Đầu cơ tên miền

Chỉ cần bỏ ra chưa tới 1 triệu đồng để đăng ký và duy trì tên miền (domain) trong một năm, nếu gặp khách, số tiền bán lại tên miền (nếu là domain đẹp) sẽ lên đến con số hàng tỉ đồng.

Tài nguyên quốc gia đang được rao bán công khai và làm giàu cho nhiều cá nhân nhưng Trung tâm Internet VN (VNNIC) - đơn vị được Bộ Bưu chính - viễn thông giao cấp phát tên miền - lại cho rằng rất khó phát hiện tình trạng đầu cơ, buôn bán tên miền. Thực tế thì sao?

Không mấy khó khăn để truy ra những domain đang bị rao bán. Chỉ cần vào trang tìm kiếm www.google.com.vn và gõ cụm từ “bán tên miền” là có thể tìm được hàng loạt website rao bán domain. Tại địa chỉ www.raobandomain.com, có tới 2.490 tên miền được rao bán, gồm cả những tên miền VN (“đuôi” .vn) và các tên miền quốc tế. Qua một hồi tìm kiếm, chúng tôi có trong tay 50 domain của VN do VNNIC cấp phát đang bị rao bán.

Những tên miền tiền tỉ

150.000 USD (khoảng 2,38 tỉ đồng) là giá tên miền 365.com.vn được rao bán trên trang web www.raobandomain.com.vn. Không dám chắc đây là tên miền VN đắt giá nhất nhưng đó là tên miền có giá bán cao nhất trong số 50 TM chúng tôi tìm thấy. Theo thông tin cung cấp từ website của VNNIC (www.vnnic.net.vn), domain này thuộc chủ sở hữu là Công ty cổ phần Cung cấp dịch vụ thông tin (ISSC).

365.com.vn hiện chỉ hoạt động dưới một website sơ sài thông báo nội dung chương trình nhắn tin trúng thưởng xe BMW do ISSC tổ chức. Người rao bán 365.com.vn ghi tên Nguyen Hoang Long, điện thoại liên lạc là 0904.286xxx. Domain này được chủ nhân quảng cáo là “vô cùng phù hợp với trang tin tức hoặc mọi trang về thương mại điện tử. Chắc chắn hay hơn http://www.24h.com.vn vì một năm có 365 ngày liên tục, liên tục, liên tục”.

Bấm điện thoại gọi vào số máy trên, người nhấc máy xưng tên Linh (?) nhưng thừa nhận mình đang rao bán 365.com.vn. Linh cho biết đã có một số người liên hệ và trả giá 120.000 USD nhưng anh chưa đồng ý bán. Anh này cũng nói chủ thể đăng ký tên miền này là ISSC nhưng đưa rao bán thì không thể đăng tên công ty. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua nó, Linh nói giá bán có thể hạ so với giá rao nhưng không thể thấp hơn 120.000 USD.

Linh còn nói nếu có ý định mua thì mail vào địa chỉ nhadautu@gmail.com chứ không nên gọi điện thoại vì “nội dung câu chuyện của chúng ta hôm nay, chỉ cần lệnh của công an, họ có thể in ra giấy và chúng ta nói với nhau những gì thì không cãi được nữa. Mua bán tên miền nguy hiểm lắm nhưng khéo một tí là được”.

Ngoài 365.com.vn, còn có trangtinvietnam.com.vn được rao bán với giá 150.000 USD. Người rao là Nguyễn Việt Dũng, Trung tâm giải pháp mạng và khắc phục nhanh sự cố máy tính Protect, điện thoại 04.7870xxx và 0983.081xxx. tên miền này, theo đăng ký tại VNNIC, do Công ty Quảng cáo chuyên nghiệp đứng tên. Ngoài ra, trong số 50 domain chúng tôi ghi lại, có một số tên miền khác được rao bán với giá cao như lafarge.com.vn (120.000 USD) do bà Phạm Thị Ngọc Hân là chủ thể đăng ký nhưng người rao bán là Phung.

DS (email liên lạc là han.pham@vnn.vn); showbiz.com.vn (100.000 USD) do ông Nguyễn Ngọc Vũ đăng ký, người rao bán không nói tên, chỉ ghi ABC, nhưng cho số điện thoại liên lạc là 0904.438xxx. Một số tên miền có giá dưới 100.000 USD gồm hopcho.com.vn (50.000 USD, người rao bán: Pham Sanh Tai, điện thoại: 0905.217xxx), muavang.net.vn (30.000 USD, Vinh Do, 0989.989xxx), myphamonline.com.vn (20.000 USD, Đỗ Huy Cảnh, 04. 8464xxx), 7eleven.com.vn (15.000 USD, Nguyễn Anh Vũ, 0912. 009xxx), vienthong.com.vn (10.000 USD, Do Hoang Diep, 0904. 307xxx)…

Đăng ký để đầu cơ

Xem qua danh sách những địa chỉ bị rao bán có thể thấy rất nhiều tên miền do một người rao bán và nhiều domain được đăng ký trùng với tên các công ty, các tổ chức hoặc các ngành nghề kinh doanh, thể hiện rõ chủ đích đầu cơ của người đăng ký. Thậm chí trên tin rao bán, chủ nhân TM lafarge.com.vn không giấu giếm ý định bán lại tên miền này cho Tập đoàn vật liệu xây dựng Lafarge khi thẳng thừng tuyên bố họ biết Lafarge đang xây dựng các nhà máy ximăng tại Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Lê Vũ Hoàng (hoang.le@vnsi4h.com) là chủ sở hữu bốn tên miền rao bán, trong đó có ba địa chỉ được rao bán dưới tên Trịnh Hải Ngọc (098.996xxx) gồm boeing.com.vn (2.000 USD, dành cho hãng máy bay), kaspersky.com.vn (1.000 USD, dành cho Công ty bảo mật Kapspersky nổi tiếng thế giới), zonelabs.com.vn (1.000 USD, dành cho một công ty bảo mật khác là Zonelabs) và mcafee.com.vn (700 USD, dành cho một hãng diệt virus).

Nguyen The Phu (0989.112xxx) rao bán tuanchau.com.vn (500 USD) cho người có nhu cầu xây dựng web quảng bá du lịch về Tuần Châu (Quảng Ninh). Đoàn Hải Anh (0903.229xxx) rao bán TM dnhanam.com.vn (10.000 USD) và quảng cáo đây là website của Hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam...

Bên cạnh những tên miền bị rao bán đã được đăng ký tại VNNIC, có không ít tên miền không thấy trong danh sách đăng ký tại VNNIC nhưng cũng đã bị rao bán như shophangdoc.com.vn (400 USD), shopquatang.com.vn (1.000 USD), kientrucnhaxinh.com.vn (1.000 USD), mobileone.com.vn (850 USD).

Tuy nhiên, dù không có tên trong danh sách đăng ký tại VNNIC nhưng mobileone.com.vn lại đang là một website hoạt động liên quan đến kinh doanh điện thoại di động. Khi chúng tôi thắc mắc về việc tại sao rao bán những tên miền chưa được đăng ký ở VNNIC, Nguyễn Trường Minh (điện thoại: 0918.501xxx), người rao bán bốn địa chỉ trên, khẳng định đó là những tên miền đã đăng ký, đồng thời nói sẽ kiểm tra lại thông tin tại VNNIC.

Chúng tôi cũng phát hiện tên miền eoffice.com.vn của Trung tâm An ninh mạng (Đại học Bách khoa Hà Nội) bị rao bán với giá 1.000 USD. Hỏi chủ rao bán là Nguyễn Thành Biên (điện thoại: 0904.140xxx) mới biết tên miền đó đã được bán cho Trung tâm An ninh mạng với giá 500 USD hồi cuối năm ngoái nhưng tin rao bán chưa được gỡ xuống!

Trong khi đó, ông Nguyễn Lê Thúy, giám đốc VNNIC, lại cho rằng rất khó phát hiện việc đầu cơ, buôn bán tên miền (?). Không biết khó thế nào chứ với những gì đang diễn ra trên mạng, chỉ có thể là cố tình làm ngơ chứ không thể không phát hiện được tình trạng đầu cơ. Ít nhất thì VNNIC cũng nắm được danh sách những tổ chức, cá nhân nào đã đăng ký số lượng tên miền nhiều nhất và bao nhiêu domain trong số ấy được đưa vào hoạt động.

Theo qui định, 60 ngày sau khi cấp phát, tên miền không được hoạt động sẽ bị VNNIC thu hồi. Ông Thúy thừa nhận mới chỉ có 45% trong tổng số khoảng 14.000 tên miền đang hoạt động. Như vậy, số domain còn lại hiện đang nằm trong tay những kẻ đầu cơ, trừ những doanh nghiệp đăng ký để giữ chỗ hoặc đăng ký nhiều tên miền để bảo vệ thương hiệu.

Tài nguyên quốc gia đang làm lợi cho những kẻ đầu cơ. Nhưng VNNIC - cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát, thúc đẩy, hỗ trợ việc sử dụng tài nguyên Internet tại VN - lại đang làm ngơ trước tình trạng này.

Theo Khiết Hưng

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm