Đội thi Nhân tài Đất Việt "bật ngửa" trước hồ sơ "khủng" của ban giám khảo
(Dân trí) - Huy Nguyễn, một trong những giám khảo Nhân tài Đất Việt, là cựu quản lý cấp cao của Google, trong khi những người "cầm cân nảy mực" khác là các chuyên gia công nghệ hàng đầu với hàng loạt thành tựu.
Vòng chấm Chung khảo Nhân tài Đất Việt lần thứ 16 kéo dài cả ngày 13/3. Trong khi các đội thi không khỏi hồi hộp chờ tới lượt thuyết trình thì đội ngũ ban giám khảo cũng phải làm việc hết công suất để chấm 17 sản phẩm lọt vào vòng cuối.
Ứng dụng học tập "chiếm sóng" buổi sáng
Đội đầu tiên bảo vệ tại Hội đồng Tiềm năng là nhóm tác giả Kids UP, ứng dụng giáo dục sớm cho trẻ em. Với mục tiêu đưa giáo dục đến mọi miền bao gồm cả vùng sâu, vùng xa nên chương trình có thể hoạt động trên smartphone mà không cần kết nối Internet (sau khi đã tải về các gói nội dung).
Nhóm tác giả đã phát triển với hai ứng dụng, bao gồm Kids UP - Montessori giúp trẻ học giáo dục sớm đa giác quan qua các môn: Toán, tiếng Việt, tiếng Anh, mỹ thuật, âm nhạc, IQ... Trong khi đó, KidsUP Soroban - Toán tư duy, được thiết kế giúp trẻ học toán và tương tác trên ứng dụng thay vì bàn tính vật lý.
Ông Vương Thành Chung, CEO của Kids UP, cho biết một trong những điểm mạnh của ứng dụng là hệ thống bài học phong phú và có khả năng tự động điều chỉnh lộ trình theo năng lực của học viên. "Một số ứng dụng học tập khác cho trẻ được phát triển dưới dạng video nhưng Kids UP đi theo hướng tương tác, trẻ có thể chạm trực tiếp vào đáp án và nhận lại phản hồi", ông nói
Không chỉ phát triển sản phẩm, đội ngũ Kids UP còn đẩy mạnh kinh doanh với đội ngũ đại lý rộng khắp trên cả nước và còn mở rộng sang thị trường nước ngoài, tiêu biểu là Thái Lan.
Đánh giá cao về bài trình bày ngắn gọn của nhóm Kids UP, PGS.TS Lương Chi Mai (Chủ tịch HĐKH Viện CNTT, Viện Công nghệ thông tin) cùng các thành viên hội đồng giám khảo đã đặt thêm một số câu hỏi để tìm hiểu sâu hơn về nền tảng công nghệ thông tin của các ứng dụng. Theo bà Mai, việc ứng dụng chạy offline là chính và phần server chỉ dùng để lưu lại lịch sử học của trẻ sẽ chưa tận dụng được hết tiềm năng.
Trong khi đó, ông Huy Nguyễn, Giám đốc công nghệ Kardia Chain đặt câu hỏi về việc giữ chân người dùng. "Làm thế nào để học sinh gắn bó với ứng dụng? Số lượng câu hỏi trên Kids UP là bao nhiêu và khi nào thì hết".
Trả lời về vấn đề này, CEO của Kids UP cho biết ứng dụng được xây dựng với hơn 1.000 dạng bài tập khác nhau, mỗi bài học không chỉ có 20 câu hỏi mà tới 100 dạng trò chơi, 9 cấp độ khó khác nhau, não trái và não phải. "Tỷ lệ giữ chân người dùng sau 3 tháng lên đến 40% và trong số những khách hàng còn lại, đội ngũ kinh doanh sẽ tư vấn và 20% trong số này nâng cấp lên gói trọn đời sau 1 tháng sử dụng", ông Chung nói.
Đánh giá con số giữ chân người dùng lên đến 40% là rất cao, ông Huy Nguyễn mong muốn được xem các số liệu được phân tích. Nhóm Kids UP cho biết dữ liệu này được cung cấp thông qua Google, Apple và sẵn sàng chia sẻ bên lề của buổi chấm Chung khảo.
Trình bày tiếp theo cũng là một nền tảng giáo dục, CodeLearn của FPT Software. Bắt đầu bài thuyết trình bằng câu trích dẫn của Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: "Mỗi người cần biết ba ngôn ngữ: tiếng mẹ đẻ, tiếng Anh và ngôn ngữ lập trình", nhóm nêu bật tầm quan trọng của việc học lập trình và thực tại ở Việt Nam.
Theo ông Cao Văn Việt, nhà sáng lập CodeLearn, ý tưởng phát triển đến từ mong muốn xây dựng hệ thống chuyên về đào tạo để giải quyết bài toán của tổ chức và luyện tay nghề cho lập trình viên (cá nhân). Đến nay, nền tảng này đã có gần 300.000 người đăng ký sử dụng, trong đó hơn 289 nghìn người tại Việt Nam, gần 16 nghìn đến từ Nhật Bản.
CodeLearn được xây dựng với 6 nhóm tính năng, trong đó người dùng có thể tham gia 17 khóa học lập trình và lấy chứng chỉ. Để trau dồi, học viên sẽ được rèn luyện kỹ năng với hàng nghìn bài tập và có thể tham gia thi đấu để giành phần thưởng, được vinh danh tại bảng xếp hạng. Ngoài ra có có các tính năng quản trị người dùng và báo cáo, thống kê quá trình học tập.
"Một trong những khác biệt của CodeLearn là có giao diện tiếng Việt, bên cạnh tiếng Anh", ông Việt chia sẻ về dự án "con đẻ". "Có ý kiến cho rằng đã học lập trình tức là phải biết tiếng Anh, khuyến khích dùng tiếng Anh. Nhưng khi có ngôn ngữ tiếng Việt sẽ giúp người học dễ dàng tiếp cận ngay từ bước đầu và trong tương lai CodeLearn sẽ mở rộng đa ngôn ngữ".
"Là người làm cả công tác giảng dạy, tôi đánh giá giải pháp này hay, có tính hấp dẫn", TS. Phùng Văn Ổn, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, mở đầu phần nhận xét với CodeLearn. "Nếu triển khai việc học tập trên quy mô cấp trường thì cần gì? Học sinh có thể học tập và thực hành trên những ngôn ngữ lập trình nào".
Trả lời vấn đề này, ông Việt cho biết hiện nay có nhiều học sinh và giáo viên sử dụng CodeLearn nhưng chưa ở cấp độ trường học. "Nếu đăng ký theo trường lớp thì sẽ được phân quyền, quản lý quá trình học của sinh viên, xem được các chỉ số sâu hơn. Hiện nay, CodeLearn hỗ trợ trên 10 ngôn ngữ lập trình như C, C++, Java, Python…
Phiên thi buổi sáng tại Hội đồng Tiềm năng còn có DSMiner: Nền tảng sự động phân tích và hiểu khách hàng ứng dụng trong bán lẻ, thương mại điện tử và quảng cáo trực tuyến; Agridential.vn - nền tảng Blockchain truy xuất nguồn gốc thông tin theo chuỗi giá trị; trong khi đó Trung tâm Giải pháp Chính phủ Điện tử - Công ty Công nghệ Thông tin VNPT mang đến giải pháp Cổng Dịch vụ công quốc gia.
"Bật ngửa" trước hồ sơ "khủng" của Ban giám khảo
Mở đầu phần chấm thi buổi chiều, nhóm phát triển loa thông minh Olli tích hợp trợ lý ảo Maika mang theo tham vọng trong việc tạo ra một sản phẩm hỗ trợ tốt tiếng Việt, phục vụ riêng cho người Việt. Giải pháp bao gồm loa có giá bán công bố 2,39 triệu đồng và phần mềm tích hợp hỗ trợ giải trí, nhắc việc, tra cứu thông tin, làm chủ nhà thông minh bằng giọng nói tiếng Việt.
Cho rằng trên thế giới đã có nhiều sản phẩm tương tự, PGS.TS Lương Chi Mai đặt câu hỏi về tính cạnh tranh của loa Olli. "Hiện tại Google Assistant đang tạm không hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt nhưng tương lai thì rất có thể sẽ mở, vậy các bạn sẽ cạnh tranh thế nào", bà nêu vấn đề. Đây cũng là điểm mà giám khảo Huy Nguyễn muốn nhóm dự thi làm rõ.
Theo ông Bùi Bách Việt, nhà đồng sáng lập dự án Olli, trợ lý ảo Maika được nhóm phát triển từ năm 2018 và khi đó Google Assistant có mở ngôn ngữ tiếng Việt nhưng sau đó đóng đến hiện nay. "Dưới góc độ người dùng, khi Google Assistant mở lại tiếng Việt thì tôi thấy trợ lý giọng nói này vẫn chưa phát huy hết, Maika sẽ làm tốt hơn", ông Việt cho hay.
Nhà đồng sáng lập và CEO Olli lấy ví dụ và cho biết trợ lý giọng nói Maika đang phát triển dự án để giúp trẻ em Việt Nam tiếp cận với học tập Steam. "Mảnh ghép cho trợ lý ảo còn rất rộng mở và chúng tôi tin hoàn toàn có thể gặt hái thành công", ông Việt tự tin.
Đào sâu vào vấn đề đối thủ, giám khảo Huy Nguyễn cho rằng Google có thể không phải đối thủ mạnh nhất vì tính chất bản địa hóa. "Thực tế ở Việt Nam cũng có những công ty phát triển trợ lý giọng nói tương tự Maika và thực tế những đối thủ này còn nguy hiểm hơn, cơ hội và lợi thế nào cho bạn", ông Huy Nguyễn nêu.
Câu hỏi trên có phần "làm khó" đội thi và thêm bất ngờ khi biết ông Huy Nguyễn là một trong những quản lý cấp cao trẻ nhất của Google. "Trong thời gian làm việc tại Google, chính tôi cũng tham gia dự án về trợ lý giọng nói của Google cùng với hàng nghìn nhân viên, đều là những người rất giỏi. Đây thực sự là một bài toán khó và chúc các bạn thành công", ông Huy chia sẻ.
Trong khi đó, giám khảo Lương Chi Mai cũng có "profile khủng" trong lĩnh vực này. Bà được biết đến là một nhà khoa học nữ tiên phong trong lĩnh vực Nhận dạng và Công nghệ tri thức ở Việt Nam. Năm 2010, PGS.TS Lương Chi Mai là một trong hai nhà khoa học nữ vinh dự nhận Giải thưởng Kovalevskaia. Với kiến thức sâu rộng của mình, bà cũng đưa ra một số tư vấn cho nhóm phát triển Olli và trợ lý giọng nói Maika.
Với vai trò là Phó Tổng Giám đốc Công ty VNPT Technology ông Nguyễn Việt Bằng có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất phần cứng. Những thông tin được ông Bằng đào sâu cũng làm rõ thêm về sản phẩm loa Olli, đồng thời mang tới những lời khuyên cho đội thi.
Phần thi buổi chiều tại phòng Sản phẩm khởi nghiệp và Chuyển đổi số triển vọng còn có phần trình bày và giải đáp của nhóm Nền tảng CRM Callio (Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ GADGET), Giải pháp nhà thông minh ONE Home Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông - VNPT Technology) và Nền tảng trợ lý ảo tổng đài trí tuệ nhân tạo (AI Call Center Virtual Assistant Platform).
Giải thưởng Nhân tài đất Việt lần thứ 16 được bảo trợ bởi: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Đồng hành cùng giải thưởng Nhân tài Đất Việt lần thứ 16 có các đơn vị tài trợ: Tập đoàn Vingroup (Vingroup), Tập đoàn Sun Group, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu Tư & Phát Triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), ECO Pharma, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank)... và các đơn vị đồng hành: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Tập đoàn Ecopark, Tập đoàn AMACCAO, Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm Khang Linh, Tập đoàn Masterise, Công ty cổ phần giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY), Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Anh (TamAnh Hospital).
Sự quan tâm, đồng hành của các đơn vị, nhà tài trợ chính, và các đơn vị đồng hành là động lực lớn cho Ban Tổ chức để hoàn thành tốt cuộc thi, hoàn thành sứ mệnh tìm kiếm và tôn vinh các tài năng trong nhiều lĩnh vực.