Doanh nghiệp ICT vươn ra thế giới: Còn thiếu khát vọng
(Dân trí) - “Doanh nghiệp Việt còn thiếu khát vọng khi nghĩ đến toàn cầu hoá. Nền kinh tế Việt Nam với trên 70% xuất khẩu là FDI, chủ yếu gia công lắp ráp là một nỗi đau. Những doanh nhân có tâm với đất nước phải đau với nỗi đau này”, ông Nguyễn Liên Phương, Giám đốc Học viện Doanh nhân LP, trăn trở.
Doanh nghiệp Việt còn thiếu khát vọng
Tại buổi Toạ đàm Doanh nghiệp ICT vươn ra thế giới diễn ra hôm qua (28/12) tại Hà Nội do Câu lạc bộ nhà báo ICT Press tổ chức, ông Nguyễn Liên Phương, Giám đốc Học viện Doanh nhân LP cho rằng thương hiệu Việt có thể đàng hoàng đi ra nước ngoài nhưng hiện tại ở trên kệ hàng của người ta chúng ta còn còn yếu quá.
Theo ông Phương, để vươn ra thế giới, doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp ICT nói riêng cần đặt ra 2 tiêu chuẩn: hãy tư duy theo ngôn ngữ và cảm nhận của toàn cầu. “Ví dụ, làm bông hoa để bán cho thế giới chứ không chỉ bán ở chợ nhà mình. Thế giới cần rau thì mình làm rau, cần phần mềm thì mình làm phần mềm”. Tiêu chuẩn thứ hai là phải có khát khao của 1 dân tộc từng 3 lần đánh tan quân Nguyên,.. 1 dân tộc như thế không thể chỉ làm thuê cho thiên hạ".
Ông Phương nhấn mạnh chúng ta nên cổ súy cho tinh thần Việt Nam, khát vọng Việt, thương hiệu Việt. “Sau 6 năm, chúng tôi quy tụ được cộng đồng đông, đã có 35.000 doanh nhân trong toàn quốc kết nối, trong đó có nhiều doanh nghiệp CNTT. Nhưng phải nói thật, tôi muốn đề xuất thành lập CLB Thương hiệu Việt hội nhập. Hội nhập thật chứ không phải chỉ gia công. Thương hiệu Việt có thể đàng hoàng đi ra nước ngoài nhưng ở trên kệ hàng của người ta thương hiệu Việt còn yếu quá. Chúng tôi đang tìm cách giải mã, tại sao người Việt Nam nhiều phẩm chất tốt thế mà vẫn hèn. Chúng ta hãy làm sao để không hèn nữa, không chấp nhận làm thuê nữa, có thể làm cho vài năm rồi sau đó làm ông chủ để cạnh tranh”.
Một lần nữa ông Phương nói nền kinh tế Việt Nam với trên 70% xuất khẩu là FDI, chủ yếu gia công lắp ráp là một nỗi đau. Ông cho rằng những doanh nhân có tâm với đất nước phải đau với nỗi đau này.
Ông Phương nói doanh nghiệp Việt còn thiếu khát vọng. Điều quan trọng là nhà nước cần cổ suý, yểm trợ và đưa ra các chính sách đặc biệt cho những doanh nhân dám mang thương hiệu Việt ra nước ngoài.
Muốn “sống” là phải tìm đến đối thủ cạnh tranh mạnh
Cùng trăn trở như ông Phương, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel cho rằng: “Doanh nghiệp Việt phải là khát vọng thần thánh chứ khát vọng con con thì không đủ sức. Khát vọng đó hơi giống như là khi mình mất nước, có khát vọng giành độc lập, thống nhất đất nước. Khát vọng phải như vậy thì mới đủ để Việt Nam trỗi dậy”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel.
Tâm sự về “con đường” dẫn tới thành công của Viettel khi tiến ra thị trường toàn cầu, ông Hùng chia sẻ: “Khi ra nước ngoài bản chất là đẩy mình vào chỗ chết, phải va với những ông giỏi nhất thế giới trong khi mình chưa có gì trong tay. Năm 2006, Viettel chỉ bằng 30% bây giờ, còn rất bé, doanh thu và lợi nhuận bằng 1/30, 1/40 bây giờ. Lúc đó Viettel đi ra nước ngoài với tư duy số 1 là ra ngoài cạnh tranh để học hỏi. Ra ngoài để cạnh tranh với các ông lớn để về Việt Nam làm tốt hơn. Sau đó mới là câu chuyện mở rộng thị trường, hợp tác quốc tế, bảo vệ đất nước từ xa”.
Ông Hùng nhấn mạnh, kể cả những doanh nghiệp lớn cũng cần phải đi ra để tìm đến đối thủ cạnh tranh mạnh. Một tổ chức muốn bền vững thì phải có đối thủ tốt. Nếu không có đối thủ tốt thì chắc chắn tổ chức không tồn tại. “Gần đây khi VNPT tái cấu trúc, CMC tăng trưởng tốt, Viettel vô cùng vui mừng bởi khi có những đối thủ từng ngày từng giờ va chạm thì nhân viên mới nhận thức được sự cạnh tranh để phát triển”, người đứng đầu nhà mạng quân đội nói.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT, cũng không ngại chia sẻ về quyết định “toàn cầu hoá” khi mà chẳng hiểu thế nào là toàn cầu hoá. Ông Bình kể: “19 năm trước, khi FPT kỷ niệm 10 năm thành lập đã quyết định toàn cầu hóa, làm băng rôn to đỏ treo từ tầng 4 đến tầng 1, viết là toàn cầu hóa, dù thực ra chẳng hiểu thế nào là toàn cầu hóa”.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT.
Ông Bình cho hay động lực ra quốc tế của FPT được thôi thúc bởi một lời khuyên của một tham tán của Đại sứ quán Nhật Bản cho rằng FPT nên sang thị trường Ấn Độ. “Lúc đó chúng tôi học theo Infosys, TATA. Ông Phó Chủ tịch TATA gần như dắt chúng tôi, cầm tay chỉ việc, từ tuyển nhân viên đến thi cử, chất lượng”.
“Cái chúng ta tiếc là doanh nghiệp Việt không có niềm tin, chúng ta hầu hết đã không tin, đã từng có nhiều người nói rằng ra nước ngoài là chém gió. Họ đã rất cẩn trọng và nhiều công ty đã nói thôi cứ thử, nếu họ thành công thì mình sẽ làm, còn không thành công thì một mình họ chết”, ông Bình kể lại sự thiếu niềm tin, thiếu quyết tâm của DN Việt 19 - 20 năm trước. Ông cho rằng chúng ta đã bỏ nhỡ một quãng thời gian rất phí.
“Đến hôm nay, năng lực Việt Nam có thể nói được khẳng định. Ngoài chuyện cạnh tranh trực tiếp với TATA, Infosys, về xếp hạng, riêng FPT Japan ở nhật cũng được xếp top dưới 50. Lấy cả FPT chỉ phần xuất khẩu thì so với Ấn Độ ở top 15”.
Ông Bình nhấn mạnh: “Thị trường phần mềm sáng tạo thế giới là vô hạn. Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp Việt có quyết tâm hay không. Cơ hội cho chúng ta rất lớn và rất tốt. Thực tiễn cho thấy kết quả rất tuyệt vời cho những người đã dũng cảm ra nước ngoài”.
Đối với những startup Việt đang tấn công thị trường nước ngoài, công thức chung hiện tại của chàng trai trẻ là “phải mạo hiểm, quyết tâm và gạt qua nỗi sợ hãi trước những khách hàng biết quá nhiều”.
Khôi Linh