông tin người dùng
(Dân trí) - Sau vụ bê bối Cambridge Analytica thu thập trái phép thông tin người dùng, rắc rối tiếp tục đeo bám Facebook khi mới đây nhiều cơ quan chính phủ Mỹ, bao gồm Cục điều tra Liên bang (FBI), Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC) và Ủy ban Giao dịch Mỹ (FTC) cùng vào cuộc điều tra Facebook.
Giữa tháng 3 vừa qua, Facebook đã bị lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi hơn 50 triệu người dùng mạng xã hội này bị Cambridge Analytica, một công ty phân tích dữ liệu của Anh, bị lấy cắp và sử dụng thông tin cá nhân trái phép mà họ không hề hay biết.
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2015 khi nhà phát triển ứng dụng Aleksandr Kogan xây dựng một ứng dụng trắc nghiệm có tên gọi thisisyourdigitallife trên nền tảng Facebook, có chức năng thu thập thông tin cá nhân của những người tham gia và cả những người có trong danh sách bạn bè của họ.
Kogan sau đó bán những dữ liệu thu thập được cho Cambridge Analytica và công ty đã sử dụng các thông tin này để tạo ra những kỹ thuật để lôi kéo các cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016, khi Cambridge Analytica được thuê vào mùa hè 2016 cho chiến dịch tranh cử của Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Ước tính đã có hơn 87 triệu người dùng Facebook bị thu thập và sử dụng thông tin cá nhân một cách trái phép.
Sau khi sự việc bị phát giác, Bộ Tư pháp Mỹ đã tiến hành điều tra mạng xã hội Facebook và nhà sáng lập kiêm CEO của mạng xã hội này, Mark Zuckerberg, đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ để trả lời những câu hỏi liên quan đến vấn đề bảo mật cho dữ liệu của người dùng.
Tuy nhiên những rắc rối của Facebook vẫn chưa dừng lại ở đó khi mới đây theo tờ Washington Post, hàng loạt các cơ quan chính phủ Mỹ, bao gồm Cục điều tra Liên bang (FBI), Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC) và Ủy ban Giao dịch Mỹ (FTC) sẽ cùng vào cuộc để điều tra cả Facebook lẫn Cambridge Analytica.
Washington Post cho biết FBI, SEC và FTC sẽ tập trung điều tra về việc liệu Facebook có biết được những hành động của Cambridge Analytica và Kogan hồi năm 2015 hay không và nếu biết tại sao Facebook không công bố thông tin với cộng đồng hoặc cảnh báo với cơ quan chức năng để ngăn chặn. Bên cạnh đó quá trình điều tra cũng sẽ tìm hiểu xem những dạng dữ liệu nào của người dùng Facebook đã bị Cambridge Analytica thu thập và có ai đứng sau để ra lệnh thực hiện điều này hay không.
FTC cũng sẽ xem xét liệu Facebook có vi phạm Sắc lệnh tán thành được ký vào năm 2011, không cho phép các công ty chia sẻ thông tin cá nhân của các thành viên mà không có sự tán thành của họ và nếu vi phạm, Facebook có thể sẽ phải đối mặt với án phạt nhiều tỷ USD.
Về phần mình Facebook cho biết sẽ hợp tác với các cơ quan chức năng trong vụ điều tra nhằm vào công ty.
“Chúng tôi sẽ hợp tác với cơ quan chức năng tại Mỹ, Anh và nhiều nơi khác. Chúng tôi sẽ cung cấp những lời khai công khai, trả lời các câu hỏi và cam kết tiếp tục hỗ trợ để công việc của họ được tiếp tục”, Matt Steinfeld, phát ngôn viên của Facebook cho biết.
T.Thủy