Dữ liệu giáo dục mở là nguồn tài nguyên cho các sản phẩm giáo dục

Thế Anh

(Dân trí) - Dịch Covid-19 đã thay đổi cuộc sống và thói quen của người dân trên thế giới. Nhiều giải pháp công nghệ, ứng dụng mới đã được xây dựng và giới thiệu để phục vụ hoạt động giảng dạy trực tuyến.

Tác động của đại dịch cùng với những giải pháp công nghệ mới đã chứng minh rằng dữ liệu là cần thiết trong cuộc sống nói chung và nghiên cứu khoa học nói riêng. Trong đó, dữ liệu giáo dục mở là nguồn tài nguyên dồi dào cho hoạt động giảng dạy, tạo ra nhiều lựa chọn và cơ hội học tập hơn trong thời đại số.

Dữ liệu giáo dục mở

Dữ liệu mở là dữ liệu có thể được bất kỳ ai tự do sử dụng, sử dụng lại và phân phối một cách miễn phí, miễn là tuân theo yêu cầu ghi công và chia sẻ tương tự. Theo cách tiếp cận này, dữ liệu giáo dục mở là những dữ liệu mở được tự do sử dụng, tái sử dụng và phân phối một cách miễn phí, phục vụ cho hoạt động giáo dục. 

Dữ liệu mở trong giáo dục được sử dụng để làm cho các cơ hội giáo dục được tiếp cận theo nhiều cách thức, bao gồm việc giúp cho các bậc phụ huynh và học sinh có được các lựa chọn giáo dục với đầy đủ thông tin hơn và cung cấp đào tạo kỹ thuật. 

Theo đó, các tổ chức sử dụng dữ liệu mở về kết quả hoạt động giáo dục để cung cấp cho học sinh và phụ huynh thông tin về chi phí, chất lượng và các yếu tố khác nhằm giúp họ đưa ra lựa chọn giáo dục tốt hơn. Những người khác sử dụng dữ liệu mở để đánh giá kết quả giáo dục và chi tiêu của chính phủ cho giáo dục trong một quốc gia. Trong đó, nhóm các dữ liệu mở được sử dụng phục vụ giáo dục bao gồm dữ liệu giáo dục, nhân chủng học, các hoạt động của chính phủ, kinh tế, giao thông….

Dữ liệu giáo dục mở là nguồn tài nguyên cho các sản phẩm giáo dục - 1

Các loại dữ liệu được sử dụng nhiều nhất cho giáo dục (Ảnh: Open Data Impact Map).

Các sáng kiến về dữ liệu giáo dục mở

Trên thế giới, từ năm 2019, UNESCO đã công bố "Khuyến cáo tài nguyên Giáo dục mở" nhằm thúc đẩy quá trình mở dữ liệu trong lĩnh vực giáo dục với các loại tài liệu dạy, học và nghiên cứu ở bất kỳ định dạng và phương tiện nào nằm trong phạm vi công cộng hoặc có bản quyền đã được phát hành theo một giấy phép mở, cho phép những mọi người không mất chi phí để truy cập, sử dụng lại, tùy biến và phân phối lại. Khuyến cáo tài nguyên Giáo dục mở của UNESCO đã được 193 quốc gia phê chuẩn ngày 25/11/2019, trong đó có Việt Nam. 

Bên cạnh đó, UNESCO gần đây cũng đã công bố bản thảo về "Khuyến cáo Khoa học Mở" vào ngày 12/05/2021 và dự kiến sẽ được 193 quốc gia thành viên UNESCO phê chuẩn vào tháng 11/2021.

Khi các quốc gia phát triển các chương trình đào tạo về công nghệ và hiểu biết về dữ liệu, dữ liệu mở là nguồn tài nguyên miễn phí cho người dân làm việc.

Dữ liệu giáo dục mở là nguồn tài nguyên cho các sản phẩm giáo dục - 2

Ví dụ trò chơi mô phỏng trong môn Toán học (Ảnh: PhET Interactive simulations).

Tại Việt Nam, dữ liệu mở vẫn còn là khái niệm chưa được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, một số sáng kiến về dữ liệu mở cho giáo dục ở Việt Nam đã và đang tồn tại.

Mặc dù không phải tất cả dữ liệu đều được cấp giấy phép mở để được coi là dữ liệu mở, nhưng với sáng kiến xây dựng kho học liệu, mở nguồn tài nguyên giáo dục như hiện nay cũng là những bước đi đầu tiên cần được tiếp tục thúc đẩy để giúp thuận lợi hóa và nâng cao hiệu quả của việc học tập và giảng dạy trong giai đoạn giãn cách xã hội và trong tương lai của Việt Nam. 

Dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Liên minh dữ liệu mở Châu Á (AODP) và Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng phối hợp tổ chức Hội nghị Đối tác Dữ liệu Mở châu Á 2021 (Asia Open Data Partnership Summit 2021) vào ngày 16/11.

Đây là sự kiện thường niên do AODP và các đối tác tổ chức kể từ 2015. Tổng cộng đã có 22 tổ chức của khu vực tham gia. Hội nghị năm 2021 là năm đầu tiên Việt Nam đứng ra chủ trì tổ chức, có chủ đề "Trao đổi dữ liệu và tăng cường hợp tác đa bên cho phát triển dữ liệu mở".