1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Dùng Photoshop để tái hiện chân dung Nữ hoàng Ai Cập từ hình ảnh xác ướp

T.Thủy

(Dân trí) - Một nghệ sĩ đồ họa đã sử phần mềm Photoshop để tái hiện lại chân dung của Nữ hoàng Ai Cập từ hình ảnh xác ướp của chính vị Nữ hoàng này. Kết quả cuối cùng đã gây ra nhiều tranh cãi.

Dùng Photoshop để tái hiện chân dung Nữ hoàng Ai Cập từ hình ảnh xác ướp - 1

Ảnh xác ướp của Nữ hoàng Ai Cập Tiye và gương mặt chân dung sau khi đã được tái hiện bằng Photoshop.

Kênh Youtube có tên Photoshop Surgeon, nổi tiếng với những video sử dụng phần mềm đồ họa Photoshop để "giải phẫu" và biến hóa những bức ảnh chân dung hoặc biến những bức tranh vẽ chân dung thành người thật…

Mới đây, kênh Youtube với hơn 900 ngàn người theo dõi này đã đăng tải đoạn video tái hiện lại chân dung của Nữ hoàng Ai Cập bằng phần mềm Photoshop, dựa vào một bức ảnh chụp xác ướp của Nữ hoàng này.

"Nhân vật chính" trong video của Photoshop Surgeon là Nữ hoàng Tiye (sinh khoảng năm 1398 trước Công Nguyên, mất 1338 trước Công Nguyên), là vợ của vua Amenhotep III, vị Hoàng đế quyền lực nhất trong lịch sử của Ai Cập cổ đại. Nữ hoàng Tiye cũng là mẹ của vị Hoàng đế Ai Cập nổi tiếng khác là Akhenaten và bà của Hoàng đế Tutankhamun.

Xác ướp của Nữ hoàng Tiye được tìm thấy từ năm 1898, nhưng phải đến năm 2010, nhờ vào kỹ thuật phân tích ADN, xác ướp này mới được xác định là của Nữ hoàng Tiye.

Dựa vào hình ảnh chụp xác ướp có niên đại lên đến 3.400 năm của Nữ hoàng Tiye, Photoshop Surgeon đã sử dụng những kiến thức về giải phẫu học, kết hợp với phần mềm đồ họa Photoshop để tái hiện lại chân dung của Nữ hoàng này, như một cách để cho thấy gương mặt của bà lúc còn sống.

Dùng Photoshop để tái hiện chân dung Nữ hoàng Ai Cập từ hình ảnh xác ướp

Đoạn clip của Photoshop Surgeon đã thu hút hàng triệu lượt xem và chia sẻ sau khi được đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook, Instagram… phần lớn người xem đều cảm thấy thích thú sau khi gương mặt của Nữ hoàng Ai Cập nổi tiếng được tái hiện một cách chân thực.

Tuy nhiên, đoạn clip của Photoshop Surgeon cũng đã gây ra các tranh cãi trong cộng đồng mạng khi nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng Photoshop để tái hiện chân dung người từ hình ảnh xác ướp là không hợp lý, bởi lẽ Photoshop chỉ là phần mềm đồ họa và bức ảnh được chỉnh sửa dựa trên cảm nhận chủ quan của người dùng, do vậy, chân dung được tạo ra bởi phần mềm Photoshop có thể sẽ không chính xác.

Nhiều cư dân mạng cho rằng dù Photoshop Surgeon có những kiến thức về giải phẫu học và biết rõ chính xác các tỷ lệ về gương mặt, thì chừng đó vẫn là chưa đủ để có thể tái hiện chân dung một nhân vật lịch sử, mà còn phải phụ thuộc vào nhiều tài liệu lịch sử, phân tích khoa học… mới có thể phục dựng chính xác.

Trước đó, các nhà khoa học đã từng xây dựng nhiều hệ thống trí tuệ nhân tạo, dựa vào các dữ liệu đầu vào như tư liệu lịch sử, ảnh xác ướp hoặc tranh vẽ, tượng điêu khắc… để có thể phục chế lại chân dung và gương mặt của các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử. Dĩ nhiên, mọi kết quả đều chỉ mang tính tương đối và vẫn không có cách nào để xác định được những gương mặt do hệ thống máy tính tái hiện là chính xác hay không.