Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam bắt sóng 4.0

(Dân trí) - Nhắc đến các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, nhiều người vẫn nghĩ các doanh nghiệp này chủ yếu vẫn đang thực hiện các công đoạn gia công cho các ‘ông lớn’ ở nước ngoài. Tại Hội thảo và Triển lãm công nghệ 4.0 (Industry 4.0 Summit), nơi giới thiệu và triển lãm những thành tựu công nghệ ‘made in Vietnam’ đã chứng minh điều ngược lại từ các doanh nghiệp phần mềm trong nước.

Khu vực trưng bày của tập đoàn công nghệ FPT thu hút đông đảo sự quan tâm nhờ một loạt giải pháp mới chứng tỏ tốc độ nắm bắt công nghệ 4.0 cực nhanh của tập đoàn. Nổi bật nhất phải kể đến cánh tay robot của FPT dù chỉ có kích cỡ như bàn tay trẻ em nhưng có khả năng mô phỏng linh hoạt theo các chuyển động của bàn tay con người thông qua kết nối internet.

“Nhiều nền tảng IoT ứng dụng trong nhà máy thông minh như MindSphere của Siemen thường phải kết nối với sản phẩm do hãng này sản xuất. Do đó làm cách nào để có thể kết nối nền tảng IoT này với các thiết bị khác là một vấn đề mà nhiều công ty rất quan tâm. Cánh tay robot chính là kết quả cho quá trình thử nghiệm kết nối từ nền tảng IoT MindSphere, AWS… đến các thiết bị khác nhau mà chúng tôi đã thực hiện”, Nguyễn Quốc Hùng, chuyên gia công nghệ của FPT Software chia sẻ tại sự kiện. Trong thời gian tới, dự kiến FPT sẽ cho ra đời bộ giải pháp hỗ trợ nhà máy thông minh phiên bản 1.0 với các tính năng như: bảo trì dự đoán, sản xuất mô phỏng, kiểm soát chất lượng, kết hợp robot, máy bay không người lái với các công nghệ cốt lõi là IoT – Digital Twin, AI – Deep Learning, Big Data – dự đoán với dữ liệu lớn.

Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam bắt sóng 4.0 - 1

Ngoài cánh tay robot, gian hàng của FPT còn hấp dẫn khách thăm quan bởi lời chào bằng chất giọng 3 miền Bắc – Trung – Nam phát ra từ máy tính do nền tảng trí tuệ nhân tạo (FPT.AI) thực hiện. Nền tảng trí tuệ nhân tạo này của FPT không chỉ phục vụ nhiều doanh nghiệp trong nước mà còn xuất khẩu thành công ra nước ngoài. Một ví dụ tiêu biểu hãng viễn thông hàng đầu Singapore đã xây dựng Bot - ứng dụng trao đổi tự động trên nền tảng FPT.AI, giúp người dùng tra cứu thông tin về sản phẩm, dịch vụ mới…. Ứng dụng đã tiếp nhận và xử lý hơn 40.000 yêu cầu của người dùng trong một tháng, ngày cao điểm là hơn 4000 yêu cầu.

Cạnh FPT là gian hàng của CMC với chủ đề Conceptualize Data Driven & Intelligence. Tại đây, các chuyên gia bảo mật CMC trình diễn ấn tượng các tính năng giám sát, phát hiện các lỗi bảo mật ứng dụng công nghệ 4.0 như Big Data, Automation… Người hàng xóm VNPT cũng không chịu kém cạnh khi giới thiệu hàng loạt các giải pháp 4.0 như Cổng thông tin về du lịch, Giải pháp Smart Connected Platform trên nền tảng IoT…

Cơ hội vàng cho doanh nghiệp tiên phong trong xuất khẩu phần mềm

Theo ước tính, thị trường xuất khẩu của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT của Việt Nam trong các năm qua đã đạt tốc độ phát triển khá cao, từ 15% đến 25%/năm. Tuy nhiên, con số này còn có khả năng tăng cao hơn nữa, do tiềm năng thị trường rộng mở.

Trong chuyến thăm Việt Nam đầu năm 2018, ông Bill Ruh, Giám đốc chuyển đổi số của GE kiêm Tổng Giám đốc GE Digital nhận định: “Công nghiệp phần mềm sẽ trở thành ngành có giá trị nhất, có cơ hội lớn nhất. Dự kiến quy mô doanh thu của ngành công nghệ phần mềm trong 10 năm tới sẽ đạt con số 6,8 nghìn tỷ USD”. Ông Bill Ruh cũng khẳng định thêm, những doanh nghiệp phần mềm quy mô lớn và chuyên nghiệp sẽ là những công ty có cơ hội phát triển tốt nhất trên thế giới. Giờ là thời điểm thống trị của phần mềm”.

Nói về tiềm năng của ngành phần mềm Việt Nam, Tạp chí Forbes nhấn mạnh: “Rất ít người nghĩ rằng Việt Nam có thể có được vị trí như Thung lũng Silicon (Silicon Valley) của Mỹ, thế nhưng Việt Nam có một tinh thần công nghệ và lực lượng lao động có trình độ không khỏi khiến người ta nghĩ về nhiều câu chuyện khởi đầu trong ngành công nghệ Mỹ trước đây”. Và nếu biết nắm bắt tốt cơ hội cũng như có chiến lược đầu tư phù hợp, chắc chắn các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam sẽ ngày càng nâng cao giá trị, giúp nâng tầm của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Quay trở lại với những công nghệ mới mẻ được các doanh nghiệp Việt Nam trình diễn tại Industry 4.0 Summit vừa qua, nhiều chuyên gia đều chung nhận định, dù nhiều giải pháp vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng nhờ đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ 4.0 mà phần mềm Việt Nam đang có những bước tiến mới trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sớm bắt kịp xu hướng và trở thành đối tác đồng hành phát triển công nghệ mới. Nổi bật trong số đó là tập đoàn FPT với kinh nghiệm 20 năm tiên phong xuất khẩu phần mềm. Không chỉ đẩy mạnh cho công nghệ, FPT còn có thêm một bước tiến nữa trong hành trình trở thành một trong những công ty hàng đầu thế giới về cung cấp dịch vụ chuyển đổi số thông qua việc mua công ty tư vấn công nghệ hàng đầu của Mỹ là Intellinet. Sự kết hợp giữa thế mạnh về tư vấn của Intellinet và năng lực công nghệ, kinh nghiệm kinh doanh toàn cầu của FPT sẽ giúp hai bên cung cấp cho các tập đoàn lớn trên thế giới dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn, đặc biệt là dịch vụ chuyển đổi số.

Ông Marc Fontaine, Giám đốc Chuyển đổi số của Airbus khẳng định, “chúng tôi tìm kiếm những đối tác có năng lực, có sức cạnh tranh cao và có tiềm năng phát triển để hợp tác. Việt Nam nói chung và FPT nói riêng hội tụ đầy đủ các yếu tố này”. Nhận định này một lần nữa khẳng định tương lai tươi sáng của ngành phần mềm Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0.

PV