1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Đâu là bài toán “đau đầu” nhất của DN khi triển khai chuyển đổi số?

(Dân trí) - Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không kịp chuyển đổi thì sẽ nhanh chóng bị thua, bị doanh nghiệp khác loại khỏi cuộc chơi. Có những doanh nghiệp nếu không có phương án chuyển đổi mạnh mẽ thì không biết sẽ đi về đâu và có thể bị xóa sổ.

Phát triển hạ tầng số là mục tiêu quan trọng nhất

ICT Vietnam Summit 2019 bàn về chủ đề Chuyển đổi số và làm thế nào để biến Việt Nam thành một đất nước hùng cường.

ICT Vietnam Summit 2019 bàn về chủ đề Chuyển đổi số và làm thế nào để biến Việt Nam thành một đất nước hùng cường.

Tại diễn đàn Cấp cao CNTT và Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2019, Ban Tổ chức Diễn đàn đã tiến hành khảo sát 352 đơn vị doanh nghiệp, cơ quan trực thuộc các Bộ, ngành liên quan về chuyển đổi số nhằm tìm ra những mục tiêu quan trọng, điểm cần lưu tâm, và những mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp đối với chuyển đổi số.

Kết quả thu được cho thấy bên cạnh yếu tố quyết tâm của nhà nước, Chính phủ, thì việc phát triển hạ tầng số là một tiêu chí được xếp hạng đặc biệt cao, với 53,7% số người tán thành.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư thương mại và Phát triển công nghệ (FSI) Cao Hoàng Anh cho rằng, đối với chuyển đổi số tại các cơ quan cung ứng dịch vụ công thì cơ sở dữ liệu là tài sản chính của tổ chức, nếu không có thì không thể thực hiện được việc chuyển đổi số.

Do đó, trước hết cần xây dựng hạ tầng dữ liệu ở các tổ chức, bộ, ngành, địa phương với các loại dữ liệu đóng, mở và có nền tảng ứng dụng phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và cá nhân. "Trước mắt có thể khai thác và sử dụng nguồn dữ liệu sẵn có, nhưng về lâu dài cần có các quy định chuẩn và kiến trúc thống nhất trước khi xây dựng các cơ sở quốc gia để có thể kết nối và chia sẻ. Qua đó có thể giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân", ông Cao Hoàng Anh chia sẻ.

"Tôi hay nhìn vào Alibaba. Alibaba không có hạ tầng viễn thông, Jack Ma luôn nói mình chẳng phải chuyên gia công nghệ thông tin, nhưng họ đã trở thành công ty dịch vụ số thuộc loại lớn nhất thế giới", ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch tập đoàn Viettel chia sẻ. "Tôi tự đặt câu hỏi: Họ không có hạ tầng, ban đầu không có cơ sở khách hàng, mọi thứ đều phải đi thuê… mà làm được thì Viettel có đầy đủ các thứ tại sao không làm được?".

Công nghệ thông tin, tài chính, thương mại điện tử là "chìa khóa"

Đâu là bài toán “đau đầu” nhất của DN khi triển khai chuyển đổi số? - 2
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham quan các gian hàng tại Vietnam ICT Summit 2019. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tại buổi hội thảo, đa số các doanh nghiệp và đại diện cơ quan trực thuộc các Bộ, Ngành liên quan đồng ý rằng CNTT là lĩnh vực có thể chuyển đổi số nhanh nhất, với 77,3% số phiếu bầu. Tiếp theo là ngành Tài chính, ngân hàng (69,3%) và Thương mại điện tử (65,5%).

Đồng quan điểm này, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số đang mang cơ hội đến với Việt Nam và các doanh nghiệp ICT chính là hạt nhân của quá trình chuyển đổi này. 

"Chúng ta phải phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam. Chúng ta sẽ tập trung phát triển bốn loại doanh nghiệp công nghệ số: Một là các doanh nghiệp công nghệ lớn, làm chủ các công nghệ cốt lõi và đầu tư hạ tầng ICT, khoảng 10-20 doanh nghiệp, đó là các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, thị trường và nhân lực. Hai là các doanh nghiệp công nghệ đã 10-20 năm kinh nghiệm, hiện chúng ta đang có hàng ngàn doanh nghiệp, nhưng lại đang chủ yếu làm gia công thì nay sẽ chuyển sang làm sản phẩm, tập trung làm các Platforms chuyển đổi số. Ba là các doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp, làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Bốn là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá" - Bộ trưởng đề xuất cụ thể.

Đồng thời Bộ trưởng kêu gọi các doanh nghiệp ICT, mỗi người phải "nhận lấy" một nền tảng số để xây dựng, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Chia sẻ tại Hội nghị,  ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, phát biểu: “Đề án Chuyển đổi số Quốc gia đã đưa ra một mục tiêu đầy tham vọng khi định hướng Việt Nam sẽ lọt top 40 thế giới, top 4 ASEAN về chỉ số cạnh tranh toàn cầu. Để thực hiện được điều này, Chuyển đổi số chính là chìa khóa cho chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội. FPT sẽ giúp tổ chức/doanh nghiệp giảm 30-50% thời gian thực hiện các dự án chuyển đổi số, đồng thời đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ chất lượng cao

 FPT cũng cho biết đã và đang đầu tư phát triển những sản phẩm chuyển đổi số, giúp tối ưu hóa hoạt động, tăng năng suất lao động, gia tăng trải nghiệm, sáng tạo những mô hình kinh doanh mới. Chuỗi sản phẩm của FPT bao gồm 2 lớp: những nền tảng và giải pháp toàn diện ứng dụng những công nghệ lõi của chuyển đổi số như AI, Big Data, Blockchain, Cloud… , và các sản phẩm ứng dụng được đóng gói để ứng dụng ngay nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, nâng trải nghiệm người dùng.

"Nguồn lực" là yếu tố được doanh nghiệp quan tâm nhất 

Chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội, nhưng cùng với đó là muôn vàn thử thách.

Chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội, nhưng cùng với đó là muôn vàn thử thách.

Cơ hội chuyển đổi số rõ ràng là vậy, tuy nhiên cũng phải nói đến những khó khăn và thách thức vì Việt Nam hiện là nước đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp. 

Xét về yếu tố này, 55,7% số đơn vị được khảo sát cho rằng nguồn lực để triển khai chuyển đổi số là điều được họ quan tâm nhất. Bên cạnh đó, cũng nhiều người thắc mắc về Chuyển đổi số nên bắt đầu như thế nào, cũng như "Tin học hoá" thì khác gì so với Chuyển đổi số. 

Tiếp đó là khung pháp lý và hành lang chính sách chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được vai trò kiến tạo cho phát triển kinh tế trong CMCN 4.0 và chuyển đổi số. Và cũng phải kể đến là đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ và sáng tạo; đào tạo nhân lực chưa thực sự được quan tâm, có tỷ lệ đầu tư còn thấp so với nhiều nước. 

Luận chung lại, các chuyên gia khẳng định, quá trình Chuyển đổi số sẽ không chừa một doanh nghiệp nào. 

Chuyển đổi số rõ ràng không phải là câu chuyện của riêng doanh nghiệp nào và cũng không phải là việc có chuyển đổi hay không. Nó cũng không phải là việc đứng ngoài nhìn vào quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp khác mà học hỏi chuyển đổi sau. 

Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không chuyển đổi kịp thì sẽ nhanh chóng bị thua, bị doanh nghiệp khác loại khỏi cuộc chơi. Có những doanh nghiệp nếu không có phương án chuyển đổi mạnh mẽ thì không biết sẽ đi về đâu và có thể bị xóa sổ.

Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng đó là kết quả khảo sát cho thấy trên 40% doanh nghiệp tại Việt Nam đã nắm được kiến thức và sẵn sàng mọi nguồn lực để tham gia Chuyển đổi số, cũng như 23,6% đã và đang đang triển khai các hoạt động Chuyển đổi số. 

Chỉ có 5,1% cơ quan tổ chức, doanh nghiệp trả lời chưa hiểu biết, chưa hành động gì.

Nguyễn Nguyễn