Dân mạng xôn xao thông tin Căn cước công dân gắn chip có định vị, theo dõi?
(Dân trí) - Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chip tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Đặc biệt, con chip này không có chức năng định vị, theo dõi công dân.
"Căn cước công dân gắn chip mới có chức năng định vị không nhỉ? Trong trường hợp đánh rơi mất ví thì còn có khả năng truy vết để tìm lại", tài khoản Nguyễn Đỗ Hoàng Yến đặt câu hỏi trong một hội nhóm trên Facebook.
Thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai thực hiện cấp thẻ Căn cước công dân có gắn chip. Dù vậy, một bộ phận người dân vẫn chưa nắm được đầy đủ thông tin khi có nhiều nguồn tin lan truyền trên mạng xã hội rằng chip gắn bên trong thẻ Căn cước công nhân mới sẽ có tính năng định vị, theo dõi. Tuy nhiên, thông tin trên hoàn toàn không chính xác.
Chip gắn trên Căn cước công dân nhằm lưu trữ các thông tin của công dân với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chip tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Đặc biệt, con chip này không có chức năng định vị, theo dõi công dân.
"Căn cước công dân gắn chip điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm và bổ sung hoặc sửa đổi thông tin... Khi chip điện tử được tích hợp đầy đủ thông tin, người dân khi thực hiện các giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng Căn cước công dân này", Bộ Công an cho biết.
Dữ liệu trên chip có thể truy cập mà không phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chip, qua đó việc xác thực danh tính được thực hiện ngay lập tức, hạn chế tối đa việc giả mạo.
Chip sử dụng trên thẻ Căn cước công dân tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam, trên chip có thực hiện ký số, có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học cho phép xác thực đảm bảo chính xác con người, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác.
Bộ Công an đã xây dựng phương án bảo mật thông tin lưu trữ trên chip và được các đơn vị chuyên môn đánh giá, nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi... Do đó, rất khó có thể làm giả Căn cước công dân, đảm bảo độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch và giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ; bảo đảm an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính.
"Căn cước công dân gắn chip là xu thế chung trong thời đại công nghệ thông tin và đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng vì tính tiện dụng, thuận lợi khi thực hiện các giao dịch, dịch vụ trực tuyến... cho công dân", thông tin từ Bộ Công an cho biết.
Hiện tại, 10 tỉnh, thành phố được tập trung nguồn lực triển khai việc cấp thẻ Căn cước công dân đúng tiến độ gồm: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh.
Đây là những địa bàn tập trung đông dân cư, lượng người giao dịch lớn nên mốc thời gian đặt ra là trước ngày 30/4/2021, một nửa số dân cư trú tại 10 địa bàn này được cấp thẻ Căn cước công dân mới.