Cuộc đua AI toàn cầu: Siêu trí tuệ nhân tạo sắp xuất hiện

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - AI sẽ là câu trả lời để nhân loại giải quyết các vấn đề mà chúng ta chưa thể trong quá khứ.

Siêu trí tuệ nhân tạo là "bước đi lớn tiếp theo"?

Cuộc đua AI toàn cầu: Siêu trí tuệ nhân tạo sắp xuất hiện - 1

Cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở nên nóng bỏng trong những năm gần đây (Ảnh: Getty).

Kể từ thời điểm ChatGPT tạo nên một "cơn sốt" trên toàn cầu vào đầu năm 2023, các ông lớn công nghệ đã cùng tham gia một cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Các chatbot, phần mềm, sản phẩm tích hợp AI xuất hiện ngày càng nhiều.

Mới đây, SoftBank, tập đoàn viễn thông có trụ sở ở Tokyo, Nhật Bản, công khai sự đầu tư vào siêu trí tuệ nhân tạo (ASI), với số tiền bỏ ra lên tới hàng trăm tỷ USD.

Ông Masayoshi Son, CEO SoftBank, khẳng định ASI là "bước đi lớn tiếp theo" của nhân loại, và được kỳ vọng sẽ thông minh hơn não người gấp 10.000 lần. Vị CEO này cũng nhận định, ASI do SoftBank phát triển, sẽ ra đời vào năm 2035.

Đây được xem là kế hoạch táo bạo của công ty tới từ Nhật Bản, khi công khai ý định chiếm lĩnh thị trường AI mà hiện đứng đầu là các hãng công nghệ tới từ Mỹ.

Cuộc đua AI toàn cầu: Siêu trí tuệ nhân tạo sắp xuất hiện - 2

CEO SoftBank Masayoshi Son phát biểu tại hội nghị doanh nghiệp SoftBank World 2023, tại Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: Reuters).

Trong đó, Microsoft là cái tên đáng chú ý nhất, khi khơi mào cuộc chiến AI thế hệ mới, với màn ra mắt của ChatGPT đầu năm 2023. Không chỉ vậy, Microsoft cũng không ngừng nâng cấp các trợ lý AI trong sản phẩm của mình, đặc biệt là công cụ tìm kiếm Bing AI.

Google là "ông lớn" thứ hai, đang không ngừng nỗ lực cải tiến AI chatbot Bard - đối thủ cạnh tranh của Microsoft Bing AI - nhằm đưa ra câu trả lời đáng tin cậy hơn cho người dùng.

Chiến lược của Google là tích cực khai thác phân khúc thị trường từ nhóm khách hàng trẻ (ở độ tuổi 13-17), với tính năng tìm kiếm theo hình thức các cuộc trò chuyện, giống như tương tác với một chatbot AI.

Meta (công ty sở hữu Facebook), cũng đã đẩy mạnh nhiều tính năng trợ lý AI trên các nền tảng truyền thông xã hội của công ty.

Trong đó, đáng chú ý là việc tối ưu hóa trợ lý ảo bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, giúp tăng khả năng tiếp cận với nhóm khách hàng là doanh nghiệp và người dùng.

Ngay cả Apple, công ty được cho là "chậm chân" nhất trong cuộc đua AI, cũng đã giới thiệu tính năng Apple Intelligence. Đây là hệ thống AI mà "quả táo" sẽ tích hợp vào các sản phẩm của hãng, bao gồm iPhone, iPad, máy tính Mac.

Việt Nam không nằm ngoài cuộc đua AI

Cuộc đua AI toàn cầu: Siêu trí tuệ nhân tạo sắp xuất hiện - 3

Mô hình lái mô phỏng giải pháp DMS trong lĩnh vực Smart Mobility của VinAI (Ảnh: VinAI).

Theo hãng phân tích Bain & Co, quy mô thị trường AI toàn cầu dự kiến đạt gần 1.000 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 20,8% từ 2023 đến 2030.

Điều này cho thấy AI không chỉ dừng lại ở một công nghệ mới nổi mà còn trở thành yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp đạt được sự tăng trưởng bền vững.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, từ các tập đoàn lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng đã bắt đầu hành trình ứng dụng AI chuyên sâu vào tất cả các mặt hoạt động kinh doanh.

Tiêu biểu trong đó là hệ sinh thái AI của FPT, VNPT, Viettel, VinGroup... đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực, như tài chính ngân hàng, logistics, sản xuất, thương mại điện tử...

Đây được xem là những ngành đi đầu trong việc ứng dụng AI tại Việt Nam, góp phần tối ưu hóa quy trình vận hành, cải thiện năng suất và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Ở lĩnh vực AI tạo sinh (Generative AI), một số startup đáng chú ý khác có thể kể đến như Kompato AI, AI Hay, Pixel ML, TymeX... bước đầu cho thấy sự sáng tạo trong việc vận dụng sức mạnh của AI để giải những bài toán của thị trường.

Những giải pháp AI này chủ yếu đi sâu vào hỗ trợ quy trình kinh doanh, quản lý của doanh nghiệp sản xuất, cho phép doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, điều chỉnh chiến lược, phân phối một cách linh hoạt, đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra trơn tru, hiệu quả.

Ông Hồ Đức Thắng, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông, từng nhấn mạnh vai trò của AI tạo sinh nói riêng, và AI nói chung trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.

Ông cho rằng đây là yếu tố "cốt lõi" trong sự chuyển dịch mà Việt Nam đang hướng tới. Trong đó, AI góp phần quan trọng trong việc cách mạng hóa, tối ưu hóa các chức năng, dịch vụ công, đưa người dân lên môi trường số một cách thuận tiện và an toàn.