Doanh nghiệp "đau đầu" trước việc đổi mã vùng điện thoại cố định
(Dân trí) - Trước việc thay đổi mã vùng điện thoại của 59/63 tỉnh thành trên cả nước kể từ ngày 1/3/2015, nhiều doanh nghiệp tỏ ra ngao ngán và “đau đầu” tìm biện pháp để tránh thiệt hại.
Theo Thông tư 22/2104/TT-BTTTT Quy hoạch kho số viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành về việc thay đổi mã vùng điện thoại cố định các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2015.
Giải thích về việc ban hành Thông tư này, thông cáo của Bộ TT-TT cho biết, theo quy hoạch cũ thì số đầu mã làm mã vùng cho mạng cố định là 7 và làm mã mạng cho mạng di động là 2. Bộ TT&TT cho rằng, điều này bộc lộ sự thiếu hiệu quả trong quy hoạch, sử dụng kho số giữa mạng cố định và mạng di động. Về lâu dài, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường viễn thông di động sẽ dẫn đến thiếu số cho di động trong khi thừa số cho cố định.
Quy hoạch mới đã giải quyết bất cập này bằng việc quy hoạch 1 đầu mã làm mã vùng; 8 đầu mã làm mã mạng, trong đó 6 đầu mã làm mã mạng cho mạng di động, 1 đầu mã làm mã mạng sử dụng cho thuê bao di động là thiết bị và 1 đầu mã làm mã mạng cho các mạng viễn thông khác như mạng viễn thông cố định vệ tinh, mạng viễn thông dùng riêng, mạng điện thoại Internet và dự phòng.
Đồng thời, với việc không có sự thống nhất trong độ dài quay số dẫn đến dễ gây nhầm lẫn và khó nhớ đối với người sử dụng dịch vụ. Quy hoạch mới giải quyết bất cập này bằng việc quy hoạch độ dài mã vùng là 2 hoặc 3 chữ số, độ dài số thuê bao điện thoại cố định giữ nguyên là 7 hoặc 8 chữ số phụ thuộc vào vùng đánh số cụ thể.
Doanh nghiệp thiệt hại lớn - tìm cách xử lý
Khi Dân trí liên lạc với một số doanh nghiệp đang kinh doanh vận tải, du lịch và viễn thông… một số chủ doanh nghiệp đều tỏ ra mệt mỏi và cho biết, “chưa biết việc quản lý sẽ hiệu quả của việc thay đổi như thế nào nhưng doanh nghiệp sẽ chịu thiệt thòi rất lớn, gây thiệt hại về kinh tế.”
Ông Trần Văn Tuấn, chủ doanh nghiệp vận tải Quý Thảo tại DakLak cho biết: “Thật sự thông tin rất bất ngờ, thông qua báo chí tôi mới biết sự thay đổi mới của Bộ TT&TT chỉ mới mấy ngày hôm nay. Trong khi đó, chúng tôi mới mở ra một tuyến đường mới để kinh doanh vận tải khách hàng, mọi công tác chuẩn bị, từ in ấn namecard, banner, tờ rơi… chỉ vài ngày trước khi thấy thông tư mới. Giờ phải sửa lại hết hoàn toàn. Chưa kể các tuyến đường khác mà chúng tôi đang khai thác cũng phải sửa đổi tất cả, gây thiệt hại nghiêm trọng”.
“Tình hình kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp đang đau đầu tìm cách giải quyết hướng đi cho doanh nghiệp của mình. Việc thay đầu số chỉ trong thời gian quá ngắn, trong khi trước đó chưa được thông tin và từng quy trình chuyển đổi theo từng giai đoạn sẽ giúp doanh nghiệp tránh thất thoát. Tất nhiên, sẽ ảnh hưởng đến doanh thu trong thời gian ngắn tới của chúng tôi.” ông Tuấn ngao ngán nói.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp về kinh doanh dịch vụ du lịch, bán hàng trực tuyến vẫn chưa biết việc thay đổi mã vùng số điện thoại cố định từ ngày 1/3. Khi được hỏi, nhiều đơn vị tỏ ra bất ngờ và lúng túng không biết sẽ phải xử lý như thế nào.
“Rồi, trước mắt là thấy phải tính toán chi ra một khoảng không nhỏ để làm lại hình ảnh công ty, phải làm lại bảng hiệu, làm lại thông tin từ tờ rơi quảng cáo, thông tin trên website, card visit… vì một cái mã số đứng trước. Tốn kém không ít trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay.” Một doanh nghiệp bán hàng online cho biết.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp khai thác tour du lịch, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty VietSense Travel: "Việc thay đổi trực tiếp ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp của tôi nói riêng. Đầu tiên sẽ làm gián đoạn liên lạc với một số khách hàng mới ở các địa phương chưa cập nhật được thay đổi. Thứ 2 là các tài liệu quảng bá, biển hiệu sẽ phải thay đổi cho đúng số cập nhật. Thứ 3 là phải thông báo đến các đối tác và khách hàng nước ngoài điều này mất thời gian và ảnh hưởng đến tâm lý đối tác khách hàng. Thứ 4 là thêm số sẽ làm cho việc nhớ số đt khó khăn hơn. Việc này tốn thời gian và trước mắt là có thể thấy gây thiệt hại kinh tế trực tiếp cho doanh nghiệp".
Về phía doanh nghiệp cung cấp viễn thông FPT Telecom, ông Phạm Văn Tuyên – Trưởng phòng Kinh doanh Dịch vụ thoại – Công ty Viễn thông quốc tế FPT (FTI, thuộc FPT Telecom) đánh giá rằng: “Quy hoạch kho số viễn thông mới được Bộ TT&TT ban hành, mã vùng điện thoại cố định của 59/63 tỉnh, thành phố thay đổi sẽ ảnh hưởng tới cả các nhà cung cấp dịch vụ cũng như khách hàng. Cụ thể, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ phải thay đổi cấu trúc và công thức cước trên hệ thống và cấu trúc định tuyến cuộc gọi. Còn khách hàng sẽ phải thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ thoại theo mã vùng mới”.
Vị này cũng cho biết rằng, trước sự thay đổi trên, thời gian đầu sẽ khá bất tiện nhưng đơn vị FTEL cũng sẽ chuẩn bị các phương án kỹ thuật tổng đài và hệ thống tính cước để đáp ứng yêu cầu thay đổi. Đồng thời thông báo, hướng dẫn thông tin thay đổi cho khách hàng, đối tác trong và ngoài nước để đảm bảo giảm tối đa bất tiện cho người sử dụng.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, tính tới thời điểm này có đến gần 7 triệu thuê bao điện thoại cố định đang hoạt động, việc thay đổi mã vùng từ ngày 1/3 được nhiều doanh nghiệp đánh giá sẽ gây ra nhiều thiệt hại lớn và xáo trộn… con số thiệt hại về kinh tế sẽ không nhỏ!
Quốc Phan