Cục Viễn thông chính thức nói về việc tăng giá cước 3G
(Dân trí) - Hôm qua (7/11), lần đầu tiên Cục Viễn thông chính thức có công văn phản hồi phản ánh của báo chí về việc tăng giá cước dịch vụ dữ liệu 3G.
Công văn của Cục Viễn thông cho biết, theo Thông tư số 18/2012/TT-BTTTT thì VMS, VNPT, Viettel là các doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường với dịch vụ truy nhập Internet trên mạng di động (dịch vụ dữ liệu 3G). Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 38 Nghị định 25/2011/NĐ-CP các doanh nghiệp này phải đăng ký giá cước dịch vụ này với Cục Viễn thông. Như vậy, khi điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G các doanh nghiệp trên phải đăng ký giá cước với Cục Viễn thông - Bộ TT&TT.
Theo Cục Viễn thông, Viettel đã có các công văn số 2595/VTQĐ-KD và công văn số 3515/VTT-NCTT ngày 13/9/2013; VMS có công văn số 3420/VMS-GCTT ngày 09/8/2013, công văn số 3740/VMS-GCTT ngày 26/8/2013 và công văn số 4107/VMS-GCTT ngày 11/9/2013; Vinaphone có công văn 3219/VNP-KD ngày 30/8/2013 và công văn 3333/VNP-KD ngày 05/9/2013 để đăng ký điều chỉnh cước data và cước thoại/SMS giờ thấp điểm.
Đến ngày 4/10/2013, Cục Viễn thông đã có các công văn số 1263/CVT-GCKM, 1264/CVT-GCKM và 1265/CVT-GCKM chấp thuận đăng ký giá cước Dịch vụ truy nhập Internet thông tin di động của các doanh nghiệp. Phần lớn các gói cước có chu kỳ tính cước theo tháng (mỗi doanh nghiệp chỉ có 01 gói tính theo sử dụng thực tế) nên để thuận tiện trong tính cước doanh nghiệp thường áp dụng trọn tháng hoặc 1/2 tháng. Vì vậy khi không áp dụng được từ 01/10/2013 (trước khi có văn bản chấp thuận), doanh nghiệp áp dụng từ ngày 16/10/2013 (nửa sau của tháng).
Công văn của Cục Viễn thông cũng nêu rõ sở cứ pháp lý phê duyệt điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G. Đó là, căn cứ vào các quy định của pháp luật về viễn thông (Điều 55 Luật Viễn thông quy định giá cước viễn thông; Điều 43 Luật Viễn thông về kết nối mạng viễn thông công cộng; Điều 38 Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Viễn thông), về giá (Điều 5 Luật Giá quy định nguyên tắc quản lý giá; Điều 11 Luật Giá quy định quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh), về cạnh tranh (Điều 13 Luật Cạnh tranh quy định về các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm) và các điều ước quốc tế (Điểm b, Khoản 2 Tài liệu tham chiếu (Reference paper) Hiệp định Viễn thông cơ bản của Tổ chức thương mại thế giới; Phụ lục 1 của Thể lệ Viễn thông quốc tế về “giá cước thanh toán” ).
Về sở cứ thực tế, công văn của Cục Viễn thông cho biết, khi xem xét thẩm định giá cước dịch vụ dữ liệu 3G, Bộ TT&TT đã căn cứ vào giá thành dịch vụ thực tế mà các doanh nghiệp báo cáo theo quy định của Bộ TT&TT (Thông tư số 16/2012/TT-BTTTT); quan hệ giữa năng lực hạ tầng mạng lưới để cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp (cung) và mức độ sử dụng dịch vụ của khách hàng (cầu); mặt bằng giá cước của khu vực và thế giới; bảo đảm môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Nói về về mức độ tăng giá cước, Công văn cho biết Cục Viễn thông chấp thuận đăng ký giá cước của doanh nghiệp ở một mức giá cước cụ thể, không quy định doanh nghiệp tăng không quá 20% giá cước dịch vụ dữ liệu 3G (không có quy định trần tăng giá). Hiện nay Cục Viễn thông đã nhận được các quyết định điều chỉnh giá cước truy nhập Internet qua mạng di động của 3 doanh nghiệp xin phép điều chỉnh đợt này. Các mức giá cước quy định tại các quyết định trên đều đúng như doanh nghiệp đăng ký.
Trước đó, ngày 16/10, 3 nhà mạng lớn VinaPhone, MobiFone và Viettel đã đồng loạt tăng giá cước dịch vụ 3G gói không giới hạn từ 50.000 lên 70.000 đồng/tháng. Dư luận tỏ ra bất bình và nghi ngờ về việc cả 3 nhà mạng này đã bắt tay thông đồng chèn ép người dùng. Trước tình hình trên, ngày 22/10, Văn phòng Chính phủ đã có công văn theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu kiểm tra việc ba nhà mạng lớn VinaPhone, MobiFone và Viettel đồng loạt tăng 40% giá cước 3G gói không giới hạn.
Được biết trong tuần này sau khi Cục Viễn thông làm việc cùng với Cục cạnh tranh và 3 nhà mạng, Bộ TT&TT sẽ có báo cáo chính thức lên Chính phủ về vấn đề trên.
Khôi Linh