Dân kinh doanh online nhốn nháo vì Facebook bị sập hơn 7 tiếng
(Dân trí) - Việc Facebook bị tê liệt trong thời gian dài đã khiến cho những người kinh doanh, quảng cáo online trên toàn thế giới phải đau đầu.
Khoảng 22h30 tối 4/10 (theo giờ Việt Nam), Facebook cùng hàng loạt dịch vụ của hãng, bao gồm Messenger, Instagram và WhatsApp đã bị sập trên toàn cầu. Sự cố trên kéo dài liên tục trong hơn 7 tiếng, khiến cho người dùng trên toàn thế giới không thể truy cập được vào các dịch vụ của hãng.
Trong đó, những người chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ sự cố nghiêm trọng này là giới kinh doanh online. Các hoạt động của họ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Facebook để chạy quảng cáo, bán hàng.
Tại Việt Nam, do sự cố diễn ra trong khoảng thời gian từ đêm muộn (đêm 4/10) và kéo dài đến sáng sớm hôm sau (khoảng 6h sáng 5/10), hoạt động của giới kinh doanh online không phải chịu quá nhiều thiệt hại.
"Tôi thường thiết lập các bài đăng quảng cáo trên Facebook vào thời gian ban ngày hoặc tối. Do đó, sự cố vào đêm qua gần như không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động kinh doanh của tôi", ông Bùi Quang Trung, nhà quảng cáo Facebook chuyên kinh doanh điện thoại di động chia sẻ.
Dù vậy, vẫn có một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ sự cố này, đặc biệt là các công ty chạy "quảng cáo learning".
"Khoảng 15h chiều 4/10, tôi bắt đầu thiết lập bài đăng quảng cáo ở "chế độ learning". Sau khi quảng cáo chạy được 7 tiếng, Facebook bắt đầu học được về tệp khách hàng thì quảng cáo bị tắt, đồng nghĩa quá trình learning tệp khách hàng bị dừng lại. Điều này ảnh hưởng đến thời gian Facebook học tệp khách hàng và ảnh hưởng đến hiệu suất quảng cáo cũng như giá quảng cáo", bà Lương Ngọc Anh, một chuyên gia trong lĩnh vực Digital Marketing cho biết.
Chưa dừng lại ở đó, đối với giới kinh doanh online tại các quốc gia khác, sự cố này còn trở nên nghiêm trọng hơn. Facebook và các công cụ liên quan của mạng xã hội này hiện được xem như công cụ kinh doanh chính của nhiều doanh nghiệp nhỏ.
Theo Business Insider, một huấn luyện viên trực tuyến tại Italy đã không thể kết nối với khách hàng và chạy các chiến dịch quảng cáo để tìm kiếm khách hàng hơn. Trường hợp khác là một người kinh doanh quần áo tại Liberia đã không thể đăng bài quảng cáo bán hàng để kiếm tiền trả các khoản nợ.
Không chỉ Facebook, các dịch vụ khác như Instagram, WhatsApp hay Messenger cũng không thể truy cập trong thời gian dài. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dùng trên thế giới.
"Cha mẹ tôi không quen với việc sử dụng các ứng dụng nhắn tin mới. Khi WhatsApp không hoạt động, họ không biết dùng thứ gì để gọi cho tôi", Alex Williams, một người Ba Lan đang sinh sống tại Los Angeles chia sẻ về việc không thể liên lạc với gia đình và bạn bè vì sự cố hôm qua.
Trao đổi với Dân trí, Facebook cho biết nhóm kỹ sư của công ty phát hiện ra rằng những thay đổi cấu hình trên các router backbone (router chính) điều phối lưu lượng mạng giữa các trung tâm dữ liệu của họ đã gây ra sự cố trên. Sự gián đoạn đối với lưu lượng mạng này đã ảnh hưởng đến cách các trung tâm dữ liệu của Facebook, khiến các dịch vụ của họ phải tạm dừng.
"Các dịch vụ của chúng tôi hiện đã hoạt động trực tuyến trở lại và chúng tôi đang tích cực làm việc để đưa chúng trở lại hoạt động bình thường. Chúng tôi muốn làm rõ tại thời điểm này, chúng tôi tin rằng nguyên nhân gốc rễ của sự cố ngừng hoạt động là do lỗi trong thay đổi cấu hình. Mọi người và doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới đang dựa vào chúng tôi hàng ngày để duy trì kết nối. Chúng tôi hiểu những tác động của sự cố như thế này đối với cuộc sống của mọi người và trách nhiệm của chúng tôi trong việc cung cấp thông tin cho mọi người về sự gián đoạn dịch vụ của chúng tôi. Chúng tôi xin lỗi tất cả những người bị ảnh hưởng và chúng tôi vẫn đang nỗ lực làm việc để hiểu thêm về những gì vừa xảy ra để chúng tôi có thể tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng của mình tốt hơn", Facebook chia sẻ với Dân trí.