Cyber Monday có nhiều giảm giá hấp dẫn với người Việt?
(Dân trí) - Tại Mỹ, các tín đồ shopping chờ đợi "ròng rã" suốt cả năm cho tới 3 ngày mua sắm lớn nhất đó là Lễ Tạ ơn, Black Friday, và Cyber Monday. Vậy tại sao chúng lại được mong chờ, và các "shopper" tại Việt Nam được hưởng lợi gì trong những ngày này?
Black Friday bắt đầu từ khi nào?
Black Friday, hay còn gọi là ngày "Thứ Sáu đen tối" được ấn định vào thứ 6 đầu tiên sau ngày Lễ Tạ Ơn (một ngày lễ hàng năm được tổ chức chủ yếu tại Mỹ và Canada). Vì Lễ Tạ Ơn rơi vào ngày thứ 5 lần thứ 4 trong tháng 11, nên Black Friday sẽ rơi vào khoảng ngày 23-29 tháng 11.
Theo nhật báo USA Today, ngày Black Friday bắt đầu được nhắc tới vào năm 1939, khi Franklin D. Roosevelt - tổng thống thứ 32 của Mỹ đứng trước sức ép phải chuyển Lễ Tạ Ơn từ ngày thứ 5 cuối cùng lên thành thứ 5 lần thứ 4 trong tháng 11, với mục đích kéo dài mùa mua sắm Giáng sinh.
"Khi mùa mua sắm kéo dài, người ta sẽ chi tiêu nhiều hơn, và nền kinh tế đang khủng hoảng lúc bấy giờ sẽ nhận được một sự thúc đẩy cần thiết" - đó chính là ý tưởng hình thành nên sự ra đời của Black Friday. Sự thay đổi của ngày Lễ Tạ Ơn chính thức được công nhận vào năm 1941, nhưng khái niệm Black Friday đã không thực sự nổi bật cho đến khoảng một thập kỷ sau đó.
Theo một nguồn tin khác, tên gọi Black Friday được bắt nguồn từ thành phố Philadelphia của Mỹ. Trong những năm 1950, cảnh sát địa phương được cho là đã sử dụng thuật ngữ này để mô tả các thứ 6 sau ngày Lễ Tạ Ơn vì đó là một ngày "đặc biệt khó khăn" đối với họ, do khối lượng người mua sắm tăng vọt đổ vào thành phố từ các vùng ngoại ô.
Ngày Black Friday sau đó dần trở nên phổ biến và xuất hiện ở cả những quốc gia ngoài Mỹ & Canada, nhằm hưởng ứng cho mùa mua sắm cuối năm.
Cyber Monday là ngày gì? Tại sao Cyber Monday được nhắc đến ngang hàng với Black Friday?
Có lẽ nhiều người sẽ thấy khó tin, nhưng ngày Cyber Monday kỳ thực đã bắt đầu từ năm 2005, trong bối cảnh Internet bắt đầu trở nên phổ biến. Đây cũng là điểm khác biệt cơ bản giữa Cyber Monday và ngày Black Friday, khi nó chỉ bao gồm các giao dịch online, và thanh toán trực tuyến.
Câu hỏi đặt ra là tại sao lại là thứ Hai (Monday) chứ không phải là thứ Sáu hay thứ Bảy. Lý do đó là ngày Cyber Monday hướng đến những người dùng đang đi làm tại công sở, sử dụng Internet hoặc thiết bị di động để mua hàng thông qua phương thức online.
Trong những năm đầu của kỷ nguyên Internet, ngày thứ Hai cũng ghi nhận là khoảng thời gian sinh lời nhiều nhất cho các cửa hàng trực tuyến, nên người ta đã quyết định chọn ngày này. Năm nay, ngày Cyber Monday diễn ra vào Thứ hai 26/11.
Ngày nay, trong bối cảnh Thương mại điện tử thắng thế, và dần thay thế cho hình thức mua sắm truyền thống đã khiến ngày Black Friday trở nên gần giống với Cyber Monday. Thực tế là đã có không ít người thường xuyên nhầm lẫn 2 ngày này, và thay đổi quan điểm về một "mùa mua sắm cuối năm", thay vì một ngày nào đó cụ thể.
Cyber Monday hay Black Friday có deal giảm giá hấp dẫn hơn?
Điều này còn phụ thuộc nhiều vào vị trí địa lý và mặt hàng mà bạn quan tâm. Tuy nhiên như đã đề cập , ngày Black Friday và Cyber Monday đang dần trở nên giống nhau, vì về cơ bản, bạn có thể tìm thấy mọi thứ trên nền tảng online.
Theo con số thống kê từ năm ngoái, doanh số bán hàng của ngày Cyber Monday thậm chí đã vượt qua ngày Black Friday với kỷ lục 6,6 tỷ USD, cao gấp đôi so với năm 2016. Trong khi đó, ngày Black Friday tại Mỹ cũng đạt doanh thu kỷ lục trong suốt nhiều năm.
Tuy nhiên tại Việt Nam, do sức hút của ngày Black Friday vẫn còn cao hơn khá nhiều so với Cyber Monday, nên bạn có thể tìm thấy nhiều deal hấp dẫn hơn vào ngày này. Thêm nữa, tâm lý của đa số "tín đồ shopping" đó là phải tham gia thật sớm, thậm chí xếp hàng, chen lấn tại các shop để chọn cho mình các món đồ ưng ý kẻo bị người khác mua mất, nên ngày Black Friday (diễn ra trước Cyber Monday) sẽ có những lợi thế nhất định.
Cảnh giác chiêu bài "Tăng giá gốc, giảm giá ảo"
Trên "mặt trận" mạng xã hội, "cơn bão Black Friday" với những món đồ khuyến mãi, giảm giá thậm chí lên đến 70%, 80% cũng đang càn quét khắp nơi, khiến các tín đồ vô cùng bận rộn. Nhiều người chỉ trong sáng ngày hôm nay đã nhanh tay mua được món đồ "chất" với giá có khi chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với thông thường.
Tuy nhiên theo ghi nhận của PV, tình trạng "tăng giá gốc, giảm giá ảo" vẫn xảy ra khá thường xuyên trong ngày này, khiến nhiều khách hàng tưởng mình mua rẻ nhưng hóa ra chỉ mua bằng giá hoặc thấp hơn chút ít.
Người dùng theo đó nên đặc biệt cảnh giác, tham khảo giá tại nhiều nguồn để có cái nhìn trực quan về thị trường và từng sản phẩm, thay vì chỉ chú tâm vào những quảng cáo hấp dẫn, bắt mắt.
Nguyễn Nguyễn