Cuộc gặp duyên nợ giữa Tim Cook và Steve Jobs vào lúc Apple sắp phá sản

T.Thủy

(Dân trí) - Năm 1998, Tim Cook gia nhập Apple. Đây là thời điểm Apple đang lâm vào khủng hoảng và sắp bị phá sản, nhưng vì sao Tim Cook vẫn chấp nhận bước lên "con tàu sắp đắm" này?

Năm 2011, khi Steve Jobs phải rời Apple để chữa bệnh, ông đã giao lại chiếc ghế CEO tại công ty do mình sáng lập cho Tim Cook. Điều này cho thấy Steve Jobs đã rất tin tưởng vào Tim Cook, người bạn thân và là người mà Jobs đã đích thân tuyển dụng cách đó 13 năm.

Quả nhiên, Tim Cook đã không làm phụ lòng Steve Jobs. Sau khi được bổ nhiệm vào chiếc ghế CEO của Apple, Tim Cook đã lèo lái để đưa Apple trở thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới. Hiện giá trị vốn hóa của Apple đạt 2,67 nghìn tỷ USD và từng có thời điểm đạt giá trị vốn hóa lên đến 3 nghìn tỷ USD vào tháng 6/2023.

Cuộc gặp duyên nợ giữa Tim Cook và Steve Jobs vào lúc Apple sắp phá sản - 1

Tim Cook là một trong những người thân tín và được Steve Jobs tin tưởng nhất tại Apple (Ảnh: Getty).

Những gì Tim Cook đã và đang làm được với Apple cho thấy Steve Jobs đã không hề nhìn nhầm người. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, Steve Jobs đã phải đích thân gặp mặt Tim Cook để mời ông đến làm việc tại Apple.

Trước khi gia nhập Apple, Tim Cook đã nắm giữ những vị trí quan trọng trong đội ngũ lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ lớn như hãng công nghệ Intelligence Electronics, 2 hãng máy tính lớn là IBM và Compaq…

Trong thời gian đang làm việc tại Compaq, hãng máy tính lớn nhất thế giới vào thời điểm đó, Apple đã từng nhiều lần liên hệ với Tim Cook để mời đến làm việc, nhưng ông luôn từ chối.

Chỉ đến khi gặp trực tiếp Steve Jobs, nhà sáng lập của Apple, Tim Cook mới thay đổi suy nghĩ và đưa ra một trong những quyết định quan trọng nhất cuộc đời mình.

Theo đó, Tim Cook gặp Steve Jobs lần đầu tiên vào năm 1997. Chia sẻ lại về buổi gặp mặt đầu tiên, Tim Cook cho biết ông đã cảm nhận được Steve Jobs là người "đang tạo ra những điều mới mẻ và hoàn toàn khác biệt".

Tim Cook thừa nhận ông đã có ấn tượng mạnh ngay trong lần đầu gặp gỡ Steve Jobs và bị thuyết phục hoàn toàn khi nghe Jobs chia sẻ về tầm nhìn chiến lược mà chính tay Jobs đang xây dựng tại Apple.

Steve Jobs đã hé lộ với Tim Cook về một chiếc máy tính mang tính cách mạng, với thiết kế hoàn toàn mới mà không giống bất kỳ máy tính cá nhân nào trước đây.

Những lời úp mở của Steve Jobs đã khiến Tim Cook vô cùng thích thú và tò mò. Sản phẩm mà Steve Jobs nói đến chính là chiếc máy tính iMac G3, được Apple ra mắt vào tháng 5/1998. Chiếc máy tính này đã rất thành công trên thị trường nhờ vào thiết kế và màu sắc độc đáo.

Cuộc gặp duyên nợ giữa Tim Cook và Steve Jobs vào lúc Apple sắp phá sản - 2

iMac G3, chiếc máy tính đã giúp Apple "lật ngược tình thế" và tránh khỏi nguy cơ bị phá sản (Ảnh: PocketImg).

Vào thời điểm cuộc gặp gỡ diễn ra, Tim Cook vẫn đang rất hài lòng với công việc tại Compaq, trong khi đó Apple đang đối mặt với muôn vàn khó khăn và đang bên bờ vực phá sản.

Tuy nhiên, bản thân Tim Cook lại cảm thấy thú vị với những dự án mà Steve Jobs ấp ủ tại Apple, chính vì vậy, Tim Cook đã chấp nhận rời bỏ Compaq để bước lên "con tàu sắp đắm" mang tên Apple, với niềm tin rằng mình sẽ được làm việc với một người tràn đầy nhiệt huyết.

Tháng 3/1998, Tim Cook chính thức chuyển sang làm việc tại Apple và nhanh chóng được bổ nhiệm vào vị trí Phó chủ tịch cao cấp về quản lý bán hàng trên toàn cầu.

Trước khi gia nhập Apple, Tim Cook đang nắm giữ vị trí giám đốc chuỗi cung ứng của Compaq và rất nổi tiếng với khả năng tối ưu hiệu quả hoạt động của các chuỗi cung ứng nhằm giảm chi phí sản xuất, đây là điều rất cần thiết với một công ty sắp phá sản như Apple.

Tim Cook tiết lộ rằng mức lương đầu tiên mà ông nhận được tại Apple là 400.000 USD/năm, cùng mức tiền thưởng 500.000 USD.

Vào thời điểm Tim Cook gia nhập Apple, đây không phải là công ty mà nhiều người muốn chuyển đến làm việc, bởi lẽ "quả táo" đang gặp những khủng hoảng về tài chính và đối mặt với nguy cơ phá sản, bắt nguồn từ sự cạnh tranh mạnh mẽ của Microsoft trên thị trường máy tính và những sai lầm nghiêm trọng trong chiến lược của ban lãnh đạo.

Tim Cook thừa nhận rằng trước khi đến Apple, ông biết mình sẽ phải đối mặt với mớ hỗn độn tại công ty này, nhưng vẫn chấp nhận thử thách vì bị Steve Jobs thuyết phục hoàn toàn bằng những định hướng được vạch ra.

Trước đó, Steve Jobs đã quay trở lại vị trí CEO của Apple từ tháng 8/1997 sau khi bị sa thải vào năm 1985. Sau khi trở lại chiếc ghế CEO của Apple, Steve Jobs đã thực hiện nhiều thay đổi quan trọng mang tính chiến lược, giúp Apple vượt qua khủng hoảng.

Một trong những quyết định quan trọng và đúng đắn nhất của Steve Jobs vào thời điểm đó chính là mời Tim Cook về làm việc tại Apple.

"Tim Cook có tầm nhìn rất giống với tôi. Chúng tôi có thể hiểu ý nhau ở nhiều cấp độ. Tôi có thể quên đi mọi thứ vì có Tim Cook ở đó để nhắc nhở cho tôi", Steve Jobs từng chia sẻ về Tim Cook trong cuốn tự truyện của mình.

Dưới sự dẫn dắt của Steve Jobs, Apple không chỉ vượt qua được khủng hoảng, tránh xa nguy cơ bị phá sản và thậm chí vươn lên trở thành hãng công nghệ hàng đầu thế giới.

Tim Cook đã trở thành một trong những người thân tín và được Steve Jobs tin tưởng nhất tại Apple. Khi Jobs mắc bệnh nặng, ông đã trao lại chiếc ghế CEO của Apple cho Tim Cook với niềm tin rằng Cook sẽ giúp Apple, "đứa con" do chính Jobs tạo ra, đạt được những thành công vang dội.

Những gì Tim Cook đã và đang làm được tại Apple cho thấy Steve Jobs đã không hề sai khi đặt niềm tin vào ông. Tim Cook đã kế thừa những sản phẩm do Steve Jobs để lại và phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, giúp Apple liên tục đạt được những kỷ lục về doanh thu.

Theo SoMag/YN