Điểm tuần: Hàng loạt quy định mới về xác thực và sử dụng mạng xã hội
(Dân trí) - Những thông tin công nghệ nổi bật tuần qua gồm các thay đổi liên quan đến Nghị định 147/2024/NĐ-CP, yêu cầu người dùng xác thực thông tin khi sử dụng mạng xã hội hoặc giới hạn thời gian chơi game.
Từ 25/12, tài khoản mạng xã hội phải xác thực số điện thoại
Theo Điểm e khoản 3 Điều 23 của Nghị định 147/2024/NĐ-CP, người sử dụng dịch vụ mạng xã hội phải thực hiện xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam từ ngày 25/12.
Chỉ trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP nêu rõ chỉ những tài khoản đã xác thực bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân mới được hoạt động, bao gồm đăng thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Giới hạn thời gian chơi game với người dưới 18 tuổi
Nghị định 147/NĐ-CP/2024 được Chính phủ ban hành đã có nhiều quy định mới, trong đó người dưới 18 tuổi không được chơi một game quá 60 phút/ngày.
Đối với người chưa đủ 18 tuổi chơi nhiều trò chơi điện tử trong một ngày, thời gian là không quá 180 phút.
Những đơn vị phát hành phải có thông tin khuyến cáo "chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe", thông tin này phải được hiển thị tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi và trên màn hình thiết bị với tần suất 30/lần trong suốt quá trình chơi.
Sẽ tăng mức phạt với người phát tán tin giả trên mạng xã hội
Tại phiên trả lời chất vấn trước đại biểu Quốc hội vào ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện nay đã có quy định phạt 5-10 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để "bóc phốt", nói xấu nhau và phát tán thông tin sai sự thật.
"Mức phạt này tại Việt Nam là cao, nhưng so với các nước vẫn còn thấp. Sắp tới, sẽ phải tăng mức phạt các hành vi này", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết hiện nay mới chỉ phạt người sử dụng mạng xã hội nói xấu người khác, còn trách nhiệm của nhà mạng và mạng xã hội vẫn chưa rõ.
"Các quốc gia khác phạt rất nặng, thậm chí lên tới cả triệu USD. Họ quy định cả trách nhiệm của nhà mạng và mạng xã hội, thậm chí chủ mạng xã hội có thể phải đi tù theo pháp luật Singapore", Bộ trưởng dẫn chứng và cho biết tới đây sẽ tính toán quy định xử lý nhà mạng.
Có thể xử lý hình sự hành vi mê tín dị đoan trên mạng xã hội
Tại phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) diễn ra vào sáng 12/11, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) đã đặt câu hỏi về giải pháp xử lý dứt điểm vấn nạn mê tín dị đoan trên không gian mạng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, vấn đề này Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần vào cuộc xác định hành vi, khi cần xác định danh tính hoặc ngăn chặn thì phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ sẽ xử lý vấn đề này rất nhanh.
Theo Bộ trưởng Hùng, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, cơ quan chức năng sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi, sau đó báo sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý.
Bộ TT&TT cũng đang làm việc với các mạng xã hội, yêu cầu những nền tảng mạng xã hội phát triển các công cụ để tự rà quét và khi phát hiện nội dung mê tín dị đoan thì hạ xuống.
Giải pháp công nghệ hỗ trợ quản trị doanh nghiệp
Trong khuôn khổ SaaS Day 2024, Base đã công bố giải pháp quản trị khách hàng Base CRM. Đây là một nền tảng tích hợp cho phép doanh nghiệp sử dụng nhiều ứng dụng khác nhau để giải quyết các bài toán kinh doanh phức tạp.
Trong khi đó, Base Service là ứng dụng quản lý dịch vụ nội bộ cho phép doanh nghiệp tự tạo ra các luồng vận hành theo nhu cầu riêng. Ứng dụng này giúp các nhà lãnh đạo có cái nhìn tổng quan về hoạt động của doanh nghiệp, từ đó nhanh chóng xử lý các vấn đề phát sinh và tối ưu hóa chi phí.
Người dùng YouTube Premium vẫn phải xem quảng cáo
Gần đây, nhiều người dùng đã bày tỏ sự bức xúc khi vẫn thấy quảng cáo xuất hiện dù đã đăng ký dịch vụ YouTube Premium. Người dùng cho biết họ gặp phải quảng cáo dưới nhiều hình thức khác nhau, từ quảng cáo trước hoặc giữa video đến quảng cáo trên trang chủ.
Trang công nghệ 9to5Mac đã liên hệ với YouTube để tìm hiểu nguyên nhân và nhận được phản hồi rằng đôi khi quảng cáo có thể mang lại các chương trình khuyến mãi có lợi cho người xem.
"Thỉnh thoảng, chúng tôi cung cấp cho người dùng Premium quyền truy cập độc quyền vào các chương trình khuyến mãi thông qua các đối tác đáng tin cậy. Đó là lý do có thể xuất hiện các nội dung quảng cáo liên quan đến chương trình khuyến mãi", đại diện YouTube cho biết.
Đại diện này cũng khẳng định, việc tài khoản Premium gặp quảng cáo trước và trong khi xem video là "không thể xảy ra" và khuyến nghị người dùng liên hệ với bộ phận hỗ trợ của YouTube để được giải quyết.
Tai nghe tích hợp hộp sạc thông minh
Soundcore Liberty 4 Pro được trang bị hệ thống ANC với micro và cảm biến áp suất khí quyển. Thiết bị sử dụng thuật toán ANC 3.0 có khả năng tự động thích ứng với môi trường thay đổi ba lần mỗi giây, giúp giảm tiếng ồn và mang lại trải nghiệm liền mạch.
Tai nghe có kiến trúc âm thanh đồng trục ACAA, kết hợp loa trầm 10.5mm và loa tweeter titan 4.6mm. Hộp sạc của Liberty 4 Pro tích hợp màn hình hiển thị cài đặt cùng thanh cảm ứng giúp hỗ trợ điều chỉnh chế độ khử tiếng ồn hoặc độ trong suốt.