Dân mạng Việt "làm loạn" Facebook trọng tài chính trận đấu gặp Indonesia
(Dân trí) - Trước những quyết định có phần nhẹ tay của trọng tài Ahmad Alali với những pha vào bóng ác ý của cầu thủ Indonesia, nhiều cư dân mạng Việt Nam đã vào "làm loạn" trang Facebook của vị trọng tài này.
Đội tuyển Việt Nam đã xây chắc ngôi đầu bảng G vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á với chiến thắng 4-0 trước đội tuyển Indonesia, sau một trận đấu lấn lướt hoàn toàn và cho thấy sự vượt trội về đẳng cấp.
Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam đã có một trận đấu vất vả, khi các cầu thủ Indonesia thi đấu rắn, thường xuyên vào bóng ác ý và mang tính triệt hạ. Nhiều cầu thủ quan trọng của Việt Nam như Tuấn Anh, Văn Toàn… phải tập tễnh rời sân sau những pha vào bóng quyết liệt của đối thủ.
Điều đáng nói, dù các cầu thủ Indonesia liên tục vào bóng ác ý và có những pha bóng mang tính triệt hạ hết sức nguy hiểm, trọng tài chính người Kuwait Ahmad Alali vẫn bắt khá nhẹ tay, không đưa ra những án phạt đủ nặng để kìm hãm những hành động phi thể thao của đội bóng Indonesia.
Cả trận đấu, trọng tài người Kuwait chỉ rút ra 5 thẻ vàng cho Indonesia, quá ít so với những gì mà các cầu thủ của đội bóng này thể hiện trên sân. Đáng chú ý, ông còn rút ra thẻ vàng cho cầu thủ Quang Hải của đội tuyển Việt Nam trong pha bóng không quá nghiêm trọng, điều này đã khiến cho tiền vệ hàng đầu của Việt Nam phải vắng mặt trong trận đấu tiếp theo gặp Malaysia (do bị nhận 2 thẻ vàng).
Chính những quyết định có phần nhẹ tay của trọng tài Ahmad Alali đã khiến nhiều cổ động viên và cư dân mạng tại Việt Nam phẫn nộ. Sau trận đấu, nhiều cư dân mạng tại Việt Nam đã tìm ra và truy cập vào trang Facebook cá nhân của trọng tài Alali để "làm loạn".
Bên cạnh những bình luận bằng tiếng Anh có phần nhẹ nhàng và nhận xét rằng Ahmad Alali đã bắt quá nhẹ tay, nhiều dân mạng Việt Nam đã có những bình luận bằng tiếng Việt mang tính xúc phạm, chửi bới, lăng mạ… vị trọng tài này.
Nhiều người dùng Facebook tại Việt Nam còn "thả" hàng ngàn lượt bày tỏ cảm xúc "Phẫn nộ" vào những bài viết và hình ảnh trên trang cá nhân của trọng tài Alali. Hành động vô ý thức của các cổ động viên Việt Nam đã khiến cổ động viên bóng đá của nhiều quốc gia khác cảm thấy bất bình. Nhiều người trong số đó đã phải lên tiếng để bênh vực cho trọng tài Alali trước những hành động "làm loạn của cư dân mạng Việt Nam.
Không phải lần đầu tiên
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên cư dân mạng tại Việt Nam "làm loạn" tài khoản mạng xã hội của một trọng tài sau những trận đấu có đội tuyển Việt Nam tham dự, nhất là khi trọng tài đó đã có những quyết định thiếu chính xác và gây bất lợi cho đội tuyển Việt Nam.
Chẳng hạn như sau trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 diễn ra ngày 19/11/2019, trọng tài người Oman Ahmed Al-Kaf đã có quyết định gây tranh cãi vì từ chối một bàn thắng của đội tuyển Việt Nam, nhiều cư dân mạng Việt Nam đã nhanh chóng tìm ra trang Facebook cá nhân của vị trọng tài này và đồng loạt "tổng tấn công" với những bình luận khiếm nhã cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt, đến nỗi Al-Kaf đã phải đóng cửa trang Facebook cá nhân của mình.
Thậm chí, ngay cả khi các trọng tài có quyết định công minh và có lợi cho đội tuyển Việt Nam, họ cũng phải hứng chịu màn "làm loạn" của cư dân mạng Việt.
Chẳng hạn như nữ trọng tài người Úc Joanna Charaktis, 27 tuổi. Cô là trợ lý trọng tài trong trận chung kết môn bóng đá nữ giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan tại Sea Games 30, diễn ra vào tháng 12/2019. Cô không chỉ gây chú ý vì vẻ ngoài trẻ trung và xinh đẹp của mình, mà đặc biệt còn tạo được cảm tình với người hâm mộ bóng đá Việt Nam vì những tình huống bắt chính xác, đặc biệt tình huống phất cờ việt vị để từ chối bàn thắng của tiền đạo Thái Lan vào lưới đội tuyển Việt Nam.
Sau khi kết thúc trận đấu với chiến thắng thuộc về các cô gái của Việt Nam, nhiều cư dân mạng đã tìm ra trang Facebook cũng như tài khoản Instagram của nữ trọng tài này, rồi cùng nhau chia sẻ trên mạng xã hội, khiến cho lượt người truy cập vào trang Facebook và Instagram của Joanna Charaktis tăng đột biến.
Nhiều dân mạng Việt Nam đã truy cập vào Facebook và Instagram của Joanna để bình luận và chia sẻ về những cảm xúc sau trận chung kết môn bóng đá nữ tại Sea Games 30. Tuy nhiên, bên cạnh những bình luận bằng tiếng Anh mang tính thân thiện và tích cực thì không ít cư dân mạng tại Việt Nam lại có những bình luận bằng tiếng Việt mang nội dung giễu cợt nữ trọng tài này.
Chỉ trong một thời gian ngắn, lượng người theo dõi trang Facebook và Instagram cá nhân của Joanna Charaktis tăng lên một cách đột biến, phần lớn các tương tác đều đến từ người dùng Facebook tại Việt Nam.
Trước tình trạng các trang mạng xã hội của mình có lượng người tăng lên đột biến và bị nhiều cư dân mạng (chủ yếu đến từ Việt Nam) "làm loạn", nữ trọng tài Joanna Charaktis đã phải đóng cửa trang Facebook cá nhân cũng như thiết lập tài khoản Instagram của mình về chế độ riêng tư (dù trước đó đặt ở chế độ công khai).
Những hành động "làm loạn" mạng xã hội của nhiều cư dân mạng tại Việt Nam là một điều đáng lên án, phần nào làm xấu đi hình ảnh và con người Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới. Hy vọng cư dân mạng Việt sẽ có ý thức hơn trong việc sử dụng mạng xã hội, tránh việc tạo nên tiếng xấu làm ảnh hưởng đến đất nước và con người Việt Nam với cộng đồng mạng thế giới.